Con “bất trị”, có nên nhờ…công an can thiệp?

04/03/2012 13:59
Theo GĐ&XH
Khi con cái hỗn hào lên đến đỉnh điểm mà trước đấy không thể giáo dục được thì người ta cũng mất kiểm soát

Sát hại con vì không dạy bảo được

Trần Văn Nhẫn (SN 1988) là con thứ hai của ông Trần Văn Cường (SN 1959) trú ở phố Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Học đến lớp 6 thì Nhẫn bỏ học. Trong thời gian còn đi học, gia đình đã phải 4 lần mua xe đạp cho con vì Nhẫn cho hay bị mất cắp. Những lần con làm mất xe, vợ chồng ông Cường không khỏi xót của nhưng mắng thì Nhẫn cãi lại. Khi con bỏ học, khuyên bảo không được, vợ chồng ông đành bất lực.

Do thuộc diện thanh thiếu niên hư nên Nhẫn đã bị đưa đi trường giáo dưỡng để giáo dục. Tuy nhiên, sau 2 năm ra khỏi trường, Nhẫn vẫn chứng nào tật ấy. Vì không học hành đến nơi đến chốn nên Nhẫn không kiếm được việc làm ổn định. Đã mấy lần được bố mẹ tậu xe máy để làm “xe ôm”, nhưng chỉ được một thời gian thì xe máy lại “biến mất”. Và cứ mỗi lần Nhẫn yêu cầu gia đình phải mua xe máy thì lại xảy ra chuyện cãi láo với bố mẹ. Không chỉ thế, Nhẫn còn vác dao chém làm gãy tay, đứt gân và đuổi bố ra khỏi nhà. Lần đó, do không muốn con bị xử lý nên gia đình ông Cường đã tự giải quyết trong nội bộ.

Những tưởng sau sự việc xảy ra, Nhẫn phải ân hận vì việc làm đối với bố, nhưng cậu con vẫn ngang ngược như trước. Sự việc đã đẩy đến đỉnh điểm khi một lần nữa ông Cường lại chứng kiến hành động hỗn láo của Nhẫn với người chị dâu.

Một hôm, đi ăn sáng về ông Cường vẫn thấy con trai còn đang ngủ nên đã lấy chiếc búa đinh đập liên tiếp vào mặt và người Nhẫn cho đến khi nghe thấy tiếng kêu thất thanh của cô con dâu…Lúc này thì đã muộn. Con trai chết, ông Cường phải vào vòng lao lý.

Không nên “đóng cửa bảo nhau”
 
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học cho rằng, con cái có thể hỗn láo với bố mẹ nếu như khi nhỏ chúng được cha mẹ quá cưng chiều hoặc cha mẹ đã không gần gũi, dạy dỗ, uốn nắn ngay từ nhỏ. Theo ông Bình, cha mẹ không nên sử dụng bạo lực để giáo dục con cái. Điều đấy càng khiến cho trẻ hư hỏng hơn.

Những kết cục đau buồn trên có thể là hậu quả trực tiếp của những lần đứa con đe dọa bố. Bên cạnh đấy là do những áp lực từ cuộc sống hằng ngày đùn đẩy, nhân áp lực của ông bố lên. Hành động lấy búa đập vào đầu con hay chém con thể hiện sự bất lực của gia đình không thể giáo dục được con nữa. “Khi con cái hỗn hào lên đến đỉnh điểm mà trước đấy không thể giáo dục được thì người ta cũng mất kiểm soát.Với những đứa trẻ như thế này, gia đình cần phải kết hợp với cộng đồng để giáo dục con. Không nên sợ điều tiếng mà "đóng cửa bảo nhau". Cha mẹ có thể tác động giáo dục con bằng cách nhờ những người tin cậy, bạn bè có sức ảnh hưởng tới con để khuyên răn. Nếu cảm thấy không thể sống chung cùng những người con "bất trị" thì nên tách chúng ra”, ông Bình nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dùng bạo lực để chống bạo lực là cách không phù hợp trong giáo dục con cái. Để giáo dục những đứa con này phải kiên trì dùng nhiều biện pháp. Nếu gia đình khuyên nhủ không nghe thì phải dùng người có uy tín để giải thích với con. Cũng phải dùng biện pháp mạnh nhưng là tổ chức, giáo dục chứ không phải là bột phát như trên. “Tốt nhất là tìm những người có uy tín, thân cận với con hơn để tác động. Có thể dùng biện pháp tốt hơn là những người tổ trưởng dân phố, công an địa phương...can thiệp. Họ sẽ tuyên truyền cho con về mặt pháp luật...”, ông Lâm nói.

Về mặt tâm lý có những đứa con hỗn ngược, không kiềm chế được cảm xúc thì cha mẹ nên nhờ nhà tâm lý học để giải tỏa tâm lý. Họ sẽ có những bài để kiềm chế cảm xúc cho con. Những hành động quá hỗn láo với cha mẹ có thể do con bị kích động, nổi nóng không kiểm soát được. Với những đứa con này không thể giáo dục một, hai câu là thay đổi được mà đòi hỏi một quá trình lâu dài.

Điểm nóng
Cùng khám phá 50 cái tên hay cho bé gái

3 nguyên nhân làm cho da bé xanh xao
Dạy con cách xem TV
Theo GĐ&XH