Hủy kết quả trúng tuyển cao học: Đâu phải lỗi của học viên

15/03/2012 17:17
Lê Thế Biên, Giáo viên trường THPT Lộc Ninh - Bình
(GDVN) - Sau khi đọc bài “Hàng ngàn cao học viên có nguy cơ phải dừng bước giữa đường” tôi đã sốc và cực kì hoang mang…
15 trường ĐH trên cả nước vừa nhận được công văn của Bộ GD-ĐT yêu cầu “hủy công nhận trúng tuyển” đối với hàng ngàn học viên cao học đã được miễn thi môn ngoại ngữ đầu vào do vi phạm thông tư số 10 năm 2011 về quy chế tuyển sinh thạc sĩ. Trong số này có tên của nhiều trường ĐH lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại thương... Theo tinh thần của văn bản này, những học viên đã theo học cao học nửa năm trời có nguy cơ phải dừng bước giữa đường. Thông tin này đã khiến hàng ngàn học viên cao học được miễn thi đầu vào ngoại ngữ hoang mang, lo lắng. Sau khi bài báo được đăng, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được thư của 1 học viên cao học được miễn thi đầu vào ngoại ngữ gửi từ địa chỉ email: bienthuyduong@gmail.com với nội dung đầy hoang mang, lo lắng của 1 học viên cao học trước quyết định “hủy công nhận trúng tuyển”.
Hàng ngàn cao học viên có nguy cơ phải dừng bước giữa đường
Hàng ngàn cao học viên có nguy cơ phải dừng bước giữa đường
Nội dung bức thư:
Sau khi đọc bài “Hàng ngàn cao học viên có nguy cơ phải dừng bước giữa đường” tôi đã sốc và cực kì hoang mang, bởi lẽ nếu quyết định này thành sự thật, tôi sẽ là một trong số hàng ngàn học viên cao học đó.

Không sốc sao được, khi mọi dự định, ước mơ và tâm huyết của tôi suốt 4 năm qua đổ sông đổ biển.

Tôi là một giáo viên trung học phổ thông ở mảnh đất biên cương Tây Nam, cái nơi mà tấm bằng thạc sĩ vuông méo thế nào không mấy ai được biết. Khó khăn đủ bề nên việc đi học cao học là điều gì quá xa xỉ.

Với riêng tôi, ngay từ lúc bước vào đây dạy học, tôi đã ấp ủ một khao khát là lấy được bằng thạc sĩ, không phải vì tiền, vì danh mà chính vì học sinh thân yêu của tôi, các em qua thiệt thòi khi điều kiện học tập quá thiếu thốn, nhất là nguồn giáo viên giỏi.

Tôi bắt đầu âm thầm thực hiện kế hoạch của mình, vì ở trường tôi, việc đi học không hề dễ dàng, nhất là giáo viên mới ra trường như tôi, chưa đủ thâm niên công tác. Hơn nữa, năm 2009 bắt đầu có quy định ngoại ngữ tiếng anh đầu vào phải thi theo dạng thức TOEFL IPT, một cái ngưỡng so với tôi thử thách lớn.

Tôi mua tài liệu về tự học tiếng anh, chờ ngày ứng thí. Tôi bắt đầu đăng kí dự thi cao học lần thứ nhất đợt tháng 02/2009, tới ngày thi thì được thông báo dời qua tháng 03/2009, lí do Bộ bận triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đợt đó tôi không đi thi được do ngày thi trùng 26/03, tôi làm công tác đoàn và trường tôi tổ chức Hội trại.

Tháng 08/2009 tôi đăng kí dự thi, lại bị dời sang tháng 09/2009, tôi lại lỡ hẹn vì vào năm học mới.

Xin nói rõ tôi đăng kí dự thi mà cơ quan không biết (dạng thí sinh tự do, vì tôi chưa đủ thâm niên).

Ý định đi thi cao học của tôi tạm dừng, vì công việc quá bận rộn và tôi được giữ chức vụ phó bí thư đoàn trường vào năm 2010, chuẩn bị kết nạp Đảng.

Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó, tôi vẫn tự học tiếng anh, vì biết có thông tư sửa đổi quy chế đào tạo thạc sĩ, cho phép những ai có chứng chỉ ngoại ngữ đạt yêu cầu sẽ được miễn thi đầu vào môn ngoại ngữ.

Vì thế trong năm này, tôi đã đi dự thi và có chứng chỉ ngoại ngữ đạt yêu cầu chuẩn đầu vào. Tháng 08/2011, tôi xin cơ quan đi thi cao học nhưng phải theo diện tự túc vì trường không làm có chỉ tiêu gửi qua Sở Giáo dục và Đào tạo để sở trình Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí.

Tôi chấp nhận, vì sự khát khao đi học của tôi đã chờ quá lâu, hơn nữa đợt này thi tôi biết trường mình dự thi có thông báo miễn thi ngoại ngữ đầu vào cho những trường hợp như tôi.

Tôi ra sức ôn thi môn cơ bản (Toán Xác suất thống kê) và môn chuyên ngành (Sinh học). Và cuối cùng tôi cũng được đền đáp, tôi trúng tuyển với số điểm là 14.5.

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, tôi mừng phát khóc, ngày nhận quyết định đi học, tôi lo vô cùng, vì tôi không được hỗ trợ chi phí học tập. Nhưng tôi vẫn quyết định về Sài Gòn nhập học với niềm tin là sớm hoàn thành tốt khoá học và có bằng thạc sĩ để về dạy cho lũ học trò thân yêu kia.

Để có chi phí học tập, sinh hoạt tôi làm đủ nghề, đi dạy kèm, bán kem đánh răng, nước rửa chén, mỹ phẩm và thi thoảng viết báo… nói chung rất vất vả nhưng tôi cũng đã đóng xong học phí tạm thu là 10.000.000đ.

Vừa rồi, tôi mới viết bài và đạt một giải báo chí, được một số tiền thưởng đủ trang trải cho khoá học chuẩn đầu ra tiếng Anh B1.

Vất vả là thế, nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc vì quyết định của mình, thế nhưng tối hôm nay, khi vào mạng và đọc được bài báo này, tôi choáng váng và suy sụp hoàn toàn.

Tôi đâu có lỗi, lỗi chăng là do trường tôi đang theo học, tại sao chúng tôi lại phải chịu trách nhiệm, lớp tôi có 4 người rơi vào hoàn cảnh như tôi.

Huỷ kết quả trúng tuyển? Tiền bạc có thể làm ra nhưng danh dự của chúng tôi thì ai cứu vãn, tôi đã phải cố gắng rất nhiều để có ngày hôm nay, chẳng lẽ vì lỗi của các cơ quan quản lí mà tôi bị đẩy ra đường? Tôi sẽ dạy cho học sinh của tôi cái gì đây khi niềm tin của sự công bằng bị vỡ nát? Câu trả lời có lẽ chỉ có ở Bộ Giáo dục và Đào tạo mà thôi.

Lê Thế Biên, Giáo viên trường THPT Lộc Ninh - Bình