Những thông số cơ bản về tàu ngầm và tên lửa tàu ngầm của Trung Quốc

10/06/2011 00:28
(GDVN) - Theo ước tính, lực lượng Hải quân Trung Quốc hiện nay đang sở hữu khoảng 13 chiếc tàu ngầm nguyên tử, trong đó có 5 chiếc mang tên lửa đạn đạo.

(GDVN) - Theo ước tính, trong biên chế của Hải quân Trung Quốc hiện nay đang có khoảng 13 chiếc tàu ngầm (tính cả những chiếc vừa hoàn thành trong năm 2010), trong đó có 5 chiếc tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo (1 chiếc lớp  Hạ, 3-4 chiếc lớp Tấn) và 8 chiếc tàu ngầm nguyên tử mang đầu đạn phi hạt nhân (4 chiếc lớp Hán và 3-4 chiếc lớp Thượng).

Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa chiến lược lớp Hạ
Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa chiến lược lớp Hạ thuộc dự án
091.

Những chiếc tàu ngầm nguyên tử đa năng đầu tiên của Hải quân Trung Quốc là tàu ngầm lớp Hán thuộc dự án 091 đã bắt đầu chế tạo vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước theo phiên bản tàu ngầm nguyên tử lớp Rubis của Pháp.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên lớp này mang số hiệu 401 đã được xây dựng trong khoảng 7 năm nhưng mãi đến những năm 80 mới có thể bắt đầu thử nghiệm do gặp phải một số lỗi kỹ thuật.

Bốn chiếc tàu ngầm tiếp theo lớp này đã được cung cấp cho Hải quân Trung Quốc vào cuối những năm 90. Chúng được trang bị động cơ điện hạt nhân, vỏ thân cứng có chiều dài 8 m, được trang bị tên lửa hành trình đối hạm YJ-1 bắn trong trạng thái nổi nên khó giữ được bí mật khi hoạt động tác chiến.

Trung Quốc dự kiến trong thời gian tới sẽ sẽ nâng cấp loại tàu ngầm này để nó có thể trang bị tên lửa hành trình đối hạm YJ-8Q bắn trong trạng thái chìm dưới nước để tránh bộc lộ khi tác chiến. 2 trong số 4 chiếc tàu ngầm loại này đã được đại tu vào năm 1998-2000 để làm nhiệm vụ trinh sát kỹ thuật vô tuyến.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên mang số hiệu 401 đã được đưa ra khỏi biên chế vào năm 2005. Trên phiên bản tàu ngầm nguyên tử lớp Hán Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu, phát triển tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo lớp Hạ dự án 092 với sự giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên gia Pháp vào năm 1978, đến năm 1981 bắt đầu hạ thủy và chuyển giao cho Hải quân vào năm 1987.

alt
 

Tàu ngầm loại này được trang bị 12 ống phóng tên lửa đạn đạo dạng thẳng đứng sử dụng tên lửa đạn đạo loại JL-1 (CSS-N-3 hay còn gọi là DF-21) hai lớp nhiên liệu cứng và đầu đạn hạt nhân công suất 350 kt. Trung Quốc đã bắt tay vào chế tạo tên lửa đạn đạo JL-1 vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, thử nghiệm đầu tiên vào năm 1970 trên Hoàng Hải, tiếp đó vào năm 1982 trên tàu ngầm nguyên tử lớp “Golf” và năm 1985-1987 trên tàu ngầm nguyên tử lớp Hạ.

Tuy nhiên, do vẫn chưa đạt được một số tính năng kỹ-chiến thuật như trong thiết kế nên tàu ngầm nguyên tử lớp Hạ mang tên lửa đạn đạo JL-1 vẫn chưa chính thức đưa vào biên chế tác chiến thường xuyên, đồng thời cũng chưa một lần ra khỏi lãnh hải của Trung Quốc. Do vậy, từ năm 1995 Trung Quốc đã bắt đầu triển khai dự án nghiên cứu phiên bản tên lửa hành trình JL-2 (DF-31 hay Đông phong 31) có đặc tính bay tốt hơn và tầm bắn xa hơn so với JL-1.

Mặc dù trong suốt giai đoạn từ 1995-1998, Trung Quốc đã tiến hành sửa chữa và nâng cấp tàu ngầm nguyên tử lớp Hạ, song vẫn không thể trang bị được loại tên lửa hành trình mới DF-31do chưa tương xứng. Do vậy, Trung Quốc đành phải chuyển trang bị tên lửa đạn đạo DF-31 cho tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới lớp Tấn dự án 094.

Trung Quốc bắt đầu triển khai nghiên cứu các dự án tàu ngầm nguyên tử mới cho Hải quân nước này vào năm 2000. Tàu ngầm nguyên tử đa năng thế hệ mới lớp Thượng dự án 093 là phiên bản phát triển từ dự án 671RTM của Nga. Tàu ngầm loại này đã hạ thủy vào năm 2002, thử nghiệm đến năm 2005 và chính thức chuyển giao cho Hải quân vào cuối năm 2006. Chiếc tàu ngầm thứ hai lớp này đã được hạ thủy vào năm 2003 và đưa vào biên chế cho Hải quân Trung Quốc vào năm 2008.

Tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn thuộc dự án
Tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn thuộc dự án 094.

Trung Quốc dự kiến sẽ chế tạo khoảng 5 chiếc tàu ngầm loại này, trong đó 4 chiếc đã chuyển giao cho Hải quân, chiếc còn lại sẽ được chuyển giao nốt trong một vài năm tới. Tàu ngầm loại này được trang bị tên lửa hành trình đối hạm YJ-83, ngư lôi hạng nặng Yu-6 (tương tự như ngư lôi Mk-48 của Mỹ) và tên lửa hành trình trên biển để tấn công vào các mục tiêu trên bộ.

Với những loại vũ khí này, trong bất kỳ trường hợp nào cũng có thể tác chiến được với tàu nổi của đối phương hoạt động cách xa bờ biển của Trung Quốc, trong đó có cả cụm tàu sân bay tấn công hoạt động trên đại dương. Về độ ồn, tàu ngầm nguyên tử lớp Thượng có thể sánh ngang cùng các tàu ngầm thế hệ mới lớp Los Angeles của Mỹ.

Trên cơ sở tàu ngầm nguyên tử lớp Thượng, Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu, phát triển dự án tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới lớp Tấn dự án 094 có thêm khoang chứa tên lửa riêng biệt, trang bị 12 thiết bị phóng tên lửa dạng thẳng đứng dùng cho tên lửa đạn đạo DF-31 mang nhiên liệu cứng 3 lớp, đầu đạn phóng có trọng lượng 40 tấn, tầm bắn xa 8-10.000 km.

Bên cạnh đó, tên lửa DF-31 còn có khả năng mang từ 1 đầu đạn tác chiến có công suất 1Mt cho tới 3 đầu đạn tác chiến tự tách công suất 90 kt. Năm 2004 Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm loại tên lửa này, song chưa thành công. Chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên trong 5 chiếc lớp Tấn đã được hạ thủy vào tháng 7/2004 và kết thúc quá trình thử nghiệm trên biển vào cuối năm 2006, song mãi đến năm 2008-2009 mới chính thức đưa vào thực thi nhiệm vụ tuần tiễu trên biển do phải khắc phục một số sự cố kỹ thuật.

alt
 

Chiếc tàu ngầm thứ hai loại này đã được hạ thủy vào năm 2006 và đưa vào biên chế tác chiến vào năm 2008-2009, hai chiếc tiếp theo đã được chuyển giao cho Hải quân vào cuối năm 2010, đầu năm 2011, chiếc cuối cùng sẽ được chuyển giao nốt trong một vài năm tới. Bên cạnh đó, hiện nay, Trung Quốc cũng đang bắt đầu triển khai phát triển dự án tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới thuộc dự án 095.

Một số đặc tính kỹ-chiến thuật cơ bản của tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc

Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo lớp Hạ dự án 092

Năm đóng: 1987

Lượng giãn nước (tấn): 6.900 khi nổi và 8.000 khi hoạt động ngầm dưới mặt nước

Các kích cỡ (m): dài 120, rộng 10, cao 8

Tốc độ hành trình (hải lý): khi nổi 13, khi chìm 22

Độ sâu hoạt động (m): thông thường 200, tối đa 300

Biên chế kíp lái (người): 140 thủy thủ, trong đó có 40 sỹ quan

Vũ khí: 12 thiết bị phóng tên lửa đạn đạo JL-1 (CSS-N-3), 6 thiết bị phóng ngư lôi cỡ 533 mm mang 12 quả ngư lôi Yu-6

Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo lớp Tấn dự án 094

Năm đóng: 2006-2010

Lượng giãn nước (tấn): 8.100 khi nổi và 9.000 khi hoạt động ngầm dưới mặt nước

Các kích cỡ (m): dài 137, rộng 11,8, cao 7,5

Tốc độ hành trình (hải lý): khi nổi 15, khi chìm 28

Độ sâu hoạt động (m): thông thường 320, tối đa 400

Biên chế kíp lái (người): 140 thủy thủ

Vũ khí: 12 thiết bị phóng tên lửa đạn đạo Đông phong 31, 6 thiết bị phóng ngư lôi cỡ 533 mm mang 12 quả ngư lôi Yu-6

Tên lửa đạn đạo JL-1 hay còn gọi là DF-21 (Đông Phong - 21).
Tên lửa đạn đạo JL-1 hay còn gọi là DF-21 (Đông Phong - 21).

Tàu ngầm nguyên tử lớp Hán dự án 091

Năm đóng: 1980-1990

Lượng giãn nước (tấn): 4.800 khi nổi và 5.850 khi hoạt động ngầm dưới mặt nước

Các kích cỡ (m): dài 108, rộng 10, cao 7,5

Tốc độ hành trình (hải lý): khi nổi 12, khi chìm 25

Độ sâu hoạt động (m): thông thường 200, tối đa 300

Biên chế kíp lái (người): 75 thủy thủ, trong đó có 20 sỹ quan

Vũ khí: 6 thiết bị phóng ngư lôi cỡ 533 mm mang 6 tên lửa đối hạm YJ-8Q, 14 ngư lôi Yu-3 và Yu4, 36 thuỷ lôi

Tàu ngầm nguyên tử lớp Thượng dự án 093

Năm đóng: 2006-2010

Lượng giãn nước (tấn): 5.000 khi nổi và 6.500 khi hoạt động ngầm dưới mặt nước

Các kích cỡ (m): dài 107, rộng 11, cao 7,5

Tốc độ hành trình (hải lý): khi nổi 15, khi chìm 30

Độ sâu hoạt động (m): thông thường 350, tối đa 400

Biên chế kíp lái (người): 100 thủy thủ

Vũ khí: 6 thiết bị phóng ngư lôi cỡ 533 mm mang tên lửa đối hạm YJ-8Q và ngư lôi Yu-6

Tên lửa đạn đạo chiến lược JL-2 hay còn gọi là DF-31 (Đông Phong - 31).
Tên lửa đạn đạo chiến lược JL-2 hay còn gọi là DF-31
(Đông Phong - 31).

Một số đặc tính kỹ-chiến thuật của tên lửa đạn đạo trang bị trên tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc

Tên lửa đạn đạo JL-1 (DF-21)

Trọng lượng phóng (tấn): 14,7

Chiều dài tên lửa (m): 10,7    

Đường kính thân (m): 1,4

Tầm bắn xa tối đa (km): 2.450

Loại động cơ: RDTT

Số lớp nhiên liệu: 2

Số đầu đạn tác chiến: 1

Công suất mỗi đầu đạn (Kt): 350

Sai số tiêu diệt mục tiêu (km): 1,3

Tên lửa đạn đạo JL-2 (DF-31)

Trọng lượng phóng (tấn): 40

Chiều dài tên lửa (m): 10,5    

Đường kính thân (m): 2,1

Tầm bắn xa tối đa (km): 8.000

Loại động cơ: RDTT

Số lớp nhiên liệu: 3

Số đầu đạn tác chiến: 1-3

Công suất mỗi đầu đạn (Kt): 1.000

Sai số tiêu diệt mục tiêu (km): 0,7

{iarelatednews articleid='3958,3961,856,422,373,308,271'}

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)