Hoa mắt “rừng” hóa chất tạo hương thịt, patê, nước mắm…

07/06/2011 06:30
(GDVN) - "Hầu hết các cửa hàng bán cơm bình dân, bán bánh mì patê đều mua các loại phụ gia mùi thịt lợn, mùi thịt bò để pha chế"

(GDVN) - “Loại phụ gia này chỉ cần nấu với nước sôi là sẽ tạo được mùi thịt. Hầu hết các cửa hàng bán cơm bình dân, bán bánh mì patê đều mua các loại phụ gia mùi thịt lợn, mùi thịt bò để pha chế. Giá gan, giá thịt đắt như thế, làm nguyên chất thì lấy đâu ra lãi”, người bán giải thích.

>> Sững sờ chợ hương liệu "phù phép" tất tần tật thực phẩm

>> Trót ăn thạch New Choice nhiều năm, khách hàng có được bồi thường?

>> Người Hà Nội vẫn vô tư chén thạch rau câu độc

Các loại thức ăn đường phố luôn luôn là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy và là mầm mống của bệnh ung thư… Ngoài việc bày bán tại vỉa hè mất vệ sinh, công nghệ chế biến các loại thực phẩm đường phố từ chất phụ gia cũng rất độc hại. Đặc biệt, các loại phụ gia này rất dễ tìm mua ở các tiệm tạp hóa, cửa hàng hóa chất tại chợ Kim Giang, Đồng Xuân (Hà Nội).

Xuất hiện cả hương tạo mùi… nước mắm

Trong vai người mở quán ăn bình dân, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đến một cửa hàng chuyên bán hóa chất, gia vị trong chợ Đồng Xuân và được chủ cửa hàng gợi ý một loại bột màu trắng mịn hương thịt với giá 250.000 đồng/kg. Người bán cũng không quên 'tiếp thị" một loại chất lỏng tạo mùi patê được đựng trong một chai nhựa với giá 280.000 đồng/lít, nếu mua lẻ sẽ có những gói nhỏ giá 30.000 đồng. Nhóm phụ gia tạo “mùi” có rất nhiều hương vị, từ hương thịt, hương dừa, hương patê đến hương dâu, cam,… thậm chí là hương tạo mùi giống… nước mắm.

“Loại phụ gia này chỉ cần nấu với nước sôi là sẽ tạo được mùi thịt. Hầu hết các cửa hàng bán cơm bình dân, bán bánh mì patê đều mua  loại phụ gia mùi thịt lợn, mùi thịt bò để pha chế vì giá gan, giá thịt đắt như thế, làm nguyên chất thì lấy đâu ra lãi”, người bán giải thích.

Hầu hết, các loại phụ gia dạng bột đều chỉ được đựgn trong túi ni long, buộc sơ sài bằng dây chun, không có nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ, không hạn dùng và được ghi bằng bút lông nguệch ngoạc.

Những hóa chất vị bò này được bày bán công khai ở các cửa hàng bán phụ gia chế biến thức ăn tại phố Hàng Buồm (Hà Nội). Ảnh: TT
Những hóa chất vị bò này được bày bán công khai ở các cửa
hàng bán phụ gia chế biến thức ăn tại phố Hàng Buồm (Hà Nội).
Ảnh: TT
Bên cạnh đó, các gian hàng ở đây còn có nhiều loại phụ gia tạo hương vị khác như: hương dừa, dâu, bưởi, cam… ở dạng lỏng, chứa trong các thùng loại 2, 5, 10 lít... được ghi tên, nhãn mác cẩu thả. Các loại gia vị để nấu lẩu thái, phở bò, bún riêu, hủ tiếu... dạng viên, rồi gia vị “siêu bột ngọt” cũng được bày bán. Đặc biệt, hầu  như gian hàng nào cũng có hàn the, loại phụ gia đã bị cấm sử dụng trong ngành thực phẩm.

Về nguồn gốc của các loại phụ gia, người bán cho biết, nhiều loại được dán mác sản xuất ở các cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội nhưng thực chất đều là hàng Trung Quốc nhập về và gia công đóng gói. Điểm dừng chân của những loại phụ gia này phần lớn là các hàng kinh doanh quán ăn bình dân, quán nước, thậm chí nhiều nhà hàng, quán nhậu cũng đến mua thường xuyên với số lượng lớn.

Giá cả các mặt hàng thực phẩm càng tăng cao thì các loại phụ gia tạo mùi, tạo màu càng bán chạy. Ngoài các loại phụ gia để tẩm ướp vịt quay, thịt rán lên màu, hay các loại màu thực phẩm tạo màu làm bột chè, thạch màu... cũng bán khá chạy. Thời tiết nắng nóng dễ làm cho thức ăn chín, sống bày bán ở vỉa hè, đường phố bị ôi thiu nên người bán thực phẩm cũng tăng cường “bảo quản” bằng các phụ gia, hóa chất chống ôi thiu.

Công thức “phù phép” thực phẩm

Theo “bật mí” của một số chủ quán thức ăn đường phố, với đa dạng các loại phụ gia chế biến như vậy, người bán cũng có rất nhiều cách “phù phép” thực phẩm.

Ở các hàng bán đồ giải khát, café, nước cam, nước chanh sẽ được pha chế từ phụ gia dạng bột. Nếu “pha chế” đúng liều lượng, nước pha loại bột hoá học này sẽ có mùi vị, màu sắc y như nước cam “xịn”. Các loại bột cam, chanh này được đựng trong một túi nilong màu trắng, không nhãn mác, có giá khá rẻ 40.000 đồng/kg. Mỗi kg hương liệu này có thể pha được từ 60 – 70 cốc nước cam, nước chanh. Nếu tính theo mức giá 20.000 – 30.000 đồng/cốc, người bán lãi hơn nhiều lần so với mua hoa quả về làm.

Phố Hàng Buồm được mệnh danh là "thế giới hương liệu". Ảnh: Interrnet

Phố Hàng Buồm được mệnh danh là "thế giới hương liệu".
Ảnh: Interrnet

Với các loại đồ uống như chè, thạch, người bán hàng lại tìm mua các hóa chất mau nhừ thực phẩm và bột chè tạo màu, tạo mùi. Bình thường, nếu không dùng bột mau nhừ, nấu một nồi chè có thể mất đến một tiếng, nhưng khi dùng loại phụ gia này, thời gian sẽ tiết kiệm được gần một nửa.

Trong khi đó, các cơ sở bán bánh bao sẽ có sự hỗ trợ đắc lực của bột “tẩy trắng”. Tại quán bánh bao gần trường Đại học Quốc Gia (Hà Nội), chị chủ quán cho biết: “Ngoài men nở, bột thì phải có chất tẩy bột, bánh bao mới trắng, nhìn ngon và bắt mắt. Bột tẩy có giá 70.000/kg, chỉ cần pha chế 1 đến 2 thìa café cho một cân bột mì là bánh bao đã trắng phau”.

Theo một số chuyên gia ngành hóa học, các loại gia vị tạo mùi thịt, tạo màu thường làm từ những nguyên liệu độc hại không rõ nguồn gốc xuất xứ… Một trong những loại hóa chất thường để tạo mùi vị nói trên là từ gốc aldehyde, một loại độc tố có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng. Những loại hóa chất này đã bị cấm sử dụng nhưng do lợi nhuận, người bán vẫn được đưa vào chế biến phụ gia. Nếu sử dụng thường xuyên những loại gia vị này sẽ tích lũy chất độc hại trong cơ thể, dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm.

Mặc dù Bộ Y tế, Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm đã có những đợt kiểm tra nhưng vẫn không thể phát hiện hết những phụ gia có chứa chất cấm đang bán tràn lan trên thị trường. Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm tra thường xuyên từ các cơ sở bán phụ gia thực phẩm đến các nơi kinh doanh thực phẩm chế biến nhỏ lẻ, thức ăn đường phố.

>> Sững sờ chợ hương liệu "phù phép" tất tần tật thực phẩm

>> Trót ăn thạch New Choice nhiều năm, khách hàng có được bồi thường?

>> Người Hà Nội vẫn vô tư chén thạch rau câu độc

Đức Trung