Nguyễn Thế Dương: 'Ở Úc, tuyệt đối không có chuyện thầy văng tục'

16/03/2012 16:39
BBT
(GDVN) - Nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Thế Dương, đến từ đại học Queensland (Úc) đã chia sẻ như vậy trong cuộc giao lưu trực tuyến toàn cầu với độc giả báo GDVN.

- Chào anh Thế Dương! Trước khi đi du học anh đã từng theo học trường ĐH nào ở Việt Nam?

Xin chào các độc giả của báo giaoduc.net.vn. Tôi hiện là NCS ngành ngôn ngữ học của Đại học Queensland (Úc). Trước kia, tôi đã từng theo học tại Khoa Ngôn ngữ học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).


- Anh thấy cách thức dạy và học của giáo viên, sinh viên bên Úc khác gì so với Việt Nam?

Một điểm nổi bật trong việc dạy và học ở Úc là tính tương tác cao giữa giảng viên và sinh viên trong một lớp học. Sinh viên phải đọc sẵn bài ở nhà và khi đến lớp, họ cùng tương tác với giảng viên.

TS Lê Thẩm Dương đang là tâm điểm chú ý của dư luận.
TS Lê Thẩm Dương đang là tâm điểm chú ý của dư luận.

Giảng viên là người điều hành, hướng dẫn các cuộc trao đổi trong lớp thông qua một hệ thống các phương tiện giảng dạy hiện đại. Bài giảng trở thành một cuộc trao đổi. Từ đó, việc lĩnh hội kiến thức và kĩ năng thực hành của sinh viên là rất tốt. Tôi thấy ngay bản thân giảng viên cũng học hỏi được nhiều từ những cuộc trao đổi đó với sinh viên của mình. Nói cách khác, tính dân chủ trong lớp học luôn được đề cao.
Ở Việt Nam, tính tương tác trong quá trình giảng dạy đã được đặt ra, nhưng trên thực tế vẫn chưa cao lắm. Do đó, các bài giảng của giảng viên không tạo ra được sự tương tác mạnh với sinh viên, vẫn thiên về việc truyền thụ kiến thức một chiều từ giảng viên đến sinh viên. Ngoài ra, việc ứng dụng những phương tiện nghe nhìn vào quá trình giảng dạy vẫn còn nhiều hạn chế.


- Anh Dương đã từng được học một thầy cô giáo nào ở Việt Nam giảng cuốn hút như TS Lê Thẩm Dương mà không văng tục chưa?

Tôi có may mắn được học rất nhiều thầy cô có cách dạy rất lôi cuốn, truyền thụ tốt. Tôi vẫn còn rất nhớ hình ảnh và phong cách giảng bài của cô giáo chủ nhiệm cấp 3 của tôi, cô Đỗ Lan Phương. Lên đến đại học, tôi cũng thật may mắn vì được học nhiều các thầy cô với lối giảng bài lôi cuốn bằng nền tảng kiến thức vững chắc như thầy Đinh Văn Đức, thầy Đoàn Thiện Thuật, thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy Trần Trí Dõi, thầy Vũ Đức Nghiệu, thầy Nguyễn Văn Hiệp hay cô Vũ Thị Thanh Hương v.v… Cho đến giờ, tôi vẫn giữ nguyên những ấn tượng đẹp của mình với các thầy cô, với những phong thái rất riêng biệt.
Một điều nữa, tôi thấy rất kính trọng các thầy cô giáo của tôi là họ luôn mực thước trong cách giảng bài của mình. Lớp học vẫn sôi nổi và vui vẻ bằng những câu chuyện ngoài lề gắn liền với bài học, nhưng mỗi lời nói của các thầy cô của tôi đều đúng chừng mực, thể hiện rõ nhân cách của người thầy đứng trên bục giảng và sự tôn trọng đối với sinh viên của mình. Do đó, hoàn toàn không có chuyện văng tục trên các giảng đường nơi tôi theo học.

- Có người nói rằng thầy Tây nhiều khi còn tự do nói tục hơn và nước ngoài tôn trọng điều đó như tính cách của mỗi người? Điều này có đúng với nơi anh đang du học bên Úc không?

Tôi chưa từng có được trải nghiệm về việc tự do nói tục của các giảng viên nơi tôi đang theo học. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy một điều rất rõ rằng họ cũng rất mẫu mực khi họ đứng trên giảng đường. Ngôn ngữ mà họ truyền đạt khi đứng lớp hay gặp gỡ với sinh viên thường là thứ ngôn ngữ chuẩn mực và khúc chiết. Đôi chỗ họ cũng có dùng tiếng lóng, nhưng chưa bao giờ có chuyện văng tục hay đệm những từ tục. Tôi cho rằng bài giảng của họ vẫn hấp dẫn được sinh viên vì phương pháp họ truyền đạt nói chung là rất sáng tạo, mỗi giảng viên có những cách thức riêng để thu hút của sinh viên.
Tất nhiên, giảng viên ở Úc cũng có những sự khác biệt so với Việt Nam trong cách tiếp cận với sinh viên trong lớp. Chẳng hạn, họ có thể ngồi trên mặt bàn, ngồi ngay cạnh sinh viên trong lúc giảng bài và mọi người đều coi đó là chuyện bình thường. Nhưng trên giảng đường, tuyệt nhiên không có chỗ cho việc văng tục. Nó chỉ diễn ra trong những cuộc nói chuyện phiếm của các nhóm sinh viên với nhau, nơi mọi người có một vị thế ngang bằng nhau và một mối quan hệ khá gần gũi.

- Nếu phải nhận xét rất ngắn về chất lượng bài giảng và giờ dạy, chất lượng giáo viên nói chung ở Việt nam – nơi anh đã học, anh sẽ nói gì?

Để đưa ra một nhận xét khái quát chung thì quả là một câu hỏi khó. Nhưng tôi mong muốn một điều là các nhà trường của ta cần tăng cường hơn việc dạy các kĩ năng thực hành thay vì thiên về truyền thụ kiến thức. Kiến thức nhìn chung nên giảm tải. Một điểm nữa là việc nâng cao tính chủ động và sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập.


-Nếu phải nhận xét rất ngắn về chất lượng bài giảng và giờ dạy, chất lượng giáo viên nói chung ở Việt nam – nơi anh đã học, anh sẽ nói gì?

Để đưa ra một nhận xét khái quát chung thì quả là một câu hỏi khó. Nhưng tôi mong muốn một điều là các nhà trường của ta cần tăng cường hơn việc dạy các kĩ năng thực hành thay vì thiên về truyền thụ kiến thức. Kiến thức nhìn chung nên giảm tải. Một điểm nữa là việc nâng cao tính chủ động và sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập.


- Thưa anh Dương, đánh giá gì về cách giảng dạy của TS Lê Thẩm Dương?

Tôi nghĩ mỗi giảng viên cần tìm tòi cách thức truyền đạt thật tốt để đem lại sự lôi cuốn trong bài giảng của mình. Điều này rất quan trọng đối với một giảng viên. Ở góc độ đó, tôi thấy bài giảng của TS Dương đã làm được. Ngay cả những cuộc thăm dò trên mạng cũng cho thấy phần đông các bạn không thấy phản cảm với cách dạy đó.
Tuy nhiên, cũng cần phải nó rõ một điều rằng giảng đường là một nơi thiêng liêng, người thầy cũng phải luôn là một tấm gương. Mãi mãi là vậy.
Tôi cho rằng không phải cứ nói một thứ ngôn ngữ bỗ bã, nói nhiều chuyện riêng tư mới làm cho bài giảng hấp dẫn. Cái thứ ngôn ngữ ấy, nó xa lạ với giảng đường nên khi có người đưa nó vào giảng đường, thì nó trở nên một cái gì đó mới mới, lạ lạ, hấp dẫn. Chỉ dừng ở mức thế thôi. Sẽ có những bạn sinh viên rất phản cảm với lối giảng bài này.
Có rất nhiều cách thức khác nhau để sinh viên vẫn cảm thấy thoái mái mà hiệu quả tiếp thu bài vẫn cao. Vấn đề là người thầy, với kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và nhất là tư cách của mình, sẽ vận dụng nó vào trong bài giảng của mình như thế nào.


- Thưa anh, nếu anh là học viên, chỉ được chọn 1 trong 2 phương án: Chọn thầy giảng hay nhưng tương đối "thoải mái" về ngôn từ hay chọn thầy nghiêm ngắn nhưng giảng buồn ngủ?

Đương nhiên tôi sẽ muốn được một người “thoải mái” đứng lớp. Nhưng tôi tin là dù có thoải mái đến đâu thì cũng có những giới hạn của nó. Chính các thầy cô giáo là những người hiểu rõ hơn ai hết về những chừng mực này.
BBT