GS.Đặng Hùng Võ hiến kế cho Bộ trưởng Thăng

26/03/2012 07:27
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Chúng ta đừng có nhìn ô tô một cách thiếu thiện cảm như vậy, không thể chống ùn tắc bằng cách hạn chế ô tô. Nếu làm vậy, chẳng khác nào chúng ta tiến lên bằng cách… đi bộ".

Chống ùn tắc giao thông đô thị và tìm nguồn đầu tư, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng luôn là vấn đề khiến cho Bộ trưởng Thăng đau đầu. Mới đây, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra “con đường sáng” cho vị Tư lệnh thứ 13 của ngành GTVT, bên lề cuộc hội thảo “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội”.

- Thưa GS. Đặng Hùng Võ, nhiều quốc gia đã áp dụng việc thu thuế đất và nhà ở để đầu tư cho hạ tầng. Tuy nhiên, chúng ta thì vẫn đang thu thuế đất ở mức thấp và loay hoay với bài toán thu phí các loại phương tiện. Theo ông, chúng ta có nên thay đổi căn bản tư duy này?

- Ở các nước tiên tiến, sử dụng thuế nhà đất để đầu tư cho hạ tầng là một cách làm phổ biến và hiệu quả, còn chúng ta hiện nay thì đang theo hướng thu phí. Phí sử dụng đất của ta hiện chỉ có 0,03%, mức này quá thấp. Tôi cho rằng nên thu cao lên theo giá thị trường, tức là anh sử dụng đất có giá trị thấp thì nộp thuế thấp, còn ở nơi nào đất có giá trị cao thì nộp nhiều. Tôi nghĩ như vậy là công bằng, chứ không nên đánh đồng tất cả.

GS.Đặng Hùng Võ: Nên dùng thuế đất đầu tư cho hạ tầng thay vì loay hoay với bài toán thu phí
GS.Đặng Hùng Võ: Nên dùng thuế đất đầu tư cho hạ tầng thay vì loay hoay với bài toán thu phí

Chúng ta cũng nên đánh trên thuế nhà, là bởi vì nếu không đánh thuế nhà thì nghĩa là một cái nhà rất lớn, chứa được rất nhiều người cũng chỉ như một cái nhà thấp tầng. Đánh thuế này là để mọi người đều có trách nhiệm đóng góp cho hạ tầng, các cư dân sống trong một khu nhà cao tầng cũng có nghĩa là họ sử dụng hạ tầng và dịch vụ công cộng như những người khác.

Tôi đã thấy có những ý kiến đề xuất nên bỏ khung giá đất của Chính phủ hay nói cách khác là dồn trách nhiệm cho các tỉnh, bởi làm như vậy thì giá trị của đất đai mới thực sự bám sát thị trường. Với tình hình hiện tại của Hà Nội và TP.HCM, khi các nhà báo hỏi rằng tại sao giá cao nhất cũng chỉ là 81 triệu và bây giờ là 86 triệu, thì các nhà quản lý sẽ trả lời ngay rằng là do khung giá của Chính phủ nên chỉ được vậy thôi, ở các tỉnh có tính thêm thì cũng không vượt quá 20%, mà như vậy thì chưa đúng với giá trị thị trường.

Nếu chúng ta làm được việc này thì đây sẽ là nguồn thu rất lớn để đầu tư cho hạ tầng, đồng thời cũng sẽ giảm tải được chuyện tăng dân số tại Hà Nội, nhất là những khu vực trung tâm. Đây là cách chúng ta giảm tải dân cư lên hạ tầng hiện có của Hà Nội và TP.HCM.

- Dường như, "công cụ quản lý" này lâu nay đang bị lãng quên, thưa ông?

- Tôi cho rằng, chúng ta đang bỏ quên công cụ quản lý đắc lực này, và đang gánh phải những áp lực rất lớn về dân cư lên cơ sở hạ tầng yếu kém, mà không cải tạo mở rộng được. Thí dụ như trong khu lõi của Hà Nội, kiểu gì thì kiểu chúng ta cũng khó mà mở rộng được hạ tầng, bởi vì đường xá có vậy thôi, nhà cửa có vậy thôi, chất thải dân cư lại nhiều thì khó khăn sẽ liên tiếp nảy sinh.

Đây cũng là câu trả lời mà Bộ trưởng Đinh La Thăng rất trăn trở là làm thế nào chống ùn tắc ở các đô thị lớn, nhất là giờ cao điểm, đó là chúng ta hoàn toàn có thể dùng thuế đất, thuế nhà ở vào việc xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, chúng ta đừng có nhìn ô tô một cách thiếu thiện cảm như vậy, bởi vì sáng ra các bạn có thể nhìn thấy ùn tắc chủ yếu là do xe máy đấy chứ. Ô tô là một phương tiện mà chúng ta cần có để đi lên Chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không thể chống ùn tắc bằng cách hạn chế ô tô. Nếu làm vậy, chẳng khác nào chúng ta tiến lên Chủ nghĩa xã hội bằng cách… đi bộ.

- Nếu bỏ khung giá cũ thì nên làm thế nào để thu thuế đúng và đủ theo giá trị thị trường, thưa Giáo sư?

Nghi ngờ xăng “rởm” chưa đền bù, chủ cây xăng đã “chạy làng”

Nghi ngờ xăng “rởm” chưa đền bù, chủ cây xăng đã “chạy làng”

Yêu cầu trình bệnh án của bà Diệu Hiền

Yêu cầu trình bệnh án của bà Diệu Hiền

Những điều mà con cái chúng ta có thể không biết đến (P4)

Những điều mà con cái chúng ta có thể không biết đến (P4)

- Đối với thuế sử dụng đất thì mức đang áp dụng 0,03% là quá thấp, đáng lẽ cần phải điều chỉnh mức thu lên cao hơn, để sử dụng phần thu đó cho phát triển hạ tầng. Còn đối với các hợp đồng mua bán nhà thì giá bao giờ cũng rất thấp, thậm chí mọi người còn cố gắng ghi giá còn thấp hơn bảng giá của các cơ quan cấp tỉnh. Đây là một hành vi trốn thuế, mức khai ấy gây thất thoát cho nhà nước.

Về việc này, chúng ta cần có cơ chế mà cụ thể, nên học kinh nghiệm của nước ngoài về việc đăng ký giá đất, về quyền tiên mãi của Nhà nước theo giá trị hợp đồng, điều đó sẽ khiến người dân không thể khai gian dối. Đừng để một cơ chế là những người thực hiện thủ tục hành chính  dối trá mà gần như được đương nhiên thừa nhận việc dối trá đó. Tôi cho rằng đấy là việc rất lớn, giải quyết được như vậy chúng ta mới giải quyết được việc định giá đất bằng thị trường.

Xin nêu hai thí dụ cụ thể: Để xác định giá bằng giá thị trường thì Đài Loan yêu cầu người dân tự đăng ký giá đất và nhà nước có quyền tiên mãi, tức là nhà nước có quyền mua. Vì vậy, người dân luôn phải đăng ký ở giá thật, thậm chí còn cao hơn một chút. Thí dụ thứ hai là ở Pháp, họ cho đăng ký hợp đồng, tức là hợp đồng chuyển nhượng phải đăng ký với cơ quan Nhà nước, trong vòng 5 ngày mà Nhà nước không có ý kiến gì thì thế thực hiện, còn trong 5 ngày đó Nhà nước quyết định mua theo giá trên hợp đồng thì những ai khai gian sẽ phải chịu thiệt. Đó là cách xác định giá trên hợp đồng luôn luôn bằng giá thị trường.

Câu chuyện mà tôi muốn đề cập là hãy xây dựng hạ tầng bằng thuế chứ đừng dùng phí, bởi vì vấn đề tắc đường là do tất cả mọi người đều sử dụng con đường ấy. Ô tô sử dụng nhiều hơn xe máy, vậy thì cùng lắm nếu anh có thu thì một cái ô tô 4 chỗ thì bằng 4 cái xe máy, tức là chúng ta đừng ác cảm với ô tô. Chúng ta không nên tính đến việc thu thêm các loại phí nữa, bởi vì hiện nay ô tô, xe máy đều chịu nhiều loại phí rồi. Hơn nữa, những khu vực trung tâm trong Hà Nội, nếu không muốn ô tô vào thì có thể áp dụng hình thức khác, đó là thu phí điểm đỗ cao, rồi khi hệ thống phương tiện công cộng thực sự tốt thì có thể cấm hẳn ô tô vào trung tâm. Nhưng cũng đừng đẩy vấn đề tới mức như hiện nay là cấm đỗ xe ở các phố trung tâm, trong khi giao thông tĩnh của thành phố thì đã quá kém, chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Bây giờ lại cấm không cho đỗ xe hết như vậy thì sẽ khiến cho người dân bức xúc, nghĩa là cứ ra lệnh cấm cho được còn nhu cầu của người dân thế nào thì chưa tìm ra cách giải quyết.

- Như vậy việc Bộ Giao thông đề xuất thu phí lưu hành với xe cá nhân cũng sẽ không chống được ùn tắc, thưa Giáo sư?

- Không thể chống được ùn tắc, mà hơn nữa nó còn dẫn tới việc thị trường ô tô ở nước ta sẽ suy giảm. Bây giờ ra đường có thể thấy là tắc đường giờ cao điểm phần nhiều là do xe máy chứ đâu phải quy chụp cho ô tô con được. Nếu cần thiết, ở các khu phố cổ nên cấm hẳn ô tô vào đó, vì đường thì quá nhỏ, mật độ dân cư đông, cứ hai ô tô tránh nhau là ùn một đoạn dài. Tuy nhiên, cấm đầu vào thì phải có đầu ra, tức là phải có phương tiện công cộng, chứ không thể bắt người dân đi bộ.

Ngay cả với chuyện thu phí thì các cơ quan nhà nước cũng cần tính toán kỹ lưỡng, tạo điều kiện cho nhân dân. Tôi nói thí dụ như Malaysia, người ta có con đường rất đẹp theo hình thức BOT, bên cạnh đó vẫn có những con đường công cộng, ai muốn đi chậm thì vào con đường công cộng đi, ai muốn đi nhanh thì vào con đường thu phí. Như vậy, họ vẫn tạo điều kiện để người dân có quyền lựa chọn. Người nghèo thì vào con đường đi chậm, còn người giàu muốn đi nhanh thì vào con đường trả phí.

- Giáo sư đã nói nên tư duy theo hướng dùng thuế xây dựng hạ tầng chứ không nên dùng phí. Nói như vậy cũng có nghĩa là trách nhiệm đầu tư vào hạ tầng chính là thuộc về người dân, thưa Giáo sư?

- Đúng vậy, đây là trách nhiệm của người dân. Thế nhưng hiện nay chúng ta cứ mặc nhiên coi đó là trách nhiệm của Nhà nước, và Nhà nước phải cò cổ ra làm, thu từ các khu vực khác hoặc lấy ODA để làm.

Tôi cho rằng, quan điểm về thuế của chúng ta nó bị lệch lạc, chính vì vậy mà chúng ta phải lấy ngân sách từ các nguồn thu khác. Thậm chí, chúng ta vay ODA để phát triển hạ tầng trong khi đáng lẽ người dân phải tự lo phát triển hạ tầng bằng việc thuế đánh vào bất động sản bằng mức đáng kể, bằng cái mức phù hợp với phát triển hạ tầng. Ở các nước phát triển người ta tính cái mức thuế này từ 1-2% nhân với giá trị đất trên thị trường (giá đất thực của thị trường) là đủ để phát triển hạ tầng. Chúng ta cũng nên tư duy theo hướng đó thì đỡ  phải tìm cách khác vòng vèo.

Bên cạnh đó, hiện nay cơ chế công tư hợp tác mà chúng ta gọi là PPP phát triển khá mạnh và nó đảm bảo được tính đóng góp của người dân, nhất là đóng góp về đất đai rất lớn, thì hiện nay chúng ta mới bắt đầu nghiên cứu và nội dung của nó chưa động chạm được đến những vấn đề thực tế. Tôi cho rằng, cần đưa vào cơ chế này những yếu tố minh bạch, vì nó bao gồm cả BOT , BTO, BT, mà trong đó hiện nay chúng ta đang thực thi hiện nay một việc không đúng đó là BT: khoác cho cơ chế một cái áo mới là đổi đất lấy hạ tầng, đầy khuyết tật trước đây. Chúng ta đang để cho những việc trái pháp luật như vậy xảy ra, bởi vì luật đất đai trước đây đã không cho phép đổi đất lấy hạ tầng.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!                               

Điểm nóng:
Chùm ảnh: Rộ mốt chơi nhà… “giả cổ” bạc tỷ của đại gia Hà Thành

Chùm ảnh: Say với vẻ bình dị của làng quê Việt

Những điều mà con cái chúng ta có thể không biết đến (P3) "Xế hộp" Lexus bốc cháy dữ dội khi đang chạy

Ép con uống thuốc độc khi bị chồng bắt gặp ngoại tình

Kiểm điểm các nam sinh diễn cảnh “phòng the” trên bục giảng

Nổ lớn tại công ty ở Thái Bình, 11 người bỏng nặng

Cận cảnh "lăng mộ" dành riêng cho chó, mèo lớn nhất Việt Nam

Ngọc Quang (Thực hiện)