Tôi đã cố gắng không để con thành "gà công nghiệp" nhưng...

13/06/2011 00:44
Cháu lao tới ôm trụ điện. Lúc đó tôi có cảm giác muốn rớt tim khi thấy cái trụ điện đó bị mất nắp lòi ra một búi dây xanh đỏ chằng chịt được quấn cẩu thả.

Lâu nay, khi thấy báo chí đưa tin những tai nạn xảy ra với những đứa trẻ hay những gia đình, tôi đã không còn đọc diễn tiến vụ việc, chỉ dám ngó sơ xem nó xảy ra ở đâu, tai nạn hình thức nào, để biết và tránh.

Trong những ngày qua, khi vụ chìm tàu nhà hàng Dìn Ký ở Bình Dương xảy ra, mỗi lúc dừng lại công việc máy tính, ghé vào mấy trang mạng tin tức, tôi lại thấy liên tục những tựa bài viết, thông tin cập nhật đau lòng, nhưng không dám click vào đó để đọc bài.

Thú thực là tôi sợ. Tôi không dám đối diện với sự bất an khi mà đứa con bé bỏng của tôi đang không ở bên cạnh mình.

Tôi thổ lộ chuyện đó với đồng nghiệp. Bạn đồng nghiệp trấn an rằng tai nạn đó chỉ là sự hy hữu. Nhưng tôi không thấy yên tâm. Đúng là hy hữu, nhưng sao cái sự hy hữu lúc này muôn hình vạn trạng, bủa vây những đứa trẻ, những bà mẹ, những gia đình như tôi.

Chẳng có gì khó khăn nếu chúng ta muốn tìm kiếm thông tin về những tai nạn xảy ra với trẻ em, chỉ cần Google là có cả triệu thông tin. Với tôi, rà lại sơ sơ trí nhớ, đã thấy lập tức những vụ việc ám ảnh. Này, bé gái lớp 4 đụng vào máy ATM bị điện giật chết. Kia, một bé trai đi xe đạp khi đường ngập nước bị điện giật chết. Rồi lại một em bé lọt hố ga chết. Vừa mới đây, hai mẹ con chết thảm trên sông vì bị trụ bêtông rớt trúng. Còn những vụ tai nạn giao thông thương tâm cướp đi sinh mạng của cả gia đình, thì ngày nào cũng có trên mặt báo. Những tai nạn đó không phải từ trên trời rơi xuống.

Ảnh: Na Sơn (theo SGTT)
Ảnh: Na Sơn (theo SGTT)


Tôi nhớ, thời tôi lớn lên những năm 90 chưa cách đây bao xa, những tai nạn xảy ra với đám trẻ cùng lứa tuổi rất hy hữu, chết đuối do tắm sông tắm hồ trong mùa hè, bám theo xe ben chở đất cát bị xe cán. Lâu lắm mới có một trường hợp tai nạn như thế, nhưng cũng đủ để cả khu phố rúng động và nỗi ám ảnh đeo theo bọn trẻ cả tháng trời.

Bọn trẻ ở khu phố, cũng như tôi, lớp 1 tự đi bộ tới trường không có cha mẹ đưa đón. Sáu, bảy tuổi có thể tự đi chợ gần nhà mua giúp mẹ bó rau, cọng hành. 11, 12 tuổi tự đi xe đạp tới trường, tới trung tâm văn hoá thiếu nhi học ngoại khoá.

Mang theo ký ức bình an đó, khi tôi lập gia đình và có con, dù môi trường sống đã thay đổi, nhưng tôi vẫn cố gắng lên kế hoạch để ít nhiều con được va chạm dạn dĩ, thích nghi với đời sống. Tôi muốn con mình năm, sáu tuổi có thể chơi một mình ở bên ngoài, mười tuổi có thể tự đến trường bằng xe buýt, 13, 14 tuổi có thể tự đi xe đạp ở những con đường ít xe cơ giới.

Nhưng viễn cảnh tốt đẹp (hay viển vông) ấy bị tan tành ngay lúc con tôi ba tuổi. Hôm đó tôi cho con chơi ở sân vườn chung cư. Tôi giữ cự ly cách con chừng năm mét để cháu chơi chạy tuỳ thích. Chơi được vài phút, cháu lao tới ôm trụ điện. Lúc đó tôi có cảm giác muốn rớt tim khi thấy cái trụ điện đó bị mất nắp lòi ra một búi dây xanh đỏ chằng chịt được quấn cẩu thả như đống bùi nhùi. Ơn trời cái trụ điện đó chưa bị điện dò, nếu không tôi đã mất con.

Khi đã hoàn hồn và biết con mình an toàn, tôi ngó lại một lượt toàn bộ cái sân chung cư, tất cả các trụ điện đều mất nắp (ngay cả bây giờ cũng có thể gặp trụ điện mất nắp ở bất kỳ đâu). Ở đó mặc dù là khu vực sân gồm thảm cỏ, vườn hoa, bao quanh là vỉa hè, ghế đá dành cho người đi bộ, ngồi chơi, nhưng cứ vài phút lại thấy một chiếc xe hơi leo lề chiếm phân nửa vỉa hè làm chỗ đậu. Tôi nghĩ hoàn toàn không ổn nếu sểnh con mình ra vài giây, chẳng hạn nó đang chạy trên hè mà có một chiếc xe hơi leo lề là tai nạn với con tôi có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Và kế hoạch của tôi dành cho con cứ lần hồi phá sản. Làm sao tôi có thể cho con tắm mưa khi mà đã có người thiệt mạng vì nước ngập làm dò điện. Làm sao tôi dám cho con đi bộ một mình (kể cả trên hè) khi thấy lũ choai choai chạy xe gắn máy bạt mạng trên đường, rồi vài ngày lại có tin “xe điên” leo lề húc chết người.

Con tôi bây giờ tám tuổi, không thể tự đi ra chợ gần nhà mua giúp mẹ cọng hành, chưa một lần băng qua đường (dù đường nhỏ có kẻ sơn đường dành cho người đi bộ) nếu không có người lớn đi kèm, biết đi xe đạp nhưng chỉ được phép đi ở hành lang chung cư, chưa một lần tắm mưa, đến ve sầu, dế hay con ốc sên chỉ được biết qua sách báo băng đĩa.

Và mùa hè này, con tôi chắc chắn sẽ được sung vào đội quân “gà công nghiệp” đi học các khoá kỹ năng sống tốn kém, mà ngay bản thân tôi cũng không dám chắc sau khi cháu “tốt nghiệp” các khoá học đó có được gia đình tôi “buông” cháu ra hay không.

Khi tôi mang tâm sự này lên một diễn đàn trên mạng dành cho các bà mẹ, thật không ngờ nó trở thành một chủ đề được rất nhiều người cùng hoàn cảnh hưởng ứng. Không chỉ riêng tôi nuôi con theo kiểu “úm”, mà việc đó đã trở thành phổ biến trong xã hội.

Tôi đã thử làm một thăm dò nhỏ với chín bà mẹ có con ở độ tuổi học cấp ba với câu hỏi trong một phạm vi rất hẹp: cháu tự đi đến trường hay người nhà đưa đón/lý do/nếu cháu chưa tự đi đến trường thì bao giờ sẽ được cha mẹ cho tự đi? Kết quả: 7/9 cháu được gia đình đưa đón; 2/9 cháu còn lại xe buýt đưa đón tại cửa nhà. Tất cả chín bà mẹ đều có chung lý do là không thể yên tâm để con tự đi một mình. 6/9 bà mẹ trả lời “từ từ tính” cho câu hỏi bao giờ thì cháu được tự đi tới trường.

Cuộc thăm dò nhỏ của tôi có thể không có nhiều ý nghĩa hoặc thông điệp xã hội, nhưng nó cho tôi một nhận định, ngay cả những bà mẹ có con lớn tuổi hơn con tôi, cũng không có cách nào khác để giữ an toàn tính mạng cho con mình trong môi trường sống hiện nay bằng cách “úm” con.

Nhận định đó, không phải để tôi có được cảm giác an ủi khi mình giống với số đông, mà để tôi tiếp tục đặt ra câu hỏi, chúng ta đang sống trong hoàn cảnh nào, có lựa chọn nào khác không, có giải pháp nào tốt hơn không? Và điều cuối cùng là điều tôi thắc mắc mà chưa có lời giải đáp, tại sao đất nước kinh tế phát triển, đời sống vật chất của chúng ta được cải thiện, thì sự an toàn của môi trường chúng ta đang sống lại càng giảm?

Theo Bảo Linh (SGTT)