Giải mã hiện tượng tự tử ở học sinh

23/03/2012 08:49
Bích Thảo (thực hiện)
(GDVN) - Liên tiếp trong thời gian vừa qua dư luận chưa hết bàng hoàng khi nữ sinh Thái Bình tự tử lại đến 3 em học sinh lớp 7 ở Đăk Nông quyên sinh. Th.s, bác sĩ tâm lí Nguyễn Thị Hồng Thúy bác sĩ khoa Tâm bệnh bệnh viện Nhi Trung ương giải mã hiện tượng này.
Trẻ thiếu kĩ năng sống nguy cơ quyên sinh cao

Bác sĩ có thể phân tích một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng học sinh liên tiếp tự tử trong thời gian vừa qua?

BS Hồng Thúy: Tâm thần học chúng tôi phân chia nguyên nhân tâm lí và bệnh lí. 

Tâm lí là do hoàn cảnh bên ngoài tác động đến tình cảm, cản xúc của các em. Trẻ bị khủng hoảng về tâm lí như khi phải những tác động tiêu cực từ xã hội: bị thầy cô bạn bè chế giễu, dồn ép… khiến trẻ không đủ sức chống đỡ nên tìm đến cái chết.

Nhiều trẻ lại tìm đến sự quyên sinh vì bị ngược đãi đến thể xác cũng như tinh thần của trẻ. Những trẻ không có khả năng đối phó với tình huống hoàn cảnh sẽ dễ tự mình giải quyết bằng cách tự sát.

Bệnh lí là do các em mắc phải các chứng bệnh như rối loạn tâm thần, tinh thần bị suy nhược, mắc chứng bệnh hoang tưởng…

Trẻ thiếu kĩ năng sống dễ có nguy cơ tiềm ẩn ý định tự sát
Trẻ thiếu kĩ năng sống dễ có nguy cơ tiềm ẩn ý định tự sát

Thưa bác sĩ đâu là căn nguyên chính khiến trẻ tìm đến cái chết?

BS Hồng Thúy:
Đó chính là do trẻ thiếu hiểu biết xã hội, thiếu mối liên kết giữa cá nhân với cộng đồng. Trẻ không biết cách vượt qua những khủng hoảng cả về tự thân lẫn những tác động từ bên ngoài như thế nào. 

Như chúng ta vẫn gọi đó là những đứa trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ, mọi quyết định còn non dại.

Nhưng nói như thế cũng không thể đổ lỗi tất cả cho các em được. Vì đơn giản là các em còn nhỏ, kinh nghiệm sống còn ít lại không được dạy dỗ và trang bị những kiến thức sống một cách đầy đủ. 

Đôi khi gia đình và nhà trường bao bọc, cấm đoán các em quá cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị hạn chế những mối giao tiếp với xã hội vì thế mà càng thiếu đi kĩ năng sống. 

BS Hồng Thúy: Một khi những đứa trẻ không tìm được sự đồng cảm từ gia đình hay nhà trường thì chúng thường có xu hướng tìm đến với những đứa có cùng tâm trạng. Khi một đứa có những chán nản trong cuộc sống thì chúng lại có thể gây được đồng cảm của cả nhóm. Vì vậy mà không ít những em chán nản đã gây ra hiệu ứng cho cả nhóm. 

Những đứa trẻ đó lại rất thân thiết với nhau, có thể giữa chúng có những thề nguyền sống chết cùng nhau chẳng hạn, cũng là một trong những nguyên nhân mà trẻ tìm đến cái chết.

Lứa tuổi nào là dễ có nguy cơ tự sát nhất thưa bác sĩ?

BS Hồng Thúy: Tự sát thì không theo độ tuổi nào nhất định. Nhưng nó có những giai đoạn mà con người dễ mắc phải khủng hoảng. 

Độ tuổi vị thành niên: muốn khẳng định mình, nhưng tiếng nói của trẻ lại không được lắng nghe đúng theo ý muốn của trẻ…Trẻ thiếu kĩ năng sống và cách ứng xử với khủng hoảng.

Giai đoạn bắt đầu bước chân vào cuộc sống.

Độ tuổi lập gia đình với những khó khăn trong hôn nhân và trong cuộc sống.

Rồi độ tuổi trung niên khi bị những cú sốc tâm lý như thất bại trong hôn nhân hay trong công việc.

Dấu hiệu nhận biết người có nguy cơ định tự sát
Tại sao trẻ lại có hướng giải quyết những khó khăn bằng cách quyên sinh?

BS Hồng Thúy: Không phải chỉ trẻ em mới tìm đến cách quyên sinh để giải quyết khủng hoảng mà còn có rất nhiều người lớn đã đứng tuổi cũng vẫn “chưa lớn” trong việc tìm cách vượt qua khó khăn.

Với những người gặp khó khăn trong cuộc sống đến mức họ cảm thấy mình không còn đủ nghi lực vượt qua thì họ nghĩ rằng chết sẽ là hết, sẽ giải thoát cho họ.

Còn với trường hợp trẻ tự sát vì muốn được khẳng định mình, muốn chứng minh cho người khác biết rằng mình không làm sai chuyện gì cả, hoặc muốn dằn vặt báo thù ai đó bằng cái chết của chính mình.

Trầm cảm, tự tin là những biểu hiện người có nguy cơ ý định tự sát
Trầm cảm, tự tin là những biểu hiện người có nguy cơ ý định tự sát

Người xung quanh có thể nhận biết biểu hiện sớm của trẻ có nguy cơ tự sát cao như thế nào?

BS Hồng Thúy: Trường hợp người đã từng có ý định tự tử, từng nói ra hoặc có hành động tự tử không thành luôn cần được quan tâm cũng như đưa đi chuyên gia tâm lí sớm.

Những trẻ bị trầm cảm là nhóm đầu tiên nên được gia đình và người xung quanh chú ý để mắt tới. 

Khi trẻ có biểu hiện sụt cân nhanh chóng, chán ăn, chán nản, lo lắng, không giao tiếp với người khác, tự ti về bản thân mình cũng cần để mắt đến.

Vậy quan điểm của bác sĩ về việc giải quyết vấn đề bằng cách tự tử như thế nào?

BS Hồng Thúy: Trong bất kì trường hợp nào thì chúng ta cũng không nên nghĩ đến việc tự sát. Vì tự sát là trốn tránh, là hèn nhát, chỉ có thể chứng minh rằng  bản thân người đó kém cỏi và không có bản lĩnh.

Cuộc sống còn rất nhiều điều tốt đẹp, khó khăn, khủng hoảng lúc này rồi cũng sẽ qua. Mọi thứ sẽ dần tốt đẹp hơn. Do đó, bất kì ai cũng phải biết trân trọng cuộc sống của chính mình. 

Các em học sinh thì còn có cả một quãng đường tươi đẹp phía trước đừng vì một phút nông nổi mà phí hoài cuộc sống, làm khổ chính mình và người thân.
Bích Thảo (thực hiện)