Sáp nhập VinaPhone và MobiFone: Mới chỉ là đề xuất

21/03/2012 06:48
Hân Ni
(GDVN) - Trả lời báo Giáo Dục Việt Nam, đại diện VNPT cho biết: việc sáp nhập 2 nhà mạng mới chỉ là phương án đề xuất, chưa có quyết định của Chính phủ.

Thông tin về việc sáp nhập 2 nhà mạng VinaPhone và MobiFone đang gây xôn xao dư luận đặc biệt là giới viễn thông. Trong cuộc họp báo chí mới đây, ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT đã khẳng định: sau khi sáp nhập, hai doanh nghiệp sẽ dùng chung hạ tầng, đầu số di động mà khách hàng đang sử dụng của VinaPhone và MobiFone vẫn được giữ nguyên.

Trả lời báo Giáo Dục Việt Nam, đại diện VNPT cho biết: việc sáp nhập 2 nhà mạng mới chỉ là phương án đề xuất, quyết định cuối cùng còn chờ vào ý kiến phê duyệt của Chính phủ trong thời gian tới.
Trả lời báo Giáo Dục Việt Nam, đại diện VNPT cho biết: việc sáp nhập 2 nhà mạng mới chỉ là phương án đề xuất, quyết định cuối cùng còn chờ vào ý kiến phê duyệt của Chính phủ trong thời gian tới.

Nhiều người tiêu dùng, nhất là những ai đang sử dụng mạng VinaPhone và MobiFone tỏ ra khá hoang mang, lo lắng và không ngừng tự hỏi: Không biết việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới quyền lợi của khách hàng?!.

Tuy nhiên, trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bưu điện, cũng là người phát ngôn của Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) lại cho rằng: Báo giới cũng như các khách hàng không nên rùm beng lên trước thông tin này. Vấn đề sáp nhập đã được đề cập nhiều từ một năm trước đó, mặc dù vậy, kết quả vẫn còn ở phía trước, bởi lẽ, quyết định cuối cùng phải chờ Chính phủ phê duyệt.

Ông Việt nói: “đây chỉ là ý kiến của riêng VNPT, ý kiến chủ quan của riêng doanh nghiệp, được sáp nhập hay không còn do Nhà nước quyết định”. Ông Việt nhấn mạnh: VNPT mới chỉ đang xây dựng phương án, soạn đề án tái cấu trúc gửi lên cho các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, khi nào Bộ Thông tin - Truyền thông, các ban ngành và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì  mới chính thức được sáp nhập.

Theo ông Việt: trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc sáp nhập sẽ mang lại nhiều lợi ích như tập trung được nguồn vốn đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ mạng lưới, nâng cao hiệu quả quá trình kinh doanh, khai thác, đồng thời đảm bảo lợi ích khách hàng (lợi ích trong nội bộ mạng với nhau, dịch vụ gia tăng của 2 mạng được chia sẻ nhiều hơn,…), vùng phủ sóng rộng hơn, chất lượng tốt hơn.

Nhiều ý kiến không đồng tình cho việc sáp nhập 2 nhà mạng: VinaPhone và MobiFone.
Nhiều ý kiến không đồng tình cho việc sáp nhập 2 nhà mạng: VinaPhone và MobiFone.

Tuy vậy, đó chỉ là mong muốn một chiều của VNPT, còn phía lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông xem ra còn nhiều ý kiến chưa đồng tình.

Bàn về vấn đề này, trang VnEconomy dẫn lời của ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông. Ông Hải nhận định: Nếu VNPT được sáp nhập 2 nhà mạng Vina và Mobi thì trên thị trường chỉ còn hai mạng di động lớn của Viettel và VNPT. Như vậy, thị trường viễn thông sẽ cạnh tranh không lành mạnh, thế chân vạc không được giữ vững, các mạng ngang tài ngang sức đi cùng thị phần tương đương nhau sẽ mất đi.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lại tỏ ra tiếc nuối với thương hiệu của MobiFone: giá trị thương hiệu của hai nhà mạng này rất lớn, đặc biệt là MobiFone, lên tới hàng tỷ USD, nếu nhập vào sẽ mất đi một thương hiệu và sẽ mất rất nhiều tiền. Phải có cách nào đó để cả hai mạng này ngày càng phát triển hơn – đó là điều mà ông Son hi vọng.

Còn đứng trên danh nghĩa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chia sẻ với báo giaoduc.net.vn, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cũng bày tỏ sự băn khoăn: Nếu sáp nhập tạo nên thế độc quyền hoàn toàn cho nhà mạng, khiến tính cạnh tranh ít đi, bên cạnh đó, tăng thêm sự áp đặt cho người tiêu dùng, các thuê bao thiếu sự lựa chọn, giảm đi các khuyến mại,… điều đó sẽ bất lợi cho người dân. Các cơ quan chức năng cần xem xét trước khi đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Ông Tuấn nhấn mạnh rằng: Không chỉ thị trường viễn thông mà các lĩnh vực khác cũng vậy, muốn phát triển bền vững, hiệu quả, phải có ít nhất 3 doanh nghiệp và có thị phần tương đồng thì mới tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh. “Khi Nhà nước tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều hơn thông qua sự cạnh tranh bình đẳng đó”.

Về phía người trong cuộc, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đã cố gắng liên hệ với 2 nhà mạng VinaPhone và MobiFone, tuy nhiên, cả 2 nhà mạng này đều từ chối nêu lên quan điểm của mình với lý do: đây là vấn đề tương đối nhạy cảm.

Đại diện truyền thông của MobiFone thẳng thắn nói rằng: Mọi thông tin sáp nhập giữa 2 nhà mạng, MobiFone không có ý kiến gì, chúng tôi hoàn toàn thực hiện theo chỉ đạo cấp trên chứ không đưa ra quan điểm trong vấn đề này.

Trong khi đó, theo lộ trình mà VNPT tiết lộ thì các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan cùng Chính phủ sẽ xem xét vấn đề sáp nhập này trong quý II/2012 và sau đó sẽ trình lên Thủ tướng phê duyệt.

Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Hân Ni