Toàn văn bằng chứng lần đầu công bố vụ Lê Minh Khương

09/06/2011 17:04
(GDVN) - Các nhân chứng này đều có một nhận định: HLV đội tuyển Taewondo Việt Nam có hành vi thô lỗ với các tiếp viên và chống đối quyết liệt lực lượng an ninh.
(GDVN) – Chiều 9/6, trong cuộc làm việc với luật sư Trần Thu Nam, đại diện pháp luật của HLV Lê Minh Khương, Chánh Thanh tra Cục Hàng không đã công bố ghi âm, biên bản của 3 nhân chứng “tố” HLV Lê Minh Khương có hành vi gây rối trên chuyến bay VN 1169.
Đáng chú ý là 3 biên bản làm chứng của các ông Lê Hồng Sơn, Kevin R Rutter (quốc tịch Australia) và bà Eileen Tan (quốc tịch Singapore). Các nhân chứng này đều có chung một nhận định: HLV đội tuyển Taewondo Việt Nam có hành vi thô lỗ với các tiếp viên và chống đối quyết liệt lực lượng an ninh, gây rối trên máy bay.
Cụ thể, trong biên bản gửi tới Cục Hàng không và Vietnam Airlines, hành khách Lê Hồng Sơn viết: “Tôi là hành khách Lê Hồng Sơn (CMND 161759289) có số ghế ngồi 2C trên khoang hạng C của chuyến bay VN 1169, HAN – SGN hạ cánh DAD ngày 18 – 19/4/2011.
Trong một vài ngày qua, trên các thông tin đại chúng có nhiều thông tin sai lệch của một vài người không được chứng kiến sự việc từ đầu nên tôi cảm thấy rất bức xúc, vì vậy tôi muốn đưa ra sự thật những gì xảy ra vào ngày hôm đó để bảo vệ cho lẽ phải”.
Chuyến bay cất cánh từ Hà Nội lúc 22h nhưng tới gần sân bay Tân Sơn Nhất thì cơ trưởng thông báo do thời tiết xấu tại sân bay Tân Sơn Nhất nên máy bay chuyển hướng đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Máy bay đáp xuống sân bay Đà Nẵng khoảng 1h sáng.
Tại sân bay Đà Nẵng, tất cả hành khách chúng tôi ngồi trên máy bay. Cô tiếp viên trưởng tên Hoa đọc thông báo cho chúng tôi biết là máy bay sẽ nạp dầu và sớm quay trở về Sài Gòn.
Lúc này tôi thấy ông Lê Minh Khương từ khoang hạng Y đi lên cửa trước khoang hạng C nói với nhân viên ở Đà Nẵng và cô tiếp viên là muốn xuống máy bay cùng với một người đi cùng và không muốn về Sài Gòn nữa. Sau khoảng 10 phút thì tôi thấy anh nhân viên này quay trở lại nói với ông Khương là không giải quyết được vì máy bay đã chuẩn bị đóng cửa để bay về Sài Gòn. Nếu giải quyết cho khách xuống thì sẽ làm chậm thêm giờ vì phải kiểm tra hành lý và làm lại giấy tờ. Tôi cũng đã thấy mệt mỏi chỉ muốn sớm về Sài Gòn để giải quyết công việc nên cũng đã khuyên ông Khương tiếp tục về Sài Gòn.
Khi máy bay đã đóng cửa và đang lăn thì các cô tiếp viên thấy ông Khương và bố ông Khương đang ngồi ở ghế 1A, C trước ngay ghế của tôi nên tôi đảm bảo là thấy rõ sự việc khi ông bắt đầu gây rối vì không được xuống Đà Nẵng. Ban đầu cô tiếp viên trên khoang C mời ông xuống, rồi đến cô tiếp viên trưởng nhưng ông không xuống. Ông nói với bố: “Bố có số ghế thì bố xuống còn con ngồi đây”. Mặc dù thái độ của các cô tiếp viên này rất lịch sự nhưng ông Khương lại bắt đầu la lối đòi trả lại thẻ lên máy bay mà theo ông là do nhân viên ở Đà Nẵng giữ.
Lúc này tôi có ra khuyên ông ta là: “Anh cứ trở về chỗ ngồi đi, còn mọi việc cần xác minh người ta sẽ làm cho anh”. Nhưng ông ta vẫn không chịu về chỗ ngồi của mình. Tôi nghĩ nếu ông thực sự là chỉ muốn lấy lại thẻ lên máy bay tại sao ông ta lại không đòi anh nhân viên đó khi còn đang ở sân bay khi chưa đóng cửa máy bay.
Tôi cũng nghe thấy cô tiếp viên trưởng hứa với ông là cô ta sẽ báo cơ trưởng liên lạc và viết báo cáo để giúp ông ta lấy lại thẻ và tiếp tục mời ông ta trở về số ghế 37K, để máy bay được cất cánh. Ông ta coi thường lời nói của cô ta và tiếp tục chửi bới: “Con Hoa đâu, tao sẽ ghi tên của chúng máy, nếu cần thiết, tao sẽ gọi điện cho Cục trưởng của chúng mày, chúng mày đừng chụp mũ tao”. Tôi đảm bảo chỉ có những người ở khoang hạng C chứng kiến còn tất cả khách ở khoang Y không thể biết được. Vì khoang khách trên C rất xa và riêng biệt sau một vách ngăn. Hơn nữa lúc này mọi hành khách đang ngồi cài dây an toàn để chờ cất cánh.
Lúc này thì tôi thấy máy bay đã đứng chờ ở đường cất cánh khoảng 10 phút. Tôi nghĩ cô Hoa không còn cách nào khác đành phải báo Cơ trưởng về tình hình ở khách khách. Tôi thấy cô tiếp viên trưởng lên buồng lái hai lần trong khi thuyết phục ông ta. Tôi thấy thái độ và cách xử lý của cô Hoa hoàn toàn lịch sự và đúng mực với tất cả hành khách hạng C và kể cả ông Khương trên chuyến bay hôm đó.
Sau đó tôi thấy máy bay quay trở lại sân đỗ. Tôi có nghe đọc thông báo là do vấn đề an ninh. Tôi rất sốt ruột về nên cố hỏi tiếp viên thì cô ta nói cơ trưởng từ chối chở ông Khương và nhờ an ninh sân bay giúp đưa xuống.
Đến khi máy bay mở cửa thì mới có một ông ở khoang hạng Y đi lên (sau này tôi được biết là đi cùng với ca sĩ Quang Hà) nói chuyện với anh Khương. Sau đó ông ta định nói chuyện với cô tiếp viên trưởng nhưng cô ta lúc này lại đang bận mở cửa và nhân viên Đà Nẵng lên. Tôi thấy ông Khương và ông này quát tháo anh nhân viên tên Tuấn, riêng ông này còn dọa đánh ông Tuấn.
Khi này tôi thấy cô tiếp viên trưởng lên buồn lái, ông Khương và ông này về khoang hạng Y. Cùng lúc đó nhân viên an ninh lên máy bay mời ông Khương xuống. Nhưng ông Khương không chịu xuống. Ông thủ thế vào khe giữa của hàng ghế cuối khoang C, nắm lấy rèm cửa và lưng ghế, bắt đầu la lối: “Hành khách ơi, cứu tôi. Bố ơi cứu con” nhằm làm cho mọi người thương cảm.
Tôi có ra nói với nhân viên an ninh là bỏ anh Khương ra để tôi thuyết phục ông ta đi xuống và tôi nói: “Anh cứ việc đi xuống bình thường, không có việc gì đâu, người ta mời anh xuống làm việc thì anh cứ đi”. Nhưng khi nhân viên an ninh bỏ tay ra thì anh Khương vẫn không đi. Lúc này an ninh buộc lòng phải dùng biện pháp cưỡng chế để đưa ông ta xuống.
Tôi đồng ý với vị khách người Singapore. Đây là hậu quả của sự gây rối làm chậm thêm giờ máy bay cất cánh của ông ta ở khoang hạng C lúc trước.
Sau khoảng 15 phút thì an ninh đưa ông Khương xuống máy bay. Bố của ông Khương, Quang Hà, người đi cùng Quang Hà và hai hành khách nữa cũng xuống máy bay.
Tiếp viên kiểm tra lại hành lý khách trên tàu và máy bay cất cánh an toàn về Sài Gòn lúc 3h50 phút.
Bản tường trình của ông Kevin R Rutter
Tôi đi trên chuyến bay VN 1169 từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh dự kiến xuất phát từ Hà Nội vào lúc 22h ngày 18 tháng 4 với số vé là No 7382420003921. Khi làm thủ tục, tôi được bố trí ngồi ghế 2K hạng thương gia. Trên chuyến bay này, hạng Thương gia chỉ có 3 hành khách gồm: một người Việt Nam, một người Singapore (Eileen Tan) và tôi. Chuyến bay đã tới nơi lúc gần nửa đêm nhưng do thời tiết xấu (ngoài dự đoán) nên đã không hạ cánh được. Sau một lúc bay chờ trên TP Hồ Chí Minh, cơ trưởng thông báo với hành khách là do thời tiết xấu tàu bay phải chuyển hướng tới Đà Nẵng, nạp nhiên liệu rồi trở lại TP Hồ Chí Minh.
Khi đến Đà Nẵng và sau khi tàu bay đỗ trên sân đỗ, một hành khách đột ngột xông vào khu vực khoang thương gia và nói với tiếp viên hàng không. Tôi hiểu là hành khách đó muốn xuống chuyến bay ở Đà Nẵng (cùng với người bạn đã nhiều tuổi của mình – sau đó tôi được biết rằng đó là cha của hành khách đó). Lúc đó, giọng của vị hành khách là không lịch và to tiếng, rõ ràng là ông đang gây ra khó khăn cho tiếp viên hàng không trong khoang thương gia.
Ông ta thương lượng với nhân viên mặt đất một lúc nhưng đã bị từ chối cho xuống tàu bay vào lúc này vì tàu bay đã nạp xong nhiên liệu và đã sẵn sàng khởi hành đi TP Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc nói chuyện với nhân viên mặt đất và tiếp viên viên hàng không, rõ ràng là có sự căng thẳng và rõ ràng là nhân viên có vấn đề cần xử lý.
Trong quá trình nạp nhiên liệu, vị hành khách gây rối này vẫn ở lại khu vực khoang thương gia và từ chối quay trở về ghế ngồi của mình ở khoang hạng phổ thông. 
Vào thời điểm đó, cùng với ông ta có cha mình và một người Việt Nam khác cùng trao đổi tình hình. Người này cũng dàn xếp với nhân viên mặt đất và tiếp viên vấn đề tương tự nhưng với thái độ ít căng thưởng hơn vị khách gây rối kia.
Khi tàu bay đã tra nạp xong nhiên liệu, vị hành khách gây rối đã từ chối trở về chỗ ngồi hạng phổ thông của mình và khiếu nại rằng nhân viên mặt đất đã cầm thẻ lên tàu bay của ông ta. Các tiếp viên đã thông báo với ông ta rằng do tình huống xảy ra nên thẻ lên tàu bay đó là không cần thiết cho hành trình còn lại. Vào lúc đó, cửa tàu bay đã được đóng lại và tàu bay đã được đóng lại và tàu bay đã được kéo ra để sẵn sàng cất cánh.
Vị hành khách đó vẫn từ chối việc trở lại chỗ ngồi hạng phổ thông, mặc dù tiếp viên đề nghị rất nhã nhặn. Vào thời điểm này, cơ trưởng dường như đã đánh giá được tình hình đe dọa tới các hành khách khác và đã cho tàu bay quay trở lại sân đỗ nơi nhân viên an ninh sân bay được đưa lên tàu bay. Các nhân viên này đã trao đổi gay gắt và to tiếng với vị hành khách đó và cha của ông ta (và sau đó có sự tham gia của hành khách hạng phổ thông khác người đã tham gia và sự việc tranh luận trước đó). 
Ngay sau khi nhân viên an ninh đi khỏi, người cha quay trở lại ghế ngồi của mình ở khoang hạng phổ thông. Một lúc sau đó, vị hành khách gây rối cũng quay trở lại ghế ngồi hạng phổ thông của mình.
Sau thời gian chờ đợi ngắn khi mà tàu bay vẫn ở trên sân đậu và tắt động cơ, hai nhân viên an ninh mặc quần áo đen lên máy bay, cùng với nhân viên an ninh sân bay khác. Tôi nghĩ là có tổng cộng khoảng bốn người đi về phía khoang hạng phổ thông nơi mà vị hành khách gây rối ngồi. Lúc đó tôi nghe thấy tiếng ẩu đả nhưng không nhìn thấy gì cho đến khi nhóm người đó, bốn người đó và vị hành khách gây rối đi vào  khoang thương gia. Vị hành khách gây rối có một tay bị còng.
Vị hành khách đó rõ ràng là đau khổ khi bị nhóm người cố gắng kéo ra khỏi tàu bay. Tôi nhìn thấy nhân viên an ninh sử dụng một thiết bị điện tử được sử dụng để chế những người không tự nguyện thi hành (giống như được sử dụng để lùa súc vật vào các bãi rào ở Úc). Trong khi tôi không nhìn thấy nhân viên an ninh đánh vị khách gây rối đó, điều này có thể xảy ra bởi vị khách đó đang cố chống cự bằng mọi cách có thể.
Thực tế là vị hành khách đó cố chen người mình vào phía sau của ghế ngồi thương gia cuối cùng và vách ngăn phía sau trong một khoảng trống nhỏ để ngăn cản nhân viên an ninh đưa ông ta đi xa hơn, quặp chân vào một trong các ghế ngồi.
Có thời điểm, vị hành khách này đã nhìn tôi và kêu giúp đỡ nhưng tôi chỉ gật đầu một cách thờ ơ vì tôi thấy rằng ông ta đã gây ra phiền toái cho rất nhiều người và tôi không nghĩ là ông ta xứng đáng nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào. Cuối cùng và phần nào đó kiệt sức, vị khách đó đã bị đưa ra khỏi vị trí của ông ta và bị áp giải ra khỏi tàu bay.
Tôi không nhìn thấy ông ta ra khỏi tàu bay do vách ngăn đã cản trở tầm nhìn của tôi ra cửa. Nhóm người đi cùng vị khách này cũng tự rời khỏi tàu bay vào lúc đó. Sau khi đưa vị khách đó đi, cơ trưởng đã thông báo qua hệ thống liên lạc nội bộ xin lỗi hành khách trên tàu bay và thông báo rằng do một số nươigf trong số sáu hành khách ra khỏi tàu bay có hành lý ký gửi và hành lý đó cần phải đưa ra khỏi khoang hành lý của tàu bay, nên chuyến bay sẽ phải chậm thêm.
Chúng tôi ngồi chờ khoảng 20 – 30 phút trong khi hành lý đã được tìm thấy và đưa ra ngoài. Cuối cùng chuyến bay đã tới thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 5h sáng – chậm mất 5 tiếng, mà có thể là chậm 2 tiếng là do các vấn đề thời tiết và 3 tiếng nữa do vấn đề an ninh trên.
Tóm lại, tôi muốn xác nhận cách ứng xử hung hăng của vị hành khách có liên quan khi đi vào khu vực khoang hạng thương gia, thể hiện sự gây gổ trong dáng đi của mình. Ông ta cũng rất thô lỗ và bất lịch sự với các tiếp viên hàng không qua các cuộc tranh luận của mình (tôi có thể nói vậy qua giọng của của ông ta vì tôi không hiểu tiếng Việt Nam). Tôi xác nhận rằng rất nhiều lần các tiếp viên hàng không đã cố gắng với cách ứng xử nhãn nhặn nhất để vị khách kia quay trở về chỗ ngồi của mình nhưng đều không có kết quả.
Tôi xác nhận rằng nhân viên an ninh đã sử dụng vũ lực để đưa vị khách ra khỏi tàu bay, kể cả việc sử dụng dùi cui điện cầm tay. Tôi nghĩ việc sử dụng vũ lực là hợp lý trong các tình huống họ đang đối phó với một người rất thô lỗ và không có tính hợp tác.
Sau đó tôi biết rằng người đó là huấn luyện viên quốc gia đội tuyển Taewondo của Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, một người có vị trí xã hội như vậy cần biết cách ứng xử thế nào và làm gương cho những người khác trong lĩnh vực thể thao. Tôi thấy cách cư xử của ông ta trên chuyến bay này không những làm mất thể diện cho nền thể thao nói chung mà còn cho chính bản thân ông ta và tôi rất mong rằng các cơ quan có liên quan cần có hành động cần thiết để cách chức ông ta vì ở cương vị đó ông ta có thể ảnh hưởng tới cách cư xử của những vận động viên trẻ tuổi.
Tôi đã theo dõi câu chuyện này được đưa tin trên các phương tiện truyền thông và tôi cho rằng báo chí đã làm cho người đó trở thành người bị hại. Đơn giản là do bài viết thiếu thông tin. Mọi nỗ lực đã được thực hiện để giải quyết vấn đề này một cách hòa giải. Nhưng thực tế, vị hành khách đó đã từ chối sự hợp tác và đã cố tình gây ra sự phiền toái cho tất cả hành khách trên chuyến bay.
Theo quan điểm của tôi, chính ông ta đã gây ra sự đối xử mạnh mẽ mà nó cần thiết để đưa ông ta ra khỏi tàu bay vì ông ta rõ ràng là mối đe dọa cho an ninh của tàu bay.
Tường trình của bà Eileen Tan
Vietnam Airlines (VN) chỉ có một lỗi trong sự việc nêu dưới đây. Tổ tiếp viên đáng ra nên cố gắng đề nghị các hành khách ngồi nguyên tại chỗ của mình và không cho phép hành khách hạng Phổ thông đi lại trên khu vực dành cho hành khách hạng Thương gia. Sự việc xảy ra không những làm tôi bị căng thằng mà tôi còn cảm thấy khó chịu khi VNA thậm chí không hề bận tâm tới việc thông báo xin lỗi hành khách ở khoang Thương gia và lúc đó chỉ có 3 người chúng tôi. Lưu ý rằng tôi đã ký vào bản tường trình của tổ tiếp viên với tư cách là một nhân chứng.
Tôi là Tổng Giám đốc của Viking Travel và là Phó chủ tịch của Hội doanh nghiệp Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh và tôi là hành khách hạng Thương gia trên chuyến bay VN1169 vào ngày 18/4, tôi chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra.
Chuyến bay VN1169 ban đầu khởi hành từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh vào lúc 21h45 nhưng thời gian khởi hành thay đổi sang 22h05 do chuyến bay khác tới Hà Nội bị muộn. Khi chúng tôi còn khoảng nửa giờ nữa thì tới TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi được tổ bay trên chuyến bay đó báo là chuyến bay của chúng tôi phải chuyến hướng tới Đà Nẵng do thời tiết xấu.
Ngay khi máy bay hạ cánh ở Đà Nẵng lúc 1h00, tổ bay thông báo cho chúng tôi rằng máy bay phải nạp nhiên liệu sau đó sẽ tiếp tục bay trở lại TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó sự việc xảy ra, người được gọi là “Huấn luyện viên Tae Kwwando” đi vào khoang hạng Thương Gia và nói chuyện với một trong số các tiếp viên hành không. Sau đó, ông ta quay trở lại khoang hạng Phổ thông và sau đó quay trở lại với một cái túi trên tau cùng với một người khác.
Ông ta tự nhiên ngồi lên ghế số 1C mà vốn lúc đầu là ghế của tôi. Tôi vẫn còn giữ thẻ lên tàu bay để chứng minh điều này. Tôi đã tự chuyển chỗ ngồi bởi vì lúc này chỉ còn 3 hành khách Thương gia và người đàn ông ngồi ở ghế 2C phía sau tôi (hình 001 đối diện chúng tôi) đang ho rất nhiều.
Trong suốt thời gian đó, tôi hỏi tiếp viên tại sao người đàn ông này lại được phép chuyến đến chỗ ngồi của tôi trên hạng Thương gia, trong khi ông ấy phải ngồi ở ghế hạng Phổ thông và cô tiếp viên trả lời rằng ông ta đã yêu cầu xuống khỏi tàu bay tại Đà Nẵng và họ đang đợi câu trả lời từ phía An ninh sân bay. Vào thời điểm này, một người đàn ông khác từ khoang hạng Phổ thông lại gần cô tiếp viên. Bấy giờ tôi mới biết ông ta đi cùng với ca sĩ Quang Hà (hình 0002 tay trên đầu Quang Hà và người bạn anh ta ở bên phải).
Người bạn của Quang Hà rất hung hăng khi đi ngang qua khoang hạng Thương gia để nói chuyện với tiếp viên đó. Ông ta cũng đã quát tháo lên nhưng một lúc sau ông ta đã quay trở lại khoang hạng Phổ thông. 
Trong thời gian đó, tôi đã lấy máy ảnh của mình ra và định chụp nhiều tấm ảnh khi Quang Hà lúc đó ngồi cạnh bên tôi và nói “không không” – Tôi thực sự bực mình với anh ta vì tôi đang gọi điện cho người bạn và tôi quay lại để nói với Quang Hà “Im đi, đồ đồng tính – Shut up you bloody Gay”. Anh ta đã rất ngạc nhiên và bỏ đi một cách giận dữ về chỗ người bạn của anh ta.
Cuối cùng, vị huấn luyện viên đã không thể xuống khỏi tàu bay vì tầu bay đã nạp xong nhiên liệu và cơ trưởng yêu cầu đóng cửa máy bay, một nữ tiếp viên sau đó tiến lại gần vị huấn luyện viên và yêu cầu ông cùng người bạn của mình quay trở lại ghế ngồi ban đầu của mình nhưng ông ta từ chối. Ông ta đã rất thô lỗ và bắt đầu quát tháo cô tiếp viên và cô tiếp viên đáng thương đó đã gần như phát khóc nhưng cô vẫn dũng cảm kiên quyết yêu cầu ông ta trở về chỗ ngồi của mình trước khi tiếp tục kiểm tra cửa tàu bay.
Sau đó ông ta đứng dạy và tiến tới gần cả bốn tiêp viên đang chuẩn bị cho máy bay cất cánh và ông ta quát tháo và giơ nắm đầm vào mặt họ trước khi quay trở về khoang hạng Phổ thông. Tôi tin chắc rằng tiếp viên đã không có sự lựa chọn nên đã thông báo với cơ trưởng người Bulgary của chuyến bay đó. Vì vậy, chuyến bay lại một lần nữa bị hoãn lại vì cánh cửa máy bay lại được mở ra.
Tôi hỏi tiếp viên tại sao như vậy thì cô ấy bảo với tôi là cơ trưởng đã gọi cho an ninh cảng hàng không để trợ giúp vấn đề này và bây giờ chúng tôi đang đợi họ đến. Khi vị huấn luyện viên nhận thức được chuyện xảy ra, ông ta đã nhanh chóng mang hành lý và quay trở lại chỗ ngồi ban đầu của mình ở khoang Phổ thông.
Một lúc sau, có năm người vào trong máy bay. Hai người trong số họ rõ ràng mặc đồng phục màu nâu sẫm và mang còng tay ở phía trên bên trái của áo trong khi ba nhân viên khác đeo thẻ sân bay. Sau khi nói chuyện với cô tiếp viên, họ đi về hướng khoang hạng Phổ thông và không lâu sau tôi nghe thấy tiếng hỗn loạn rất to.
Sau đó tôi thấy năm nhân viên gần như kéo lê vị huấn luyện viên (do ông ta không nghe họ nói) đi về phía cửa vào khoang Thương gia vì họ sẽ bắt ông này vì tội gây rối. Vị huấn luyện viên gào thét về phía những người này và khi họ tới hàng ghế cuối của khoang Thương gia vị huấn luyện viên đặt một chân của ông ta vào giữa hai ghế và bám chặt vào ghế bằng cả hai tay của mình.
Ông ta cầu cứu một người Úc và tôi lúc đó đang ngồi khoang ghế thương gia để giúp ông ta “Giúp tôi, giúp tôi” nhưng hiển nhiên là chúng tôi không làm như vậy nhất là vì tất cả sự trì hoãn này là do ông ta và người bạn của Quang Hà gây ra. Lúc đó tôi cũng đã nhìn thấy một tay của ông ta đã bị còng nhưng tôi đoán cả năm nhân viên đã không thể còng nốt tay kia của ông ta.
Sau đó người bạn của Quang Hà lại tham gia vào việc gây rối cùng với Quang Hà và hai người bạn khác của họ (một nữ và một nam) và cũng là bạn của vị huấn luyện viên. Nhưng việc này không cần thiết
Phúc Hưng (ghi)