Bóng đá Việt Nam cần gì - Kỳ 2: 'Cởi trói' và cho VFF quyền tự quyết

13/03/2012 07:50
Hoàng Quân
(GDVN) - Có rất nhiều rắc rối phát sinh trong thời gian gần đây của bóng đá Việt Nam lại đến từ chính những quyết định gây tranh cãi của VFF. (Bóng đá Việt Nam còn thiếu những gì - Kỳ 1: Một siêu sao)
Liên đoàn là xương sống của một nền bóng đá. Nó có trách nhiệm giám sát mọi khía cạnh của bóng đá nghiệp dư và chuyên nghiệp tại một quốc gia. Liên đoàn là tổ chức hoạch định sự phát triển của bóng đá về lâu dài cũng như tổ chức các giải đấu tầm cỡ. Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng.

* Hãy gửi ý kiến bình luận của bạn cho báo qua hộp thảo luận cuối bài hoặc email thethao@giaoduc.net.vn (Gõ có dấu)! Trân trọng!

Theo quy định của FIFA, một Liên đoàn bóng đá phải có quyền tự quyết trong mọi hoạt động của mình chứ không được để các tổ chức khác can thiệp vào. Nó có sự tự chủ về mặt tài chính với tài sản thương mại chủ yếu là đội tuyển quốc gia và các giải đấu chính thức. Ở một số nước thì giải VĐQG sẽ vận hành riêng như một tập đoàn, trong đó mỗi CLB là một cổ đông, còn Liên đoàn sẽ không trực tiếp kiểm soát các hoạt động thường nhật mà chỉ dùng quyền phủ quyết trong việc bầu các vị trí quan trọng hay công bố luật thi đấu mới.
Trên thực tế thì FIFA không có quy định rõ ràng về cơ cấu tổ chức của một Liên đoàn. Việc thành lập một liên đoàn sẽ do đại diện của FIFA trực tiếp thanh tra trước khi có sự đồng ý. Thứ bậc của LĐBĐ có thể nằm trong một hệ thống tổ chức trực thuộc chính phủ (hay Hoàng gia như tại Anh) hoặc là một cơ quan hoàn toàn độc lập.
Nghịch lý ở VFF
Nghịch lý đầu tiên cần nhấn mạnh khi nói về VFF, đó là tổ chức này đang được đứng đầu bởi một người KHÔNG xuất thân từ bóng đá. Đương kim chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ xuất thân từ… bóng rổ (nghịch lý này sẽ được phân tích sau).

Người đứng đầu LĐBĐ là một người xuất thân từ bóng rổ. Điều đó có được không?
Người đứng đầu LĐBĐ là một người xuất thân từ bóng rổ. Điều đó có được không?

Nghịch lý thứ 2 ở VFF, đó là hiện tượng can thiệp từ các tổ chức khác mà cụ thể ở đây là Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Bộ Nội vụ. Về phía Tổng cục TDTT, họ cử TTK Trần Quốc Tuấn tới VFF làm việc dưới dạng biệt phái nhằm giám sát các hoạt động của Liên đoàn. Cho dù ông Tuấn đã làm rất tốt công việc của mình ở cấp độ hành chính (ông là đại diện của VFF tại Liên đoàn bóng đá châu Á AFC), nhưng xét về luật lệ quốc tế thì sự có mặt của ông Tuấn là không đúng.
Về phía Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, theo luật của FIFA cũng như các Liên đoàn thể thao quốc tế thì không có quyền can thiệp vào công việc của các Liên đoàn thể thao chứ không riêng gì VFF. Tuy nhiên trong thời gian qua vụ tranh chấp bản quyền truyền hình đã dần làm sáng tỏ vai trò của Bộ trong việc VFF đồng ý 'làm ăn' với AVG. Văn bản 1105 của VFF do ông Nguyễn Trọng Hỷ ký vào ngày 30-12-2011 ghi rõ “Ngày 8-12-2010, VFF đã ký hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, theo đó cho phép AVG độc quyền khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá tại VN từ năm 2010-2030”. Như vậy có nghĩa là VFF cũng chỉ là thuộc cấp, làm theo chỉ đạo của Bộ mà không có quyền tự quyết.

Bộ Nội vụ cũng có vai trò trong công tác nhân sự của VFF
Bộ Nội vụ cũng có vai trò trong công tác nhân sự của VFF

Theo điều 70, mục 2 của Luật Thể thao, Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng. Liên đoàn thể thao quốc gia hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền, nghĩa vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật.
Nếu theo đúng định nghĩa như vậy, tại sao Tổng cục TDTT lẫn các Bộ lại tham gia vào công việc của VFF? Sự khống chế này khiến VFF trở nên chậm tiến, không chịu tiếp thu nguyện vọng từ lực lượng chủ chốt của nền bóng đá là các CLB, ngày càng xa rời quần chúng hơn. Có một ông bầu đã từng than thở rằng dù các đội bóng bỏ ra nhiều tiền để giúp VFF làm bóng đá nhưng ý kiến của họ luôn bị VFF phớt lờ.
Giải pháp nào?
Nhìn bề ngoài có thể là tự chủ về tài chính nhưng VFF vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp, như bầu Kiên từng nói (VFF bao cấp hơn cả thời bao cấp). Nói một cách ngắn gọn thì, điều mà VFF cần phải thay đổi đó là trở thành một tổ chức xã hội độc lập, không bị bất cứ đối tượng hay cơ chế nào khác can thiệp vào.
Thứ nhất, sự độc lập trong cơ chế hoạt động sẽ mang lại sự tự do trong việc đưa ra các quyết định của Liên đoàn. Họ sẽ không phải đưa quyết định bầu các chức vụ Chủ tịch hay Tổng thư ký của mình trình qua các cấp các ngành (cao nhất là Bộ Nội vụ) và xóa bỏ việc những người từ Tổng cục TDTT xuất hiện trong Ban chấp hành (VD: cựu Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn). Như vậy VFF sẽ tránh được việc bị FIFA thanh tra vì nghi vấn can thiệp chính trị. Mọi quyết định mà VFF đưa ra sẽ được thông qua bởi hình thức bỏ phiếu, mà các đại biểu ở đây là tất cả các đội bóng chơi nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Thứ hai, đó là sự độc lập sẽ giúp VFF tự chủ trong tài chính của mình. Họ có thể quản lý nguồn thu mang lại từ đội tuyển quốc gia và các giải VĐQG lẫn Cúp quốc gia, bên cạnh đó là cả những khoản tài trợ từ AFC và đặc biệt là FIFA. Nếu như VFF có thể kiếm (xin) tiền được cho chính mình, không phải trông chờ vào ngân sách nhà nước, thì chưa chắc họ đã vướng vào cái bản hợp đồng lắm rắc rối với AVG.

Sông Lam Nghệ An nhờ chính sách tiết kiệm mà còn giữ được cho đến bây giờ, nhưng sau 10 hay 20 năm nữa thì thế nào?
Sông Lam Nghệ An nhờ chính sách tiết kiệm mà còn giữ được cho đến bây giờ, nhưng sau 10 hay 20 năm nữa thì thế nào?

Thứ ba, nhân nói tới việc những vụ “bẻ còi” gần đây của một số ông vua áo đen có tiếng như Võ Minh Trí rộ lên, VFF đi tới trạng thái tự trị sẽ tạo một môi trường tốt để ngăn ngừa việc các trọng tài thổi bậy. Với việc tự chủ được nguồn ngân sách, Liên đoàn có thể trả lương cho các “Vua” một cách đều đặn và khấm khá, ít nhất cũng khiến họ không gạ gẫm ăn tiền của các CLB, điều đã xảy ra từ quá lâu rồi nhưng VFF, dù biết rất rõ, không bao giờ xử đến nơi đến chốn.
Và thứ tư, môi trường tự do của VFF sẽ tạo điều kiện để các lực lượng xã hội, vốn đã từng có nhiệt huyết đóng góp nhưng đang có dấu hiệu do dự, tham gia một cách tích cực và thoải mái hơn vào hoạt động bóng đá, vì tiếng nói của lực lượng này sẽ có trọng lượng hơn và cánh tay của họ có thể vươn tới cả những lĩnh vực chẳng liên quan gì tới bóng đá. Và đây cũng là một điểm quan trọng: Các CLB sẽ tự chủ được hoạt động của mình bằng sự liên kết hoạt động bóng đá với các ngành công nghiệp - dịch vụ khác để mang lại nguồn thu lớn (kiểu như có vào sân xem đá bóng là có dịch vụ túi ni-lon đựng nước) chứ không phải trông chờ vào ngân sách địa phương hay tiền chia bản quyền truyền hình. Nếu vô địch V-League mà chỉ được thưởng vài ba tỷ đồng thì vô địch để làm cái gì khi ngân sách 1 năm của 1 CLB lên tới cả trăm tỷ?
Tuy nhiên những giải pháp như thế vẫn chưa đủ mà còn phải kết hợp với những phương án dài hơi lẫn ngắn hạn khác, mà một trong số đó là hoạt động giao quyền trực tiếp tổ chức giải đấu cho một tổ chức tư nhân (VPF) để tránh tình trạng VFF “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bên cạnh đó là đưa các cựu danh thủ có uy tín lên điều hành các chương trình phát triển bóng đá, bãi bỏ quyền được tham vấn về ghế HLV trưởng ĐTQG của Hội đồng Huấn luyện viên Quốc gia, chuyển vai trò điều hành giải đấu sang cho công ty điều hành (như VPF chẳng hạn) phải đi đôi với sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, thành lập một Tòa án thể thao để giải quyết các vấn đề pháp lý, tạo dựng các Hiệp hội HLV và Cầu thủ chuyên nghiệp để bảo vệ lợi ích của hai nhóm nghề nghiệp này…

Tất nhiên, VFF vẫn cần phải tuân thủ pháp luật và các chính sách phát triển thể thao của Nhà nước cũng như chịu sự giám sát ở cấp cao của Tổng cục TDTT. Giống như mọi chàng thanh niên rời khỏi vòng tay cha mẹ nhưng chưa có kỹ năng tự lập trong tay, VFF cần tham vấn Chính phủ cho các chính sách tầm vĩ mô và đôi khi có thể là phải dựa vào tài chính.
Một Liên đoàn bóng đá độc lập sẽ giúp tạo ra những BTC giải đấu độc lập, những CLB độc lập và một môi trường bóng đá độc lập. Những tiêu cực sinh ra do cơ chế cũng sẽ tự động mất tác dụng nếu các chức năng quản lý bóng đá, điều hành bóng đá, giám sát bóng đá được tách bạch rõ ràng. Và khi đó, chúng ta sẽ có một Liên đoàn bóng đá đúng nghĩa.
Điểm nóng
Cuộc chiến bản quyền VPF - VFF - AVG
Những hoạt náo viên quyến rũ

Ảnh ấn tượng Thể thao

Thế giới các nàng WAGs
Những cái nhất của Thể thao VN 2011
Cuộc chiến Luis Suarez - Patrice Evra
Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam Thảm họa sân cỏ kinh hoàng ở Ai Cập
Biếm họa sao bóng đá Video clip hot - Thể thao
Falko Goetz, Trần Quốc Tuấn mất chức Fabio Capello từ chức HLV đội tuyển Anh
Trụ sở VFF biến thành sàn nhảy Cầu thủ Thái Học chấn thương kinh hoàng
Có thể bạn yêu thích, hâm mộ
Tin tức FC Barcelona
Tin tức Manchester City
Tin tức Manchester United Tin tức Real Madrid
Tin tức Arsenal FC
Tin tức Chelsea FC
Chuyển nhượng châu Âu 2012
Tin tức Liverpool FC
Công Vinh - Thủy Tiên
Sir Alex Ferguson
Phạm Văn Mách & Cặp đôi hoàn hảo
Tin tức Sông Lam Nghệ An
'Siêu kinh điển' Real Madrid - Barcelona Thị trường chuyển nhượng hè 2011
Hoàng Quân