Đổi mới quản lý GDĐH bước đầu có chuyển biến tích cực

17/03/2012 06:00
Theo GD&TĐ
Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phù hợp với thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bộ GD&ĐT cho biết, cuộc vận động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 đã được triển khai một cách sâu rộng trong tất cả các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc, tạo ra một bước chuyển biến tích cực trong tư tưởng, ý thức trách nhiệm của cán bộ, viên chức và sinh viên. 
Đến ngày 31/12/2011 đã có 270 trường đại học, cao đẳng xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo; 314 trường tổ chức rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; 294 trường đại học, cao đẳng cam kết chất lượng đào tạo. 
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, vẫn còn một số hạn chế sau 2 năm triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ. Cụ thể, còn nhiều trường chưa thực hiện ba công khai trên website, nội dung công khai của các trường còn hạn chế, phần lớn chỉ công khai văn bản, thủ tục hành chính, nội dung chuẩn đầu ra của các trường chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều “na ná” giống nhau. 
Một số trường tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng sai quy định như tuyển sinh sai đối tượng, sai vùng tuyển, một số địa phương ủy quyền cho các công ty, doanh nghiệp không có chức năng đào tạo, nhưng đứng ra tổ chức tuyển sinh dưới danh nghĩa theo địa chỉ... gây bất bình trong dư luận xã hội.
Gần 80 trường không báo cáo về Bộ kết quả sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trong số các báo cáo sơ kết, nhiều báo cáo chưa đầy đủ nội dung, một số hoạt động chưa được tổ chức triển khai đồng bộ theo đúng yêu cầu của chương trình hành động do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; việc tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ ở một số trường còn mang tính hình thức, đối phó, hiệu quả không cao, cá biệt có một số cán bộ, giảng viên và 1 bộ phận sinh viên còn thờ ơ, nhận thức thiếu đầy đủ, chưa đúng mức. 
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo; rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020 và cam kết chất lượng đào tạo. Đến năm 2013, tất cả các chương trình đào tạo tại các trường đều có đủ giáo trình phục vụ đào tạo cho các môn học. Năm 2014, các môn học không có giáo trình, kiên quyết không đưa vào chương trình đào tạo.
Đồng thời, xây dựng quy hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, phấn đấu đến năm học 2014 - 2015 phải chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học. Kiên quyết chấm dứt giảng viên lên lớp vượt quá nhiều giờ so với quy định. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục đại học... 
Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phù hợp với thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam. 
Đối với cơ quan quản lý giáo dục địa phương, cần chủ động tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố về thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục; tăng cường kiểm tra, giám sát việc đào tạo, hoạt động liên kết đào tạo như: Kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, điều kiện về thành lập trường, hoạt động giáo dục, mở ngành đào tạo, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Thành lập bộ phận chuyên môn để quản lý hành chính theo lãnh thổ các trường đại học, cao đẳng trực thuộc các Bộ đóng trên địa bàn, quản lý các trường đại học công lập thuộc tỉnh, các trường đại học, cao đẳng tư thục trên địa bàn theo điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
Theo GD&TĐ