Những sai lầm khi dạy con học nói

09/03/2012 09:44
Theo webtretho
Rất nhiều gia đình mắc phải những sai lầm trong cách dạy bé nói, và điều này có thể gây ảnh hưởng rất nhiều về mặt giao tiếp của bé về sau.

Ba mẹ đừng cho rằng con còn bé chưa hiểu gì và sẽ chẳng thể nhớ gì (Ảnh: Inmagine)
Dạy những từ… lạ

Nhà chị Thanh Vân, Q. Bình Thạnh, TP. HCM thường có những tràng cười thích thú trong những giờ cơm chiều, đó là khi cả nhà chị quây quần mỗi người một câu bày cho Bí Bo (18 tháng) nói. Lúc đầu vợ chồng chị cũng vui vì con tỏ ra lanh lợi, nói được nhiều nhưng về sau chị bắt đầu lo lắng. Chẳng là nhà chị rất đông các em, cháu trọ học, mỗi đứa lại bày Bí Bo mỗi kiểu, câu nọ câu kia loạn xạ.

Ngoài những từ bình thường, đám nhỏ còn bày Bí Bo nói những từ không hay. Và vì những từ này khó phát âm nên mỗi khi bé nói được chúng lại vỗ tay hoan hô, thành ra Bo càng hào hứng, nói tới nói lui từ đó cả buổi. Anh chị có ý không vừa lòng dặn không được bày nữa nhưng cứ hễ ba mẹ đi làm không có nhà thì bé lại được mang ra bày những từ “lạ” hơn.

Nhiều gia đình, cả ba mẹ và ông bà đều không ý thức được việc nên chọn lựa từ ngữ thế nào mà cứ vô tư nghĩ rằng vài bữa bé lớn sẽ răn lại. Khi thấy bé nói được những từ “người lớn” một cách ngộ nghĩnh, các bậc phụ huynh không thấy khó chịu mà còn vô cùng thích thú. Thực chất những tiếng nói đầu đời rất ý nghĩa với con trẻ, là cột mốc đầu tiên cho những câu nói khác để mở rộng kỹ năng giao tiếp xã hội, vậy nên mọi từ ngữ bé học được đều được vận dụng và khó sửa đổi về sau.
Thường ngày khi chơi cùng cháu, ông nội bé Mi rất hay bày ra những cuộc tranh luận nho nhỏ nhưng lại sai lý lẽ để làm cho bé cãi lại vì theo ông, bé biết cãi lại là bé thông minh, khôn khéo. Chẳng hạn, có hôm ông đang làm cá nấu cơm chiều, bé Mi lại gần bi bô: “Con cá!”, ông cãi lại: “Không phải, con gà”, bé: “Con cá”. Cứ như thế một lúc thì bé tỏ ra giận dữ, giơ tay đánh lên đầu ông và bảo: “Ông ngu!” Mặt ông có chút đổi sắc nhưng rồi lại cười xòa, và những lần sau các câu chuyện tương tự cứ tiếp diễn.

Một chị tâm sự trên diễn đàn Webtretho rằng hễ ba mẹ nói gì là bé bắt chước theo ngay. Hôm nọ bé líu lo nói suốt, ba bé bực mình: “Con ngậm mồm lại!”. Thế là mấy hôm sau bé đã mắng bà giúp việc rằng: “Bà ngậm mồm lại!” Khi bị mẹ la: “Con không được nói với người lớn như thế, con phải lễ phép, nói lại cho mẹ xem!” thì bé lấy giọng hết sức ngọt ngào: “Bà ơi, bà đừng nói nhiều chắc điếc tai lắm, bà ngậm cái mồm lại đi!!!”

Cũng có rất nhiều trẻ tỏ ra khôn lỏi khi mới 3-4 tuổi. Chị An rất bực mình với cách con trai chị nói nho nhỏ những câu vô lễ mỗi khi giận mẹ hoặc khi có khách con lại hóng hớt nói leo. Chị bộc bạch, mình rất hay mắng con và bắt bé xin lỗi mỗi khi như thế nhưng đâu lại vào đấy.

Thật ra, người lớn là tấm gương rất thực cho con trẻ noi theo khi chúng bước vào tuổi “học ăn học nói”, vì thế bạn nên chú ý cách cư xử, giao tiếp của mình để con học được những điều hay, đẹp. Những từ ngữ không hay khi qua miệng con trẻ bi bô dù nghe dễ thương thế nào thì cũng cần chấn chỉnh, vì bạn không thể biết con có thể vận dụng thường xuyên và nhớ dai thế nào, để lâu về sau muốn sửa cũng không dễ.

Giải thích không thống nhất

Trẻ ở tuổi tập nói rất thường hay hỏi, nhiều khi những câu hỏi rất ngu ngơ và chi tiết làm người lớn khó chịu. Ba mẹ khi này cũng hay nghĩ con còn nhỏ nên chỉ giải thích qua loa. Tuy nhiên, nếu vấn đề không quá phức tạp, bạn nên dành thời gian giải thích một cách dễ hiểu nhất cho con và tuyệt đối tránh việc mẹ nói thế này ba lại nói thế khác bởi điều đó rất dễ làm mất lòng tin ở con trẻ.
Bé Bông nhà anh Hiếu (Q. 4, TP. HCM) một hôm hỏi ba: “Vì sao ông mặt trời không mọc ở đằng Tây mà cứ phải đằng Đông hả ba?”. Anh Hiếu đang bận nên nói đại: “Vì nhà ông ấy ở đằng Đông!”. Chiều hôm sau, đang đi trên đường về nhà bé Bông nhìn ông mặt trời sắp lặn lại hỏi mẹ: “Vì sao ông mặt trời lặn đằng Tây hả mẹ?”. Mẹ trả lời: “Vì nhà ông ấy ở đằng Tây mà con!”. Bé Bông liền xịu mặt: “Sao ba nói nhà ông ấy ở đằng Đông? Ba nói dối hả mẹ?”

Từ lần ấy, nghe vợ kể lại, vợ chồng anh Hiếu rất chú ý trong cách giải thích cho con về mọi thứ. Anh đã nhận ra rằng: “Không gì quan trọng bằng lòng tin ở con trẻ. Nếu trẻ không tin tưởng, chúng sẽ rất khó bảo, không nghe lời và cũng mau chóng học cách nói dối vì luôn nghĩ là người lớn đang nói dối mình!”
Theo webtretho