Lãnh đạo Viện FSB (Đại học FPT) lên tiếng trong vụ Tiến sĩ văng tục

13/03/2012 06:42
Cao Tuân - Hải Sơn
(GDVN) - “Việc tiến sỹ Dương có đùa cợt hay dùng một số từ đệm, từ “nhạy cảm” trong bài nói chuyện đó là sự dẫn dắt câu chuyện, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn...”?

Đó là đánh giá của Tiến sỹ Trần Phương Lan, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh FSB - Đại học FPT, Trưởng ban phát triển chương trình cho biết khi bà này có cuộc trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vụ việc TS Lê Thẩm Dương có những lời lẽ "nhạy cảm" trên bục giảng tại Viện Quản trị kinh doanh FSB (trường ĐH FPT).

TS. Lê Thẩm Dương trao đổi, trò chuyện trong lớp quản trị thực tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức tại hội trường ĐHQG Hà Nội (Ảnh chụp lại từ clip)
TS. Lê Thẩm Dương trao đổi, trò chuyện trong lớp quản trị thực tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức tại hội trường ĐHQG Hà Nội (Ảnh chụp lại từ clip)
>>Xem Video: Tiến sĩ văng tục trên bục giảng làm xôn xao dư luận

Xung quanh các video Tiến sĩ Lê Thẩm Dương văng tục trên bục giảng đã trở thành tâm điểm của dư luận, nhất là với các bạn trẻ đang là sinh viên các trường ĐH, CĐ. Rất nhiều luồng thông tin phản ánh ý kiến khác nhau trước bài giảng của tiến sĩ Dương.

Buổi học của Tiến sĩ Dương trong clip được ghi toàn bộ từ 18h 30 phút đến gần 21h ngày 15/02/2012 tại hội trường ĐH Quốc gia Hà Nội do viện quản trị kinh doanh FSB - Đại học FPT tổ chức. Tại buổi học đó, một bạn học viên cũng đã quay toàn bộ buổi học gồm 17 clip ngắn gần ba tiếng đồng hồ. Thấy clip có nhiều thông tin "bổ ích" nên viện Quản trị kinh doanh đã post toàn bộ bản full lên website của trường để chia sẻ kinh nghiệm.
Tiến sỹ Trần Phương Lan, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh FSB - Đại học FPT cho rằng sự đùa cợt của TS Dương sẽ tạo nên sự hấp dẫn của buổi giảng
Tiến sỹ Trần Phương Lan, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh FSB - Đại học FPT cho rằng sự đùa cợt của TS Dương sẽ tạo nên sự hấp dẫn của buổi giảng
“Chúng tôi thường xuyên mời TS Lê Thẩm Dương tham gia các chương trình đào tạo vì ông là một người có uy tín và kiến thức sâu rộng. TS Dương cũng đã tham gia rất nhiều bài phát biểu về kinh tế trên truyền hình. Bài giảng về kinh tế, doanh nghiệp cần sự hài hước, không quá khô cứng thì sẽ lôi cuốn học viên theo dõi.

Việc TS Dương nói đùa cợt liên quan đến phụ nữ là để dẫn dắt câu chuyện để sau đó chốt lại vấn đề mà thầy đề cập đến. Nếu như đặt ở bối cảnh trong bục giảng Sinh viên Đại học chắc các em sẽ bị sốc, bởi lẽ các em chưa thể thẩm thấu được nhưng nếu đặt bối cảnh những học viên ở đây là doanh nghiệp thì sẽ thấy rất bình thường, thậm chí là hay”, cô Lan cho biết.
Qua trao đổi, Tiến sỹ Lê Thẩm Dương cho biết buổi trò chuyện hôm đó không phải là buổi học. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là chương trình học do viện Quản trị kinh doanh FSB - FPT tổ chức, những lớp học này thường không mời giảng viên mà mời các nhà doanh nghiệp thành đạt, nhà hoạch định chính sách hay các chính trị gia về trao đổi, trò chuyện cùng học viên.

Nội dung buổi học ngày 15/2 do T.S Lê Thẩm Dương tham gia giảng dạy
Nội dung buổi học ngày 15/2 do T.S Lê Thẩm Dương tham gia giảng dạy


>>Xem Video: Tiến sĩ văng tục trên bục giảng làm xôn xao dư luận

Đối tượng tham gia là những người điều hành doanh nghiệp, người đang theo bên lĩnh vực doanh nghiệp. Trong buổi học ngày 15/2 (buổi quay clip) thì được tổ chức tại giảng đường ĐH Quốc gia Hà Nội do viện Quản trị kinh doanh tổ chức và mời TS Lê Thẩm Dương tham gia. Trong đó viện Quản trị kinh doanh cũng đã triển khai nội dung cũng như tình hình của buổi học ngày hôm đó.

 “Chúng tôi đã xem clip TS Lê Thẩm Dương trao đổi với học viên trên báo Giáo dục Việt Nam và một số trang mạng xã hội. Tôi nghĩ việc này bình thường. Thầy Dương là người hài hước, có hiểu biết học thức sâu rộng, việc thầy đùa cợt hay có nhắc về phụ nữ đó chỉ là dẫn dắt câu chuyện và đi vào vấn đề, như thế sẽ rất hấp dẫn, lôi cuốn học viên theo dõi. Thấy biết chuyển hóa những vấn đề phức tạp thành đơn giản, dễ hiểu. Bài giảng của thầy mang lại hứng thú cho học viên. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục mời Tiến sĩ Lê Thẩm Dương tham gia trò chuyện trong các buổi trao đổi tiếp theo”, cô Lan khẳng định.

Báo GDVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến của sự việc này!

Cao Tuân - Hải Sơn