Vụ thiếu nữ tìm người cho con: "Nên cảm thông cho một cô gái mới lớn"

11/03/2012 07:28
Cao Tuân (thực hiện)
(GDVN) - 'Nếu hiểu về hoàn cảnh của cô gái mới thấy sự thương cảm, xót xa. Một cô gái mới lớn đang thiếu tình yêu thương thì dễ xa lòng trước người khác giới'.
Câu chuyện của một cô gái trẻ tên Lan khi đang học lớp 12 đã dành tình cảm cho một người tên là Cường (SN 1990) làm nghề lái taxi tại quận Hà Đông. Sau một thời gian tình cảm “mặn nồng” Lan đã có thai, Lan thông báo sự việc này cho Cường, nhưng thay vì có trách nhiệm với hai mẹ con đứa bé, gã “sở khanh” này đã dửng dưng bỏ đi mặc kệ cô gái “vượt cạn” và một mình nuôi con.
Sau khi sinh con, sau nhiều đêm dài nước mắt chan cơm, Lan quyết định cho đứa bé để tránh những lời dị nghị xấu ảnh hưởng đến bản thân và gia đình. Mặc sức cho mọi người khuyên can nhưng Lan vẫn quyết cho đứa con mà mình đứt ruột mạng nặng đẻ đau... Cô cũng mong sẽ cho đứa bé đến một gia đình có điều kiện để họ yêu thương chăm sóc con mình lớn khôn.
Đắng lòng cảnh trẻ con chăm trẻ con
Đắng lòng cảnh trẻ con chăm trẻ con
Sau khi báo GDVN thông tin bài viết về hoàn cảnh của Lan, rất nhiều bạn đọc đã lên tiếng chê trách cô gái vì quá dễ dãi trong tình yêu nên phải chịu hậu quả xấu?. Cũng có ý kiến cho rằng bởi cô gái còn có trẻ chưa hiểu hết về cuộc sống nên mới phạm phải sai lầm có thai và không cho ai biết. Còn việc cô gái có nên cho đứa bé đi hay không, mỗi độc giả có một ý kiến, chia sẻ khác nhau. 
Để rộng đường dư luận, báo GDVN có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) để bạn đọc có góc nhìn về tâm lý và nỗi đau cô gái đang phải gánh chịu cũng như tìm ra giải pháp tốt nhất cho cô gái lúc này.
Xin đặt thẳng vấn đề, theo quan điểm của ông, trong trường hợp này cô gái trẻ có nên cho con đi để “giải phóng” cho bản thân và tránh những lời dị nghị, tai tiếng của người đời?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Thực ra qua câu chuyện tôi cũng chưa hiểu rõ lắm về cô gái này. Còn việc nên cho đứa bé đi hay không cho thì tùy thuộc vào ý định của mẹ đứa trẻ. Trong trường hợp này tôi không khuyên cô gái nên cho đứa trẻ vì như thế là vô đạo. 
Nếu như cô gái tên Lan này đã biết về gia đình của “người yêu hờ” kia thì nên mạnh dạn đến thưa chuyện với bố mẹ anh ta. Nếu bố mẹ Cường không nhận nuôi cháu bé, thẳng thừng chối bỏ quyền làm ông bà nội thì lúc ấy hãy nghĩ đến việc có cho con hay không!

Cô gái còn rất trẻ, còn tương lai và cuộc sống sau này, trong khi hoàn cảnh gia đình hai mẹ con cô cũng rất khó khăn, việc cô gái cho cháu bé đến một gia đình tử tế chăm dưỡng cũng có thể là giải pháp hợp lý nhất lúc này, ông nghĩ như thế nào?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đành rằng là vậy, bởi cô gái đã mắc một sai lầm quá lớn trong cuộc đời. Tất nhiên cô gái vẫn còn cơ hội để đứng dậy chứ không phải hoàn toàn “than thân trách phận” để ngày càng lún sâu vào vũng bùn đen tối của cuộc đời.

PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình.
PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình.
 
Nhưng cô gái cho cháu bé đi thì cũng không được vội vàng như kiểu bỏ đi cho xong chuyện hay “giải phóng” cho bản thân mình. Khi quyết định cho cháu bé đi thì phải lựa chọn người được cho, phải biết rằng người ấy sẽ yêu thương cháu bé như con họ và chăm sóc cháu bé khôn lớn. 
Tuy nhiên, dù đã cho đứa bé đi nhưng cô gái vẫn phải theo dõi sinh linh ấy đến khi nó trưởng thành. Vì biết đâu nó sẽ không phải là một đứa con ngoan và gây tội lỗi cho đời.
Nếu khi cô gái cho cháu bé đi mà coi như xong chuyện thì chắc rằng, nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời cô gái.
Cô gái đáng trách vì quá nhẹ dạ cả tin, quá dễ dãi trong mối quan hệ tình cảm để rồi phải chịu một kết cục mặn chát. Xét ở một góc độ khác cô gái rất đáng thương, bởi cô thiếu thốn nhiều về tình cảm người thân, gia cảnh lại khó khăn nên cũng dễ xa lòng khi có sự quan tâm từ một người khác giới.

Từ câu chuyện bi kịch cuộc đời của cô gái này, ông có lời khuyên gì đến những cô gái trẻ về cách sống, tình yêu và các mối quan hệ xã hội?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Có thể nhìn thẳng vào vấn đề mà nói, quan hệ với người khác mà mình không tin tưởng hay không đề phòng thì có thể chính mình sẽ phải chịu những hậu quả khôn lường. Đó có thể là sẽ bị truyền nhiễm các căn bệnh qua đường tình dục, bệnh xã hội và biết đâu sẽ ảnh hưởng đến nòi giống sau này.
Giới trẻ bây giờ phải rõ ràng trong các mối quan hệ, không nên dễ dãi trong tình yêu. Và quan trọng là phải biết tự có trách nhiệm với bản thân mình và người khác. Cần suy nghĩ trước mỗi việc làm, hành động của mình để cuộc sống tốt hơn.

Mọi tấm lòng hảo tâm, sự ủng hộ của quý vị độc giả đối với hoàn cảnh của cô gái trẻ tên Lan được nêu trong bài viết xin gửi về: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Hoặc quý vị nào mong muốn được giúp đỡ hoặc nhận đứa trẻ (con của Lan) làm con nuôi xin liên hệ với tòa soạn Báo điện tử GDVN. Chúng tôi sẽ là cầu nối giữa quý độc giả và cô gái Lan.

Cao Tuân (thực hiện)