La-de và các ứng dụng trong quân sự

10/03/2012 15:30
Theo QĐND
La-de (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation - khuếch đại ánh sáng bằng kích thích) có đặc tính đơn sắc, khả năng định hướng cao

La-de (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation-khuếch đại ánh sáng bằng kích thích) có đặc tính đơn sắc, khả năng định hướng cao và mật độ năng lượng lớn.

Được nghiên cứu và phát triển từ những năm 1950 của thế kỷ 20, ngay sau khi ra đời, la-de đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành khoa học như vật lý, hóa học, sinh học…

Trong quân sự, la-de cũng ngay lập tức được đưa vào các chương trình nghiên cứu, ứng dụng để chế tạo nhiều loại vũ khí.

Giới quân sự nhiều nước đã đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng tác chiến của các loại vũ khí này, trong đó có khả năng tác chiến với các mục tiêu trên mặt đất, trên không và thậm chí cả trong vũ trụ.

Vũ khí la-de lắp trên máy bay Boeing 747-400 của Mỹ. Nguồn: Hightech-edge.com
Vũ khí la-de lắp trên máy bay Boeing 747-400 của Mỹ. Nguồn: Hightech-edge.com

Vào những năm cuối của Chiến tranh lạnh, Lầu Năm góc đã đưa ra chương trình phát triển vũ khí la-de định vị vệ tinh để đối phó với các tên lửa tầm xa của Liên Xô khi đó.

Trong đó có dự án phát triển vũ khí la-de chống tên lửa lắp trên máy bay ALTB (còn gọi là ABL) với trị giá lên đến 5 tỷ USD do các nhà thầu Boeing, Northrop Grumman và Lockheed Martin đảm nhiệm, Cục Phòng thủ tên lửa MDA của Mỹ làm chủ đầu tư.

Dự án đã triển khai trong vòng 15 năm và đã thu được những thành công trong thử nghiệm vào năm 2010 với việc phát hiện, bám bắt và tiêu diệt được hai tên lửa đạn đạo ở giai đoạn bay ban đầu.

Tuy nhiên, cuối cùng dự án đã phải ngừng do chi phí quá cao và hiệu quả trong tiêu diệt tên lửa ở 5000km giai đoạn cuối vẫn chưa đạt được trong lần thử nghiệm cuối cùng vào tháng 2-2012 vừa qua.

Hiện công ty General Atomics đang nghiên cứu phát triển hệ thống vũ khí la-de năng lượng cao HELLADS theo một hợp đồng ký với Cục Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến DARPA của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo đó, thiết bị có trọng lượng không quá 2000kg, có thể được lắp trên tàu tuần tiễu, máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát, xe thiết giáp và thậm chí có thể cả trên máy bay không người lái.

Loại vũ khí này sẽ được thử nghiệm vào năm 2013 và nếu thành công sẽ được lắp đặt trước tiên trên máy bay ném bom chiến lược siêu âm B-1B.

Theo thiết kế, nó có khả năng tiêu diệt chính xác nhiều loại mục tiêu, từ tên lửa, máy bay đến bộ binh đối phương mà giảm được tổn thất phụ khi tác chiến ở khu vực đông dân cư.

Ngoài ra, quân đội Mỹ còn đang triển khai và lên kế hoạch triển khai nhiều dự án chế tạo vũ khí sử dụng la-de khác.

Trong đó phải kể đến dự án “Vũ khí la-de làm mù phòng không đối phương”; sử dụng la-de liên tục hoặc la-de xung để chế áp, vô hiệu hóa tạm thời hoặc vĩnh viễn các ra-đa cảnh giới, chỉ thị mục tiêu và điều khiển hỏa lực của đối phương.

Thực tế từ các cuộc xung đột gần đây cho thấy, quân đội Mỹ đã thành công lớn trong việc vô hiệu hóa các đài ra-đa của đối phương. Sau khi phát hiện, hệ thống ra-đa của đối phương nhanh chóng bị tiêu diệt bằng bom, tên lửa chống ra-đa và tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, chiến thuật này cũng có những điểm yếu. Trước hết đó là vấn đề chi phí. Chẳng hạn, trong cuộc chiến Nam Tư năm 1999, không quân Mỹ đã tốn nhiều triệu USD cho việc oanh kích các mục tiêu giả của đối phương.

La-de là phương án thay thế rẻ tiền cho các vũ khí hỏa lực trên. Theo kế hoạch, sau 5 năm nữa, không quân Mỹ sẽ có trong trang bị loại vũ khí này.

Liên Xô trước đây cũng tập trung nghiên cứu chế tạo vũ khí la-de. Những hướng nghiên cứu chính là phòng không và phòng thủ tên lửa.

Liên Xô đã chế tạo thành công nhiều thiết bị trong các chương trình chế tạo hệ thống la-de phòng thủ tên lửa công suất lớn mang tên Te-ra, hệ thống này theo thiết kế có khả năng tấn công các vật thể vũ trụ. Ngoài ra, trong chương trình Omega, các hệ thống la-de phòng không đã được nghiên cứu chế tạo.

Có thông tin cho biết, các hệ thống này đã tiêu diệt được mục tiêu bay ở độ cao từ 15 đến 40km. Liên Xô còn chế tạo cả các vũ khí la-de lắp trên máy bay. Nổi tiếng nhất là máy bay А-60.

Máy bay này được chế tạo vào đầu thập niên 1980, trong khuôn khổ chương trình chế tạo phương tiện mang vũ khí la-de quỹ đạo Skif-DM.

Ngoài việc nghiên cứu các loại vũ khí la-de tấn công. Liên Xô trước kia và Nga ngày nay còn hết sức chú ý đến phát triển các loại vũ khí, phương tiện chống la-de.

Những năm 1980, các nhà thiết kế tên lửa, đầu đạn tên lửa và các hệ thống phương tiện đối phó với phòng thủ tên lửa đã quan tâm đến việc chế tạo các phương tiện bảo vệ trước mối đe dọa của la-de.

Đó có thể là các đám mây son khí được tạo ra bằng các phương tiện khác nhau, gồm những hỗn dịch hấp thụ tia la-de…

Ngoài Mỹ, Nga, một số cường quốc trên thế giới cũng dành những khoản đầu tư lớn để phát triển vũ khí la-de. Trong đó phải kể đến Anh, Đức, Pháp, I-xra-en và mới đây là Ấn Độ.

Tuy nhiên, do la-de là công nghệ phức tạp; chi phí cho nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo rất tốn kém và kết quả của nhiều chương trình chế tạo vũ khí la-de của Mỹ cũng như Nga không được như mong đợi, do vậy, nhiều quốc gia đã cắt giảm các dự án đang triển khai và cân nhắc kỹ các dự án về vũ khí la-de đang lên kế hoạch.

Theo QĐND