12 quốc gia bị trừng phạt vì không cắt giảm nhập khẩu dầu Iran

22/03/2012 15:10
Nguyễn Hường (theo RT)
(GDVN) - Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiết lộ danh sách của 12 quốc gia có thể phải chịu lệnh trừng phạt tài chính từ Mỹ do không cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiết lộ danh sách của 12 quốc gia có thể phải chịu lệnh trừng phạt tài chính từ Mỹ do không cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran theo đề nghị.


Số lượng các quốc gia có thể bị trừng phạt đã được công bố từ ngày 20/3 nhưng tên của các quốc gia này không được tiết lộ.

Trong cùng ngày này, Washington tuyên bố miễn hình phạt cho Nhật Bản và 10 quốc gia EU đã  tuân thủ các yêu cầu Mỹ và giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. 
Bốn trong số các quốc gia nằm đầu danh sách khiến Mỹ không hài lòng là các quốc gia nằm trong top 100 bạn hàng mua dầu thô lớn nhất của Iran. Họ là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi trong đó hai quốc gia đầu tiên là nhập khẩu nhiều nhất.
Các mục tiêu sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt về tài chính còn lại có thể là Indonesia, Malaysia, Pakistan, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới truyền thông quốc tế, Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể yêu cầu các ngân hàng Mỹ có trụ sở tại những quốc gia trên đóng cửa hệ thống giao dịch tài chính với nước này.
Nhưng mặt khác, ông Obama cũng có thể miễn trừ cho một số quốc gia trong danh sách trên nếu tình hình an ninh quốc gia đòi hỏi điều đó. Bởi vậy, theo dự đoán của các nhà phân tích, các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc hoặc Philippines có thể không bị ảnh hưởng.
Mỹ đang cố vận động các nước ngừng và giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran nhằm gây sức ép lên chương trình hạt nhân của nước này.  Các nước phương Tây nói rằng Tehran có thể đang cố gắng chế tạo vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự.
Tehran đã bác bỏ những lời cáo buộc. Các thành viên Liên Hợp Quốc gồm Nga và Trung Quốc cũng cho rằng không có bằng chứng nào chứng minh tuyên bố trên của phương Tây và phản đối lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Iran.
Trong khi đó, lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đang khiến các nhà đầu tư lo ngại sẽ đẩy giá dầu mỏ lên cao mức kỷ lục trong những tháng tới do nguồn cung cấp bị giảm mạnh. IMF cảnh báo, rằng nếu nguồn cung cấp dầu thô từ Iran đột ngột bị cắt, cú sốc về giá cả của dầu mỏ sẽ là một đòn nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.
Nguyễn Hường (theo RT)