Mại dâm đồng tính nam - Bài 2: Sửa từ "giao cấu" trong luật?

13/03/2012 07:39
Nếu thay thế cụm từ giao cấu bằng cụm từ thỏa mãn khoái lạc tình dục trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 thì sẽ xử lý được hoạt động mại dâm nam đồng giới.
Các cơ quan quản lý nhà nước hiện lúng túng trong việc xử lý hiện tượng mại dâm trong giới đồng tính nam. Bởi luật chưa xem quan hệ tình dục có trả tiền giữa hai người cùng giới là mại dâm nên dẫu có phát hiện cũng bó tay, không xử được.

Trước phạt được, nay bó tay

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM, cho biết:“Trước đây khi chưa có Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thì thành phố làm rồi, tập trung ở Trung tâm Phú Văn mấy chục người. Sau này pháp lệnh quy định phải có giao cấu mới là mại dâm thì không xử lý được nữa. Có một trường hợp bắt quả tang ở tại cơ sở spa NCV, nhân viên với khách quan hệ qua hậu môn, dùng tay, dùng miệng kích dục… nhưng chúng tôi chỉ phạt họ vài chục triệu đồng và phạt mé mé ra với những lý do: không ký hợp đồng cho người lao động, không khai báo thuế… chứ không thể phạt hành vi kinh doanh kích dục được. Ở TP.HCM, tình trạng này ngày càng gia tăng”.

“Năm rồi chúng tôi kiểm tra 10 cơ sở do người dân phản ánh thì tất cả nơi này đều có dấu hiệu mại dâm đồng tính".
“Năm rồi chúng tôi kiểm tra 10 cơ sở do người dân phản ánh thì tất cả nơi này đều có dấu hiệu mại dâm đồng tính".

Ông Thạch cho biết thêm: “Năm rồi chúng tôi kiểm tra 10 cơ sở do người dân phản ánh thì tất cả nơi này đều có dấu hiệu mại dâm đồng tính. Khách nữ vô cơ sở thì họ không tiếp, chỉ có nam (và phải quen mặt) mới được mời vô. Nhân viên ở các cơ sở này đều là nam và cơ sở có album ảnh chân dung của nam nhân viên được đánh số, khách thích ai thì chỉ vào ảnh người đó; xông hơi ở dưới đất, massage thì trên lầu. Chỉ những người quen mới được lựa nhân viên rồi được đưa lên lầu. Chúng tôi bắt gặp ở đây rất nhiều bao cao su đã qua sử dụng”.

Đề xuất sửa luật

Mới đây, Công an quận Tân Bình phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành TP.HCM kiểm tra cơ sở massage spa GLEE (Cách Mạng Tháng Tám, phường 7) và bắt quả tang hai nhân viên nam khỏa thân đang có hành vi kích dục cho hai khách nam. Cơ sở trên hoạt động từ cuối năm 2011, chuyên kinh doanh dịch vụ massage dành cho quý ông. Thực tế đây là điểm massage dành cho người đồng tính nam. Nhân viên nam tại đây có gần 20 người, tuổi đời 17-25. Thế nhưng công an quận chỉ có thể ra quyết định xử phạt hành chính cơ sở này về hành vi lạm dụng tình dục.

Mại dâm đồng tính nam - Bài 2: Sửa từ "giao cấu" trong luật? ảnh 2

Theo ông Đinh Văn Quế -nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao,hành vi quan hệ tình dục có trả tiền giữa hai người đồng giới theo thuật ngữ y học không phải là giao cấu nên không phải là hành vi mại dâm.

“Xã hội ngày càng phát sinh những vấn đề mà luật pháp trước đó chưa theo kịp, chẳng hạn vấn đề tình dục đồng giới. Muốn xử lý hành vi quan hệ tình dục giữa hai người cùng giới (có trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác) thì phải sửa từ giao cấu trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thành thỏa mãn dục vọng.

Nếu nói rằng không xử lý những đối tượng này gây bất bình đẳng với nữ bán dâm là không đúng. Nam bán dâm cho nữ vẫn xử lý được vì hành vigiao cấu có trả tiền đích thị là mại dâm. Còn nữ bán dâm cho nữ thì thua, giống như nam bán dâm cho nam vậy.

Tóm lại, chưa nên can thiệp bằng pháp luật hình sự mà chỉ nên sửa đổi một quy định nào đó trong pháp luật hành chính để xử phạt những người môi giới, tổ chức. Riêng với đối tượng bán dâm thì không nên chữa bệnh tập trung mà chỉ nên can thiệp giảm tác hại để khỏi lây bệnh, hỗ trợ để họ chuyển nghề” - ông Quế góp ý.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm theo hướng thay thế cụm từ giao cấubằng cụm từ thỏa mãn khoái lạc tình dục để xử lý hoạt động mại dâm nam đồng giới. Nếu thực hiện sửa đổi này, hành vi mua bán dâm đồng tính nam sẽ bị xem là mại dâm, sẽ có căn cứ pháp lý để xử phạt. Tuy nhiên, trong giới chuyên gia pháp luật và y tế, quan điểm về vấn đề này vẫn còn nhiều khác biệt.

Điều 3.Giải thích từ ngữ

Trong pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.

….. (Trích Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003)

Chưa sửa luật vì chưa phổ biến

Liên quan đến hoạt động mại dâm, Bộ luật Hình sự (BLHS) có điều chỉnh các tội như tội chứa mại dâm (Điều 254), tội môi giới mại dâm (Điều 255), tội mua dâm người chưa thành niên (Điều 256).

Trước mắt chưa nên sửa luật về vấn đề này vì đã sửa thì sửa đồng bộ cả luật hành chính và hình sự với quy mô lớn trong khi đối tượng này chưa phổ biến. BLHS nước ta hiện nay đưa những hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm vào hai nhóm tội khác nhau: Nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người (như tội dâm ô đối với trẻ em) và nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm…). Ở các nước (chẳng hạn Nga), những tội này được đưa vào nhóm tội xâm phạm quyền tự do về tình dục cụ thể, rõ ràng. Vì vậy luật của Nga có tội danh hiếp dâm người đồng giới, cưỡng dâm người đồng giới… Về lâu dài, chúng ta cần mở rộng sửa đổi đồng bộ cả luật hành chính lẫn hình sự chứ không nên chỉ sửa cụm từ giao cấu.

Ông PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự 
ĐH Luật TP.HCM

Nên công nhận để giảm tác hại?

Nhìn mại dâm dưới góc nhìn là một tệ nạn thì sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Đã có cầu thì có cung, xem người bán dâm là tệ nạn thì họ sẽ càng lẩn trốn, khó tiếp cận được để can thiệp, hỗ trợ hay giám sát. Mại dâm nam đồng giới cũng như mại dâm nữ, muốn kiểm soát được phải coi như một nghề; từ đó mới giám sát được việc đăng ký hành nghề, chữa bệnh và bảo vệ họ khỏi bị bạo hành, bóc lột qua nhiều tầng lớp.

Việc đưa họ vào khu cơ sở chữa bệnh tập trung là không nên. Điều trị bắt buộc chỉ có thể áp dụng cho đối tượng không tự điều chỉnh hành vi, tức là người mắc bệnh tâm thần. Thực tế cho thấy hiệu quả của việc tập trung chữa bệnh cho nữ mại dâm ở các trung tâm không cao, khi trở ra họ rất dễ hành nghề trở lại. Kinh phí dành để chữa bệnh bắt buộc đối với những người này nên dùng vào việc tuyên truyền cho họ biết cách quan hệ tình dục an toàn, hỗ trợ họ chuyển đổi nghề nghiệp.

BS HOÀNG TÚ ANH, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe 
và dân số

THANH MẬN/Pháp luật TPHCM

Điểm nóng:
Chủ tịch quỹ VIASA: Cường đôla sẽ khóc nếu đặt cạnh Warren Buffett

Sắp xử Lê Văn Luyện: "Lời cháu Bích như xát muối vào lòng tôi"

Từ vùng dịch đến… chợ gia cầm Sửa chế độ tiền lương CBCCVC, lực lượng vũ trang

Phạt mũ bảo hiểm rởm: Trút gánh nặng sang người dân

Vì sao có "cung đường sắt chết người"?
Rùng mình trẻ em vùng núi chơi đùa với rắn lạ Bộ Tài chính: Việt Nam có quyền đánh thuế Google, Facebook