Người dân phố cổ gốc kiếm tiền bằng cách đi xe ôm, bán trà đá?

19/03/2012 06:00
Lan Chi
(GDVN) - Nói đến dân phố cổ nhiều người nghĩ họ có cơ hội kiếm tiền cũng như thu nhập khủng từ buôn bán nhưng số những người có thu nhập cao không phải nhiều?

Nhiều hộ gia đình chưa đầy 5 triệu/tháng nếu nuôi hai đứa con ăn học thì cả gia đình chỉ sống trong điều kiện thiếu thốn, ăn bữa này lo bữa sau.

Xe ôm - nghề chính của dân phố cổ

Tiếng là sống ở phố cổ giữa lòng Hà Nội, nơi được mệnh danh là một tấc đất, vài tấc vàng. Tuy nhiên, những người con đang sống tại đây lại chỉ làm những nghề bán hàng rong, xe ôm kiếm tiền sống qua ngày.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Bình một hộ dân sống trong phố Hàng Buồm chia sẻ “khổ lắm các cô ạ, phố Cổ bây giờ chúng tôi gọi là phố khổ. Cả nhà con trai và con dâu chỉ làm nghề chạy xe ôm. Công việc bập bõm nên cũng chẳng thể kiếm ra tiền để mà thuê nhà, bớt người ra ngoài ở cho bớt khổ”.


Bà Bình có đông con, hơn nửa số con trai của bà không biết chữ. Nhìn vẻ bề ngoài rất bảnh bao nhưng không ai ngờ ở cái thế kỷ XXI này rồi mà họ mới chỉ học đánh vần vài chữ cơ bản và thầy dạy chính là thế hệ các con dạy. Vì không biết chữ nên chỉ làm mấy nghề đi bán hàng rong và làm xe ôm. Bà Bình không ngại vì chuyện thất học của các con mà với bà đó là sự khốn khổ từ xưa.

Anh Việt Anh vắt vẻo trên chiếc xe chờ khách
Anh Việt Anh vắt vẻo trên chiếc xe chờ khách

>>>Chùm ảnh: "sống khổ như người dân phố cổ"

Gặp chúng tôi, anh Việt Anh trú tại phường Hàng Buồm làm nghề xe ôm ngay trên phố Hàng Buồm không ngần ngại chia sẻ. Anh làm nghề xe ôm ở đây lâu lắm rồi vừa nói anh vừa chỉ vào cái ngõ sâu hun hút nơi anh và nhiều hộ gia đình sống ở đó đều có người làm nghề xe ôm. Một con ngõ nhỏ sâu khoảng hơn 20 mét có đến 5,6 người làm xe ôm. Cùng một công việc nhưng mỗi người một hướng đi, người thì đứng trên phố, người thì ra khu bờ Hồ, chợ Đồng Xuân để chở khách.
Khi chúng tôi giới thiệu là phóng viên đến tìm hiểu và trò chuyện với người dân trong ngõ 47 Hàng Đường, những người trẻ đều chạy ra ngoài vì không muốn tiếp xúc với phóng viên còn những người đã già vì quá bức xúc mà họ không ngần ngại chia sẻ, ai cũng than: “ở đây khổ lắm cô ạ, ngày chẳng nhìn thấy mặt trời’. Mùi than tổ ong, mùi đốt củi mồi than không khác gì những chiếc hang chuột đang bị hun.
Một bà lão chừng ngoài 70 tuổi, giới thiệu với chúng tôi tên là Mùi, bà đã sống trong căn nhà này hơn 50 năm. Bà lấy chồng về đây rồi sinh con đẻ cái. Người thì đẻ ra nhưng đất ở cứ ngày một chật đi. Nói chuyện đến công việc của những người trong khu này bà chẳng nói nhiều mà chỉ nói “nếu đi làm nhà nước, công ty thì họ đã ra ngoài để ở. Có tiền, có thu nhập tội gì phải ở trong cái khu “ổ chuột” này chứ. Hầu như những người sống trong ngõ nhỏ, họ tràn ra đường ngoài buôn bán từ nấu xôi, làm xe ôm, bán cháo, trứng luộc… nhưng nhiều người bán quá nên cũng chẳng có người mua.
Bác Mai làm xe ôm tại ngã tư Lãn Ông - Hàng Cân chia sẻ nhà bác sống trong phố Hàng Bạc nhưng bác làm nghề xem ôm ở đây hơn chục năm qua. Với bác vì không biết làm gì nên hàng ngày mang xe ra chống ở phố. Tuy nhiên, người làm xe ôm thì nhiều mà khách đi thì ít nên thu nhập cũng chán.

Bán trà đá cũng phải tranh nhau chỗ

Đối nghịch với sự đông đúc, nhộn nhịp ở mặt ngoài phố Cổ là những con ngõ tối tăm, sâu hun hút như những địa đạo. Những con người sống sâu trong ngõ đó đa số đều không có học hành, thất nghiệp.
Bác Nguyễn Văn An sống trong phố Tạ Hiền cho biết con phố nhỏ tý tẹo thế này nhưng toàn người dân sống trong các ngõ ngách mang hàng ra bán, mỗi người bán hàng một thứ. Các hộ ở đây chủ yếu sống bằng nghề bán hàng thúng mẹt. Những cửa hàng mặt đường thì làm ăn phát đạt là vậy nhưng buôn bán nhỏ lẻ như ở đây cũng chẳng kiếm được là bao. Ở trong phố này người bán hàng còn ít bị công an đuổi chứ như những phố lớn khác thì bày hàng chỉ tranh thủ vào lúc xế chiều.

Nằm sâu những con ngõ nhỏ tối như mực này là số phận những con người khổ hạnh không chỉ vì chật chội mà với họ thu nhập cũng ít ỏi
Nằm sâu những con ngõ nhỏ tối như mực này là số phận những con người khổ hạnh không chỉ vì chật chội mà với họ thu nhập cũng ít ỏi

>>>Chùm ảnh: "Sống khổ" như người dân phố cổ


Ngõ 19 Hàng Bạc, bà cụ già ngoài 80 tuổi ngồi bán bánh chưng rán và một ít bánh rán, bánh giò khác. Mỗi ngày bà chỉ tranh thủ bán lúc buổi sáng, đến chiều còn phải nhường chỗ cho người khác. Cả ngõ có đến chục hộ và chỉ có một hai hộ là có người đi làm công ty còn lại đều “kinh doanh ngõ nhỏ” như bán xôi, bán bún và các loại đồ ăn vặt khác.
Đi sâu hun hút vào con phố Hàng Buồm có quán Bittet ông Lợi. Không dễ gì mà người ăn có thể len vào một “địa đạo” tối om để tìm đến một quán ăn. Quán của ông nằm trong một diện tích nhỏ xíu và đây là khu sinh hoạt chung của cả ngõ 51.
Phố Tạ Hiền luôn tấp nập hàng quán về lúc chiều. Ảnh Internet
Phố Tạ Hiền luôn tấp nập hàng quán về lúc chiều. Ảnh Internet
Một người sống trong cùng ngõ này cho biết, ai cũng kinh doanh thì làm gì có chỗ. Đầu ngõ nhà ai người ấy bán. Người thì bán trà, người thì bán đồ ăn vặt. Họ như tự “chia đất” nhau để làm kinh doanh nhỏ còn những hộ gia đình mà kém may mắn tìm được chỗ bán hàng thì lại đi làm xe ôm, bán hàng thuê để kiếm sống.
Tuy nhiên nếu bán trà đá ở những khu khác có thể kiếm tiền nhiều mỗi ngày còn bán trà đá ở những khu phố cổ kiểu này chỉ được vài chục nghìn/ngày. Lý giải điều đó bà cho biết chủ yếu là những người trong ngõ không có việc làm ra buôn chuyện chứ có mấy người là khách dừng chân xuống uống nước trà.
Lan Chi