“Thu phí 3.000 đồng thì chỉ có sinh viên ra hành hạ bệnh nhân”

17/03/2012 06:34
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Tới nay, những bệnh nhân BHYT hay bệnh nhân đến khám theo tuyến bình thường, BV vẫn thu giá tiền và thanh toán BHYT với mức 3000 đồng/1 lần khám. 

Trong cuộc đối thoại với nhân dân cả nước sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định, mức phí khám chữa bệnh BHYT hiện nay đã không còn phù hợp và cần phải tăng mức viện phí bởi nguồn thu ấy sẽ được tái đầu tư ở các bệnh viện để phục vụ chính người bệnh. Bộ trưởng Tiến đã nói vui rằng, các bệnh viện hiện đang “hấp hối” vì không biết lấy đâu ra đủ kinh phí để trang trải cho mọi hoạt động.

Cũng trong chương trình trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo các bệnh viện trung ương và địa phương đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về những câu hỏi của nhân dân: Tăng viện phí lần này đã làm cho cán bộ nhân viên y tế yên tâm công tác hay chưa? Nếu tăng viện phí, tăng các chi phí xét nghiệm thì phần tăng này có được đầu tư lại cho thiết bị y tế vì có nhiều bệnh viện dù được đầu tư, thực tế chăm lo xây dựng cơ bản chứ không đầu tư thiết bị phục vụ bệnh nhân? Lãnh đạo các bệnh viện ở Trung ương và ở địa phương là bệnh viện sẽ làm gì với nguồn tăng viện phí?

TS. Bùi Diệu - Giám đốc Bệnh viện K: “Sự chia sẻ của người bệnh sẽ giúp các nhân viên y tế yên tâm hơn”

TS. Bùi Diệu - Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội
TS. Bùi Diệu - Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội

Tôi xin nói thế này, phải nhìn nhận một cách rõ ràng không phải vì giá viện phí mà nhân viên y tế không hài lòng hay không yên tâm phục vụ người bệnh. Tôi nghĩ rằng đội ngũ nhân viên y tế luôn yên tâm phục vụ sức khỏe nhân dân như lời dạy của Bác Hồ. Tôi nghĩ phải hiểu rõ đây là việc điều chỉnh giá một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn hiện tại. Giá dịch vụ y tế được quy định từ 1995 đến nay trong khi hoàn cảnh khách quan đã trải qua nhiều biến đổi. Khoa học kỹ thuật đang phát triển như vũ bão, ngành Y tế đang từng bước áp dụng, có những vấn đề chúng ta đã làm chủ, có thiết bị đã sản xuất được nhưng cũng có những kỹ thuật mới mà chúng ta phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, phải khẳng định cái nhìn về bệnh học cũng đã có nhiều thay đổi so với ngày chúng tôi còn đi học. Vì vậy nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh không chỉ là mong muốn của người dân, mà đó là còn là mục tiêu, là mong muốn của Đảng và Nhà nước.

Tôi xin nhắc lại rằng người thầy thuốc luôn yên tâm khi chạy chữa cho người bệnh nhưng sự yên tâm đó có nhiều vấn đề. Do đó, trong khó khăn chung, sự chia sẻ của người bệnh sẽ giúp các nhân viên y tế yên tâm hơn. Đó sẽ là sự động viên lớn nhất với ngành y tế.

Tôi xin nói riêng một chút về bệnh viện K. Các đồng nghiệp cũng rất hiểu, ngoài khó khăn chung của ngành, thì số lượng bệnh nhân đến bệnh viện K rất đông, cơ sở vật chất hạn chế, bề dày kinh nghiệm chưa được nhiều như các khoa nội, ngoại, sản nhi, đội ngũ cán bộ dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được, đặc biệt là chưa thể phủ đến các địa phương… Vì vậy, trong khó khăn chung, chuyên ngành ung thư còn khó khăn hơn nữa. Điều này cũng là tất yếu, vì chuyên ngành này ở các nước tiên tiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tôi hết sức chia sẻ với ý kiến của nhân dân, nhưng cũng mong rằng giữa nhân viên y tế và người bệnh sẽ có cái nhìn thân thiện hơn, đúng hơn, từ đó việc chăm sóc, phục vụ sẽ có hiệu quả hơn.

PGS.TS Trần Bình Giang - Phó Giám đốc BV Việt Đức: “Thu phí 3000 đồng thì chỉ có sinh viên ra hành hạ bệnh nhân”

PGS.TS Trần Bình Giang - PGĐ Bệnh viện Việt Đức
PGS.TS Trần Bình Giang - PGĐ Bệnh viện Việt Đức

Tới nay, những bệnh nhân BHYT hay bệnh nhân đến khám theo tuyến bình thường, BV vẫn thu giá tiền và thanh toán BHYT với mức 3000 đồng/lần khám.

Tôi xin kể một câu chuyện, cách đây 2 năm khi tôi đang trực lãnh đạo bệnh viện, nhân viên có báo một trường hợp thắc mắc, đó là một bác cựu chiến binh già, từ một tỉnh xa đến khám. Bác ấy đã nói thế này: “Tôi từ tỉnh xa đến đây, tôi muốn được các Giáo sư, bác sĩ giỏi khám, mà ở đây bệnh viện lại thu có 3000 đồng thì chỉ có sinh viên ra hành hạ bệnh nhân chứ làm gì có Giáo sư, bác sĩ giỏi khám với giá 3000 đồng”.

Điều đó chứng tỏ người dân cũng thấy việc chúng ta thu 3000 đồng/1 lượt khám là bất hợp lý. Tất nhiên, BV Việt Đức có một khu điều trị tự nguyện, tách biệt hẳn với khu phòng khám thông thường. Bệnh nhân điều trị tại đó sẽ trả một khoản viện phí hợp lý hơn.

Mức tăng giá dịch vụ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt điều trị và nâng cao chất lượng điều trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, chuyên gia được đào tạo bài bản, đã học từ những trung tâm lớn trên thế giới, có thể thực hiện được những kỹ thuật khó, nhưng muốn thực hiện những điều đó thì phải có phương tiện, máy móc, dụng cụ, kim chỉ, thuốc men… giá những thứ đó đều phải theo quốc tế. Vì vậy, chúng ta sẽ không thể mua đủ hoặc phần đó sẽ thiếu nếu chúng ta không thu đủ, và rồi người bệnh phải bù lại bằng cách này hay cách khác.

Nếu như viện phí được tính đúng, đủ, càng nhiều người tham gia BHYT, những người khỏe giúp cho những người yếu, thì phần đó, BHYT sẽ thanh toán phần lớn cho người bệnh.

Chúng tôi cho rằng, khi chúng ta tăng viện phí, tính đúng, tính đủ, thì người bệnh, đặc biệt là người bệnh BHYT là những người có lợi chứ không phải việc tăng viện phí làm cho người bệnh, những người nghèo không có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.

PGS.TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc BV Bạch Mai: "Chúng tôi đã cố gắng gồng lên để tồn tại"

PGS.TS Mai Trọng Khoa - PGĐ Bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS Mai Trọng Khoa - PGĐ Bệnh viện Bạch Mai

Giá khám chữa bệnh theo BHYT (mức cũ) là 3.000 đồng và giá dịch vụ 30.000 đồng. Tôi xin khẳng định, BV Bạch Mai thực hiện hoàn toàn minh bạch. Đối với những người khám dịch vụ, tự chi trả, tất cả được thu chi theo quy định của Bộ Y tế và mọi khoản thu chi được công khai minh bạch. Hàng năm, đối với BV Bạch Mai các cơ quan kiểm toán, kiểm tra của các cấp các ngành đều đi kiểm tra.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, là giá khám chữa bệnh chúng ta đã duy trì từ năm 1995, qua 17 năm đã có những điều chỉnh nhất định, nhưng nói chung là điều chỉnh ít, trong khi đó các bệnh viện tuyến Trung ương lại phải tự tìm nguồn chi trả cho các hoạt động, một số ít các bệnh viện được Bộ Y tế cấp kinh phí từ 10-30% chủ yếu là để trả lương cơ bản. Vì vậy, có người dân hỏi chúng tôi là mức thu thấp như vậy trong khi chi phí nhiều thì các bệnh viện đã “ngã bệnh” chưa, tôi thấy đây là một chia sẻ, cảm thông của những người dân đã hiểu những khó khăn trong công việc của chúng tôi. Cũng xin trả lời rằng, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn may mắm còn tồn tại đến hôm nay. Hiện nay, BV Bạch Mai có gần 3000 cán bộ công chức, và như đã nói kinh phí từ Bộ Y tế rất nhỏ, chưa thể đáp ứng được một phần vô cùng nhỏ chi trả tiền lương. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, thay đổi giá viện phí là đòi hỏi thực tế, là điều kiện tồn tại để phát triển.

Tôi cũng xin thông tin thêm là hiện tại BV Bạch Mai có số lượng rất lớn các bệnh nhân nghèo, nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Giá dịch vụ của chúng tôi, nhiều trường hợp trong nhiều chuyên khoa đang phải bù lỗ, không đủ đáp ứng chi phí. Tuy nhiên, chúng tôi đã và đang tiếp tục tiến hành hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo.

Do đó, việc thay đổi giá viện phí là cơ hội để chúng ta có dịch vụ tốt hơn. Nếu như chúng ta không thay đổi, khó lòng chúng ta đòi hỏi  ngành Y tế có thể làm tốt hơn việc của mình trong khi tất cả đều thiếu, thậm chí có những cái đang âm so với giá trị thực của nó. Chúng tôi mong muốn có sự chia sẻ của xã hội.

Một vấn đề nữa, về y đức và những nụ cười của cán bộ ngành y tế, tôi cho là đòi hỏi chính đáng. Tuy nhiên, trong một bối cảnh cường độ làm việc căng thẳng, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, công nghệ, công cụ phục vụ cho quá trình thao tác nghề chưa đủ, cần có sự chia sẻ của cộng đồng. Tôi cho rằng, sẽ không bao giờ được biện minh và tha thứ cho thái độ không tốt của những thầy thuốc, nhân viên y tế khi vin vào các khó khăn. Chúng tôi mong muốn có sự chia sẻ từ phía cộng đồng, ở đây là nhận thấy được khó khăn của ngành Y tế nói chung và đặc biệt đối với BV Bạch Mai. Chúng tôi đang cố gắng gồng lên để tồn tại.

Ông Trương Quý Dương - Giám đốc BV tỉnh Hòa Bình: “Không điều chỉnh giá khám chữa bệnh thì chất lượng khám chữa không thể nâng cao”

Ông Trương Quý Dương - GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình
Ông Trương Quý Dương - GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Tôi quản lý một BV miền núi, điều kiện khám chữa bệnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuyến trung ương còn gặp khó khăn thì tuyến tỉnh chúng tôi còn có nhiều khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, về mặt chủ quan, tôi khẳng định nhờ việc điều chỉnh chi phí khám chữa bệnh tới đây sẽ cải thiện ít nhiều tình hình, nhưng mức độ cải thiện thì còn tùy thuộc từng nơi. Bệnh viện chúng tôi hiện nay, máy móc có, nhà cửa có, nhưng tiền để duy tu bảo dưỡng nhà cửa máy móc thì còn thiếu. Đồng thời, chúng tôi thiếu chi thường xuyên, nên rõ ràng việc điều chỉnh chi phí giường bệnh, khám bệnh thì sẽ giúp ích cho bệnh việc tuyến tỉnh như chúng tôi có thể bổ sung ngay phòng ốc, lực lượng bảo vệ, vệ sinh… ít nhất một phần nào đó đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh.

Tuy nhiên, nguồn thu từ giá phí khám bệnh mới có mua được máy móc hay không thì đó lại là một vấn đề cần phải có sự tính toán, vì có nơi có thể thu được rất nhiều, nhưng cũng có nơi thu được rất ít, nhưng nếu không điều chỉnh giá khám chữa bệnh thì chất lượng khám chữa không thể nâng cao hơn được.

Điểm nóng:
Chùm ảnh: Chiêm ngưỡng những cổ vật... có tiền cũng không mua được

Hồi ức ghê rợn của “huyền thoại đua xe” Sài thành

Bộ trưởng Bộ Y tế: BHYT như hiện nay, đừng đòi hỏi chất lượng bác sĩ Giám đốc bị tố “đãi khách” bằng nữ nhân viên

Nhiều ngôi mộ bị lấp trong đêm: Chủ đầu tư phủ nhận không san lấp mộ

Vụ Thiếu úy bị ô tô húc: Lái xe bỏ chạy là con một nữ doanh nhân
Người thân cháu Bích: Ghê sợ khi cháu đối diện với Lê Văn Luyện Hình ảnh mới nhất về cuộc sống của người thân ông Đoàn Văn Vươn

Ngọc Quang (ghi)