Mẹo giúp bé khai bệnh vanh vách như người lớn.

19/03/2012 16:02
Theo eva.vn
Mong muốn của phụ huynh và cả bác sĩ đó là khi trẻ bị bệnh có thể chỉ ra chỗ nào đau, thấy khó chịu thế nào.

Nên giúp trẻ nhận ra các bộ phận trên cơ thể
Nên giúp trẻ nhận ra các bộ phận trên cơ thể
Hiển nhiên khó có phép màu nào giúp một đứa trẻ khai bệnh vanh vách như người lớn; nhưng nếu khéo, có phương pháp và đủ kiên nhẫn, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể tặng trẻ (biết nói và đã có một vốn hiểu biết kha khá) kỹ năng này ở mức cơ bản nhất.
Trước hết, nên bắt đầu bằng lớp “giải phẫu học”. Bằng hình ảnh, bằng chính cơ thể trẻ, phụ huynh không khó giúp trẻ nhận ra đầu, mình và tứ chi. Sau đó nâng cao như bao tử tọa lạc chỗ nào, nướu răng nằm ở đâu… Hoàn tất lớp cơ thể học thì đến “học phần” nhận biết triệu chứng: đau, rát, xốn, cộm, tê, lạnh, nóng, ngứa, buồn nôn, nôn... Sau cùng kết nối triệu chứng với vị trí  (tùy trình độ trẻ, có thể tiếp tục lên lớp “cao học” như mô tả đau từng cơn hay liên tục)….
Tránh “râu ông này cắm cằm bà nọ”, phụ huynh nên bắt vào chính triệu chứng trẻ có. Chẳng hạn, nhân một lần trẻ rối loạn tiêu hóa, chỉ cho trẻ biết cảm giác đó là “đau bụng”. Tương tự khi trẻ gãi sồn sột trên đầu vì “cứt trâu”, hãy xác nhận đó là  “ngứa” (không phải đau) và vị trí là “da đầu” (không phải trong đầu).
Từng có việc một đứa trẻ ngứa đầu do bệnh ngoài da lại khóc ngằn ngặt, chỉ tay lên đầu và la làng… nhức đầu, làm phụ huynh một phen hoảng vía tưởng con bị… viêm não. Nên tận dụng trò chơi bác sĩ mà mười hết chín đứa trẻ ham thích để hướng trẻ trở thành một bệnh nhân thông thái.
Chính xác, cẩn thận, cơ bản và không ảo tưởng con bạn sẽ nhanh chóng trở thành một… “sinh viên năm thứ nhất” còn mặc tã. Mọi sai lầm y khoa, dù sơ đẳng nhất, cũng có thể gây hậu quả khó lường.
Bằng cố gắng và khéo léo, các ông bố bà mẹ chắc chắn nhận được phần thưởng xứng đáng từ khó nhọc và tình thương dành cho con mình. Và “học trò” của bạn, đứa con thân yêu của bạn, sẽ có thêm một thuận lợi nữa trong việc chống lại bệnh tật, khi bé có thể chỉ ra triệu chứng và tổn thương của mình.
Một đứa trẻ khai bệnh đâu trúng đó cũng chẳng thu lợi gì nhiều nếu cô cậu mắc tật sợ bệnh viện và “căm thù” bác sĩ. Do vậy, song song với lớp “đào tạo y khoa”, các bậc phụ huynh đừng quên mở lớp tâm lý, giúp trẻ bớt ác cảm với mấy vị mặc áo blouse, bớt hãi hùng với chiếc ống tiêm.
Sử dụng mọi phương tiện từ trò chơi, truyền hình, phim ảnh giúp bệnh nhi và thầy thuốc xích lại gần nhau. Hay nhất là giúp trẻ xem việc đến bệnh viện là một tất yếu của cuộc sống trẻ con, thậm chí một dịp khám phá càng hay.
Bắt tay vào việc gì cũng có người thành công, kẻ thất bại, thậm chí nếu cảm thấy không kham nổi thì không ai bắt các ông bố bà mẹ phải cố đào tạo con mình. Nhưng nếu được, hãy nghĩ đến cảnh con bạn ngọn ngành bảo: “Mẹ ơi, con nhức răng” thay vì lăn lộn, rên la, khóc thét không biết đâu mà lần.
Theo eva.vn