Lionel Messi, Falko Goetz và câu chuyện thể hình ở bóng đá Việt Nam

10/06/2011 02:02
(GDVN) - Câu chuyện về Lionel Messi là một sự tích, nhưng không phải ngẫu nhiên mà Barca được sở hữu một thiên tài bóng đá "bé con" như thế.

(GDVN) - Falko Goetz đã nhắc tới Messi trong lễ ký kết hợp đồng làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam như một ví dụ sống động về việc các cầu thủ hoàn toàn có thể chơi bóng ở trình độ cao nhất dù chỉ có thể hình thấp bé.

Các chuyên gia xếp Messi trên tài Ronaldo

Tân HLV trưởng ĐTVN Falko Goetz: “Cầu thủ Việt có kỹ thuật rất tốt”

Từ câu chuyện hình thể

Lionel Messi là một siêu sao toàn cầu, nhưng anh chỉ là một trong số những người hiếm hoi được chơi bóng dù có thể hình không vừa ý.

Sự nghiệp của Messi luôn được coi là một câu chuyện cổ tích cho những cậu bé mong ước được chơi bóng chuyên nghiệp. Đá bóng từ khi mới lên 5, gia nhập Newell’s Old Boys khi lên 8 nhưng phát hiện thiếu hụt hormone sinh trưởng ở tuổi 11. River Plate đã từ chối Messi vì không thể chi trả được số tiền điều trị, nhưng Barca đã tới đón nhận anh với một bản hợp đồng được viết trên giấy… lau tay. Và thế là câu chuyện của Lionel Messi bắt đầu từ đó.

May mắn cho Messi là, anh đã được một CLB nổi tiếng chào đón. Không chỉ có vậy, Barca có một lò đào tạo trẻ thành công nhất thế giới với những tên tuổi hàng đầu khởi nghiệp tại đây. Ở La Masia, các HLV đào tạo cho các học viên của mình cách chơi bóng, và họ hầu như chẳng quan tâm mấy tới thể hình của cầu thủ.

Lionel Messi: Thiên tài bẩm sinh, nhưng không thể thành danh ngay tại chính quê nhà
Lionel Messi: Thiên tài bẩm sinh, nhưng không thể thành danh ngay tại chính quê nhà.

Còn nếu một quốc gia nào khác (đặc biệt là Anh), có lẽ Messi đã không có cơ hội quý giá ấy, đơn giản vì chiều cao 1m69 của anh cũng như yếu tố di truyền trong cơ thể. Chẳng những Messi mà cả những Xavi hay Andres Iniesta cũng có thể đang sống nay đây mai đó với giấc mơ bóng đá mãi không bao giờ thành hiện thực vì khổ người “bé tí”.

HLV của Stoke, Tony Pulis cho biết, tại các học viện bóng đá ở Anh, câu nói quen thuộc nhất là, “hậu vệ phải to lớn để tranh chấp được bóng trên không”. Nước Anh là vậy, vốn có truyền thống chơi bóng bổng đặc trưng. Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì hậu vệ sẽ xử lý thế nào với những pha bóng tầm thấp? Cứ xem trận chung kết Champions League sẽ thấy rõ các tiền vệ nhỏ con của Barca đã bao nhiêu lần đưa bóng vào được khu 16m50 của MU từ 2 biên.

Châm biếm: Peter Crouch quá cao đến nỗi mặt không lọt vào trong bức ảnh
Peter Crouch quá cao đến nỗi đầu không lọt vào trong bức ảnh!

Và hãy điểm lại xem có bao nhiêu hậu vệ danh tiếng có chiều cao không như ý: Nhà vô địch Thế giới và châu Âu Carles Puyol chỉ cao có 1m78, tức chiều cao trung bình của cầu thủ ở Cựu lục địa, tuy nhiên “Bức Tường” lại có một phản xạ hết sức nhạy bén với bóng và cộng thêm lối chơi rắn nữa là Puyol trở thành một đối thủ đáng gờm của mọi tiền đạo. Fabio Cannavaro thấp hơn Puyol 2cm nhưng đã giúp Italia đoạt World Cup 2006 nhờ vào một bộ óc chiến thuật thông thái và cách chơi phòng ngự rất nghệ thuật (không bị phạt thẻ nào trong suốt 690 phút tại Đức).

Thể hình luôn được đòi hỏi cao ở một số nền bóng đá mà Anh là một ví dụ tiêu biểu. Tuy nhiên với người Tây Ban Nha, những mặt hạn chế về hình thể thôi thúc họ chuyển sang những hình thức đào tạo cầu thủ với xu hướng “thân thiện với bóng”. Theo đó, bóng chính là vật cản trở lớn nhất tới cơ thể, và các học viên phải học cách điều khiển bóng mà vẫn giữ được thăng bằng. Sự kết hợp đôi mắt - đôi chân phải thật nhuần nhuyễn trước khi thực hành bất cứ bài tập cơ bản nào.

Từ thấp đến cao: Krkic, Iniesta, Puyol, Pedro và Pique, các học viên của lò La Masia. Pique cao nhất 1m92, trong khi Pedro đứng thứ 2 với chỉ 1m70
Các học viên ưu tú của lò La Masia: Krkic, Iniesta, Puyol, Pedro và Pique. Pique cao nhất 1m92, còn lại đều không vượt quá 1m80.

Một cảm quan tốt với bóng mới thực sự là yếu tố quan trọng nhất, và thể hình chỉ là sự thêm thắt vào khả năng chơi bóng của một cầu thủ. Nhỏ con đâu có nghĩa là không ghi nhiều bàn thắng, nước Anh chẳng từng có Quả bóng Vàng Michael Owen chỉ cao có 1m73 đấy thôi?

Khi ngoại binh tung hoành ở làng bóng đá Việt


Tạm chưa nói tới ĐTQG, hãy nhìn vào lực lượng của các đại diện ở V-League hiện tại. Có tổng cộng 73 cầu thủ nước ngoài (tức sinh ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam) đang thi đấu cho 14 CLB của V-League (trung bình 5,2 người/đội), trong đó đông nhất là 19 người Brazil (3 đã nhập tịch), xếp sau là từ Ghana (18 người, 2 nhập tịch). 36 cầu thủ đến từ các nước thuộc châu Phi, chiếm đa số với 49,3% tổng số ngoại binh.

Chẳng cần đến biểu đồ ở đây cũng có thể thấy rõ xu hướng chuộng ngoại binh, đặc biệt từ châu Phi nói riêng và da màu nói chung, của các đại diện V-League. Lý do đơn giản là bởi với lợi thế thể hình và thể lực vượt trội, những ngoại binh này có thể dễ dàng đè cầu thủ nội trong những pha tranh chấp.

Nhìn cầu thủ nội tranh bóng với các
Nhìn cầu thủ nội tranh bóng với các "ông Tây" như bố vật nhau với con.

Có thể thấy điều này trên BXH các cây săn bàn hàng đầu giải đấu. Trong 15 cầu thủ xếp đầu thì có tới 6 người tới từ châu Phi, 7 người từ châu Mỹ (6 người từ Argentina và Brazil) và chỉ 2 cầu thủ nội (Đình Tùng và Việt Thắng).

Có không ít những câu chuyện dễ gây cười cho những ai muốn tìm hiểu về ngoại binh V-League. Ví dụ như tiền đạo Lazaro de Souza, cựu công nhân hái cà phê hay Wandwasi Rodgers, người từng có nhiều năm… vắt sữa bò thuê ở Uganda, khi đến Việt Nam được các HLV “tân trang” lại bỗng đá hay như những cầu thủ chuyên nghiệp thực sự. Đó là một tín hiệu báo động, rằng các HLV không có nhiều sự tin tưởng dành cho những cầu thủ nội, thậm chí do chính CLB đào tạo.

Thể hình của cầu thủ Việt vốn nhỏ bé cố hữu nhưng các ông chủ lại đè nặng sức ép thành tích lên các đội bóng, dẫn tới việc họ bỏ bê công tác đào tạo để thay vào đó là đi chiêu mộ các cầu thủ từ bên ngoài. Mà chúng ta đều biết, đa phần những “cầu thủ” gia nhập V-League thông qua các nhà môi giới luôn coi trọng lợi nhuận trên hết.

Muốn tìm ngoại binh? Cứ đến hỏi cò Đại (Trần Tiến Đại)
Muốn tìm ngoại binh? Cứ đến hỏi cò Đại (Trần Tiến Đại).

Đối với trường hợp của Barcelona, yếu điểm thể hình được khắc phục bằng cách đào tạo cẩn thận các kỹ thuật khống chế bóng cũng như điều chỉnh cơ thể theo hướng “thân thiện với bóng”. Triết lý của họ rất đơn giản: Nếu ta không thể điều chỉnh được bản thân theo ý muốn, hãy điều chỉnh nó để phù hợp với quả bóng và môi trường thi đấu.

Ở Việt Nam thì chưa chắc đã có một giáo án nào nghe hay như vậy chứ đừng nói được đưa vào thực tế. Thầy không giỏi thì tất trò không thể khá, đó là điều hiển nhiên. Và cái sự hiển nhiên đó không phải các CLB V-League không nhìn thấy, nhưng họ chẳng dám khắc phục vì cho rằng sẽ tốn nhiều thời gian và tiền của. Vì vậy, họ chuyển sang một hình thức tốn tiền không kém nhưng nhanh hơn (và rủi ro cao hơn), đó là săn ngoại binh.

Chuyện của đội tuyển quốc gia

“Bất cứ một HLV chuyên nghiệp nào cũng phải chịu sức ép và tôi đã sẵn sàng để đương đầu và vượt qua những thử thách. Triết lí bóng đá của tôi là chơi thứ bóng đá đẹp mắt, dựa trên các yếu tố chính là kỉ luật, thể lực và tinh thần đồng đội. Bóng đá không phải môn dựa quá nhiều vào lợi thế thể lực và thể hình. Như các bạn thấy đấy, những cầu thủ xuất sắc nhất trên thế giới không cao to hơn là mấy so với các cầu thủ Việt Nam”, Falko Goetz chia sẻ về triết lí bóng đá của mình trong buổi lễ ra mắt cương vị mới hôm 6/6 vừa qua.

 Falko Goetz còn chỉ ra nhiều điều quan trọng nữa về bóng đá Việt. "Đặc thù của bóng đá Việt Nam là cầu thủ kĩ thuật tốt, nhanh nhẹn và đấu tay đôi rất tốt. Tuy nhiên, tôi mới chỉ trực tiếp quan sát 1 trận đấu nên chưa thể đưa ra những nhận định đầy đủ hơn, tôi cần có thêm thời gian”.

Người tiền nhiệm Henrique Calisto: Muốn
Henrique Calisto muốn "La-tinh" nhưng lại phải chuyển sang "fighting".

Như người tiền nhiệm Henrique Calisto đã từng nói, “Cầu thủ Việt Nam chỉ phù hợp với lối chơi kiểu La-tinh”. Như vậy là cả “thầy Tô” lẫn “thầy Gớt” đều nhận ra được phong cách chơi phù hợp của ĐTQG là kỹ thuật và bóng ngắn. Tốt, nhận ra bản chất là điều hay, nhưng vấn đề là làm thế nào để nó phát huy hiệu quả lại là chuyện khác.

Còn nhớ thời điểm trước AFF Suzuki Cup 2010, HLV Calisto đã “nhồi” các học trò của mình với một loạt các bài tập thể lực đủ mọi thể loại nhằm giúp cho các tuyển thủ có một sức bền và khả năng tranh chấp bóng tốt khi lâm trận. Thậm chí thầy Tô còn bắt cầu thủ lao vào nhau một cách quyết liệt như đá tập với câu cửa miệng: “Fighting! Fighting”. Nghe đến đây thì đã thấy là Calisto muốn cầu thủ đá “fighting” thay vì “Latinh”.

Sự ưu tiên ngoại binh quá mức khiến cầu thủ nội ít đất diễn
Sự ưu tiên ngoại binh quá mức khiến cầu thủ nội ít đất diễn.

Không thể coi thầy Tô nói một đằng, làm một nẻo, bản thân Calisto không còn lựa chọn nào khác khi chính cầu thủ của ông không đủ chất “Latinh” để chơi theo đúng phong cách đó.

Tại sao lại như vậy? Làn sóng ngoại binh vào Việt Nam có từ giai đoạn 2002-2003 (vua phá lưới nội cuối cùng của V-League là Hồ Văn Lợi của Cảng Sài Gòn, năm 2002), tuy nhiên vấn đề ngoại binh nhập tịch mới chỉ trong khoảng 3 năm nay, tức còn quá mới để cho tất cả hiểu hết được những mặt trái mà nó bộc lộ. Nhập tịch được coi như một phương pháp lách luật để cho các CLB tận dụng suất ngoại binh của mình cho những cầu thủ khác.

Cái nạn “hàng ngoại” ồ ạt biến thành “người Việt” ấy đã khiến một số cầu thủ có tương lai hứa hẹn hoặc ở dạng tiềm năng mất hy vọng được chơi bóng thường xuyên, thậm chí không được lên đội 1. Một số khác thì vẫn được đá nhưng tần suất bị giảm đi rõ rệt do cạnh tranh khó khăn với những đồng đội trội hơ về thể hình và thể lực. Một cầu thủ không được chơi bóng thường xuyên giống như một món ăn để lâu trong tủ lạnh, phải mất nhiều thời giờ hâm lên với nóng lại được để ăn. Một số tuyển thủ cũng tương tự như vậy, không đủ thể lực để chạy cho một trận đấu 90 phút chứ đừng nói là biểu diễn những kỹ thuật “La-tinh”.

Người đương nhiệm Goetz: Thích bóng đá đẹp, nhưng chưa chắc đã bắt được các học trò chơi đẹp
Người mới Falko Goetz: Thích bóng đá đẹp, nhưng chưa chắc đã bắt được các học trò chơi đẹp.

Trong cảnh dù muốn chọn phong cách “La-tinh” cũng không thể được vì các học trò ít nhiều mất đi nhạy cảm với trái bóng, Henrique Calisto đành chọn giải pháp luyện thể lực, đặc biệt là với những người mới lên lần đầu, để các tuyển thủ không bị “cứng” khi thi đấu. Có điều, đó chỉ là giải pháp chữa cháy, hơn nữa nó phần nào đi ngược với lối chơi quen thuộc của ĐTVN, nên thất bại cuối năm 2010 là điều dễ hiểu.

Với thầy cũ Henrique Calisto còn phải khổ sở như vậy mà cũng không thể giải quyết được thì, ở một góc độ nào đó, cũng khó mà đặt nhiều hy vọng vào tân HLV trưởng Falko Goetz. “Kẻ đào tẩu” là người mới đến Việt Nam, mới xem và mới cảm nhận V-League, nên chắc chắn chưa thể tường tận được những vấn đề của bóng đá Việt mà một trong số đó là sự tự ti về thể hình của cầu thủ Việt.

2 năm có đủ để Goetz cải tổ?

Những vấn đề tồn đọng rất khó giải quyết của bóng đá Việt kể trên chủ yếu được tổng hợp trong những nguyên nhân sau: 1) Sự tự ti thể hình cầu thủ nội; 2) Xu hướng chuộng ngoại binh thái quá; 3) Tình trạng đào tạo cầu thủ không định hướng. 3 điều kể trên đều được bắt nguồn từ một ý niệm cố hữu: Kích cỡ = Tài năng.

Có nhiều người đánh giá thành công của Barca trong vài năm trở lại đây là nhờ có HLV giỏi, chính sách đầu tư tốt và lò đào tạo trẻ La Masia hoạt động hiệu quả. Nhưng đó lại là thành công chung của bóng đá Tây Ban Nha, họ thấy được điểm mạnh trong mỗi cầu thủ là một kỹ thuật chơi bóng ngẫu hứng bẩm sinh, đồng thời không bị ảnh hưởng quá nặng về ý niệm thể hình. Tây Ban Nha nói chung và Barcelona nói riêng đã phát huy tối đa điểm mạnh đó để phát triển nền bóng đá, và họ cũng chưa phải là những ví dụ duy nhất. Brazil cũng tương tự khi các tài năng của xứ sở Samba được phát triển sự nghiệp dựa trên ưu thế kỹ thuật.

2 năm? Thời gian đó Falko Goetz có khi còn chẳng kịp làm sổ đỏ chứ đừng nói đến thay đổi BĐVN
2 năm? Thời gian đó Falko Goetz có khi còn chẳng kịp làm sổ đỏ chứ đừng nói đến thay đổi bóng đá Việt Nam.

Còn vấn đề của bóng đá Việt Nam chính là ý niệm đó đã tồn tại quá lâu trong đầu các ông chủ và HLV của các CLB vì sức ép thành tích. Để ý niệm đó không còn tồn tại trong bóng đá, phải loại bỏ nó ngay từ cấp CLB. Nhưng làm điều đó không dễ: các ông chủ thì muốn thành tích sớm, còn các HLV muốn làm khác thì trước hết phải xem mặt ông chủ. Còn trên đội tuyển quốc gia, HLV trưởng chẳng thể làm gì ngoài việc triệu tập đội hình và xây dựng lối chơi cho đội trong thời gian ngắn để phục vụ cho các giải đấu quốc tế.

Tân thuyền trưởng Falko Goetz sẽ chỉ có đúng 2 năm như trong hợp đồng để hoàn tất nhiệm vụ đặt ra là giành Huy chương vàng SEA Games 27. Chỉ vỏn vẹn 2 năm, thời gian quá ngắn để có thể thay đổi một ý niệm, mà cho tới khi nó được xóa bỏ (hoặc không bao giờ), có lẽ “thầy Gớt” đã không còn ở Việt Nam.

Đỗ Âu