“Phản ứng lạnh lùng 2012”: Khó khăn và triển vọng của Nga ở Bắc Cực

22/03/2012 09:33
Trịnh Tuân (Theo Topwar)
(GDVN) - Bắc Cực không chỉ đang nóng dần lên do sự biến đổi khí hậu mà còn nóng lên bởi tình hình chính trị và quân sự tại khu vực ngày càng diễn biến phức tạp.

Từ ngày 12 đến ngày 21 tháng 3 năm 2012 tại Na Uy đã diễn ra cuộc tập trận quốc tế mùa đông “Cold Response 2012" (Phản ứng lạnh lùng 2012"), với sự tham gia của hơn 16.300 binh sĩ đến từ 14 quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Canada, Pháp và Hoa Kỳ.

Mục đích chính của cuộc tập trận là tiến hành "các hoạt động với cường độ cao để chống lại các mối đe dọa vào mùa đông”. Địa điểm cuộc diễn tập là khu vực phía bắc Na Uy khá gần với biên giới Liên bang Nga.

Cuộc tập trận khong thuần túy chỉ mang ý nghĩa quân sự mà nó còn theo đuổi mục tiêu chính trị - hai khía cạnh luôn song hành trong cuộc tập trận.

NATO ngày càng mở rộng bàn tay của mình đến khu vực Bắc Cực trong những năm gần đây và xem nó như một trong những khu vực chiến lược, không kém gì Trung Đông hay Châu Á – TBD.

Rõ ràng, Bắc Cực không chỉ nóng dần lên do sự biến đổi khí hậu mà còn nóng lên bởi tình hình chính trị và quân sự.

Các chuyên gia đã đưa ra những phân tích đánh giá về cơ hội của Nga tại khu vực quanh năm bị bao trùm bởi băng giá nhưng giàu tài nguyên này.

Liệu Nga có duy trì được sự ảnh hưởng đặc biệt của mình tại đây?  Làm thế nào để Nga có thể vừa duy trì ảnh hưởng của mình vừa không phải lao vào một chạy đua vũ trang tốn kém? Và làm thế nào để có thể theo kịp với quá trình phát triển mới ở Bắc Cực? Đây là những câu hỏi mà các chuyên gia quân sự, chính trị Nga đưa ra trong bối cảnh NATO đã “đặt dao” lên “đĩa bánh” Bắc Cực.

Tàu chiến các nước tham gia tập trận "Phản ứng lạnh lùng 2012"
Tàu chiến các nước tham gia tập trận "Phản ứng lạnh lùng 2012"

Cơn khát năng lượng đã lan tràn khắp các quốc gia đã khiến nhiều vùng lãnh thổ trở thành nơi tranh chấp có tính quốc tế.

Không chỉ ở Biển Đông, hiện nay ở Bắc Cực tình hình tranh chấp cũng diễn ra gay gắt, đòi hỏi một phương thức giải quyết đa phương.

Khó khăn của Nga

Việc hãng dầu khí khổng lồ Exxon Mobil (Mỹ) cùng với tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới Rosneft (Nga) mới đây ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về thăm dò và khai thác dầu khí tại Bắc cực một lần nữa đã làm nóng lên cuộc đua khai thác tài nguyên tại đây.

Thủ tướng Vladimir Putin của Nga lại đích thân chứng kiến việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Rosneft và Exxon Mobil tại một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Sochi (Nga) ngày 30-8.

Tầm quan trọng của sự hợp tác này không chỉ giới hạn trong nội dung của một hợp đồng kinh tế. Tổng giá trị của văn bản có tên là “Thỏa thuận Hợp tác chiến lược” chỉ vào khoảng 3,2 tỉ USD, không lớn so với một hợp đồng khai thác dầu khí tầm cỡ, nhưng tại sao sự kiện này khiến cả thế giới quan tâm?

Theo thỏa thuận ký kết, Exxon Mobil và Rosneft sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và thiết kế khai thác Bắc cực tại thành phố St. Petersburg.

Trung tâm do các nhân viên của hai công ty đảm trách với nhiệm vụ phát triển công nghệ mới phục vụ cho việc khai thác trong các dự án chung tại Bắc cực, trong đó có việc chế tạo các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí.

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Exxon Mobil cho thấy Nga đang đẩy nhanh tốc độ khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào ở Bắc cực, trước hết là dầu khí.

Động thái này đã dẫn tới những phản ứng và dư luận khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là hiện đang có tranh cãi về chủ quyền khai thác các nguồn tài nguyên tại Bắc cực.

Nga gặp nhiều khó khăn khi tham gia "sân chơi" Bắc Cực
Nga gặp nhiều khó khăn khi tham gia "sân chơi" Bắc Cực

Cho đến nay bước đi đáng chú ý nhất của Nga ở khu vực này là việc cắm quốc kỳ Nga dưới đáy biển Bắc Cực.

Sự kiện này diễn ra trong năm 2010 khi nhà thám hiểm nổi tiếng người Nga Artur Chilingarov cắm thành công lá cờ Nga xuống dưới lòng Bắc Cực.

Như được biết, việc cắm quốc kỳ là bằng chứng không thể chối cãi rằng vùng núi đá ngầm mang tên Lomonosov ở Bắc Băng Dương là phần tiếp nối của thềm lục địa Nga, và do đó nó thuộc về nước Nga.

Chưa đầy hai năm kể từ khi Nga tiến hành thám hiểm Bắc cực và thu thập được chứng cứ địa chất bổ sung để chứng minh biên giới trên thềm lục địa Bắc cực của nước này có thể được mở rộng thêm, đến nay năm nước Mỹ, Anh, Na Uy, Đan Mạch và Canada cũng đã đưa ra những đòi hỏi chủ quyền tương tự.

Triển vọng nào cho nước Nga ở khu vực Bắc Cực?

Tư lệnh Lục quân, tướng Alexander Postnikov hứa hẹn rằng đến năm 2015, quân đội sẽ thành lập một Lữ đoàn mới ở đây gọi là Lữ đoàn Bắc Cực. Nhưng trên thực tế, Bắc Cực là một vùng biển, và nhiệm vụ bảo vệ khu vực này phải thuộc về Hải quân.

Cựu Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng, Đô đốc Ivan Kapitanets cũng đã từng đề cập đến kế hoạch xây dựng hải quân trên các tuyến đường biển phía Bắc.

Đặc biệt, ông giải thích: "Trong tương lai, Bắc Cực sẽ trở thành một “sân khấu” mới của chiến tranh”. Các quyết định xây dựng lực lượng quân sự ở Bắc Cực là chính xác ".

Kapitanets tin rằng việc tăng khả năng chiến đấu trên các tuyến đường biển ở phía bắc hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Đô đốc này cho biết rằng, Hạm đội Biển Bắc cần phải được trang bị nhanh chóng và đầy đủ các tàu ngầm tên lửa chiến lược thế hệ thứ tư Borey (Proiject 955).

Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng tương lai của Bắc Nga là sự kết hợp quân sự-dân sự. Ngành công nghiệp phía Bắc nên kết hợp giữa khai thác năng lượng và phát triển công nghiệp quân sự.

Phát triển công nghiệp sẽ thu hút nhiều chuyên gia mới tới khu vực, trong số đó có các chuyên gia đến từ các nước đồng minh thuộc đại lục Á-Âu. Điều này không chỉ có tác động tích cực đến tính chất của việc hội nhập Á-Âu, mà còn tác động tích cực đến việc cân đối nguồn nhân lực trong khu vực Bắc Cực.

Theo các chuyên gia, phương thức sản xuất mới nhất mà Nga nên hướng tới đó là xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và các công trình trên mặt nước với các thiết bị chạy bằng năng lượng nguyên tử.

Việc xây dựng cơ sở vật chất như vậy sẽ góp phần giải quyết tốt các vấn đề bảo trì, bảo dưỡng từ xa, kéo dài tuổi thọ của các tàu chiến trong hạm đội và tăng cường sự hiện diện của chúng trên vùng biển phía Bắc.

Như vậy, triển vọng của Nga ở Bắc Cực chính là sự kết hợp giữa quân sự và dân sự.

Nga cần phải xây dựng ở đây một cơ sở hạ tầng vững chắc, mở rộng các thị trấn và làng mạc, có chính sách tuyên truyền, vận động và hỗ trợ xã hội đối với người dân khiến cuộc đời họ, từ thế hệ này sang thế hệ khác, luôn có một mối ràng buộc chặt chẽ với Bắc Cực.

Trịnh Tuân (Theo Topwar)