Chuyên gia Iran: Tehran có thể nhượng bộ nhưng không khuất phục

26/03/2012 19:00
Nguyễn Hường (theo Tân Hoa Xã)
(GDVN) - Việc phương tây thắt chặt lệnh trừng phạt có thể khiến Iran phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới. >> Có thể bạn quan tâm: Hạm đội Nam Hải tập trận bắn đạn thật
Việc phương Tây thắt chặt lệnh trừng phạt có thể khiến Iran phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với nhóm G5+1 - Tân Hoa Xã ngày 26/3 dẫn lời một chuyên gia Iran cho biết.

Iran có thể sẽ nhượng bộ, nhưng không phải các yêu cầu của Mỹ


Sau khoảng hơn một năm dài bế tắc trong đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, giữa tháng 2 vừa qua, Tehran đã gửi câu trả lời cho lá thư được gửi từ tháng 10/2011 của Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton về việc nối lại các đàm phán hạt nhân.
Theo tuyên bố của ông Ashton sau đó, năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cộng cùng với Đức (G5 +1) đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.
Các nguồn tin khác nhau cho biết, vòng đàm phán đầu tiên giữa Tehran và các nước G5+1 sẽ được bắt đầu trong tương lai gần mặc dù  địa điểm và thời gian cụ thể vẫn chưa chính thức được công bố.
Theo phân tích  của tiến sĩ Sadeq Zibakalam, giáo sư khoa học chính trị thuộc trường Đại học Tehran, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tân Hoa Xã thì có thể Iran sẽ nhượng bộ một số điều khoản trong cuộc đàm phán sắp tới do phải đối mặt với ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng từ việc phương Tây thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế.

Iran tuyên bố có “khả năng bí mật” để đối phó với kẻ thù

Iran tuyên bố có “khả năng bí mật” để đối phó với kẻ thù

(GDVN) - Iran sẵn sàng công khai công nghệ nhạy cảm, cơ sở hạt nhân và quân sự, nhưng cũng phụ thuộc vào khả năng đạt được thỏa thuận giữa Iran và IAEA.

"Có nhiều lý do (khiến Tehran có thể nhượng bộ). Do tác động của các lệnh trừng phạt, đặc biệt là các hình thức xử phạt đối với ngân hàng trung ương của Iran, khiến Tehran gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu và xuất khẩu dầu mỏ" - ông Zibakalam nói.
Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, Iran sẽ không chấp thuận mọi yêu cầu của Mỹ. 
Nhượng bộ "không có nghĩa là Iran sẽ giơ cao tay và nói rằng chấp thuận mọi yêu cầu của Mỹ" - ông Zibakalam nói thêm rằng "Iran chỉ sẵn sàng nhượng bộ khi G5+1 cũng nhượng bộ lại".
Theo bản báo cáo mật của IAEA bị rò rỉ hồi tháng Hai, nước cộng hòa Hồi giáo đã đẩy nhanh tiến độ làm giàu uranium mức độ cao trong vài tháng qua và tổ chức này đã bày tỏ lo ngại về việc Iran có thể đang vũ khí hóa chương trình hạt nhân của mình. Bản báo cáo còn nói rằng Iran không hợp tác với đoàn đại biểu cấp cao của IAEA trong 2 chuyến thăm gần đây. 
Zibakalam cho biết, cách để giải quyết các bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran từ lâu nên được tiến hành theo kiểu xây bậc "từng bước một".
"Đó là (quá trình) từng bước một. Iran đi một bước. G5+1 đi một bước. Sau đó, Iran lại đi một bước" - giáo sư Zibakalam nói.
Cũng theo ông, mọi động thái nào quá mức đều có thể dẫn tới sự thất bại của các cuộc đàm phán: "nếu Mỹ, trong quá trình đàm phán, bắt đầu đòi hỏi những điều mà Iran tìm thấy... không hợp lý, sau đó có thể sẽ không còn có cuộc đàm phán nào nữa".

Tấn công Iran, Israel chỉ khoa trương?

Iran thử nghiệm tên lửa
Iran thử nghiệm tên lửa 

Bàn về khả năng có thể xảy ra một sự nhượng bộ đáng kể nào trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay không, giáo sư Zibakalam nói rằng ông nghi ngờ điều đó. "bởi vì nếu ông Obama có bất cứ hành động nào để hòa giải với Tehran, đối thủ đảng Cộng hòa của ông sẽ chỉ trích ông rằng... đã quá hiền với Iran."
Đối với các lời lẽ đe dọa của Tel Aviv về khả năng tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Tehran, giáo sư Zibakalam bày tỏ tin tưởng rằng Israel không manh động vì họ vẫn còn lo ngại về hậu quả của nó.
Lý giải thêm về điều này, chuyên gia Iran cho biết, hiện có 2 trường phái suy đoán về hành động của Israel đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Một số cho rằng khi đưa ra các lời lẽ đầy đe dọa về việc sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Tehran, Israel muốn tạo sức ép đối với các nước phương Tây để tăng mức độ trừng phạt đối với Iran.
Một số khác lại tin rằng Israel đã nói quá những gì họ họ sẽ làm vì Israel lo sợ Iran có thể đã sở hữu vũ khí hạt nhân và trang bị nó cho các đồng minh trong khu vực như Hamas và Hezbollah.

Và một cuộc tấn công chống lại Iran sẽ có thể khiến Tel Aviv phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng không thể lường trước được như các cảnh báo được ban hành trước đó.
Còn trong trường hợp cuối cùng Israel vẫn không khởi động một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, theo ông Zibakalam,

nước Mỹ chắc chắn sẽ bị kéo vào cuộc chiến và Iran chắc chắn sẽ trả đũa bằng cách tấn công Israel và các căn cứ của Mỹ trong khu vực. Nguy cơ lớn hơn nữa là cuộc chiến này có thể sẽ lan rộng ra các khu vực khác. 
Theo chuyên gia Zibakalam, Israel thực sự cảm thấy bị Tehran đe dọa, nhưng nếu các cuộc đàm phán sắp tới có nhiều bước tiến bộ, họ sẽ vui mừng vì có ít lý do để tấn công Iran hơn.
Trong tháng 1/2012, EU đã quyết định sẽ áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran và nó sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm nay. Giáo sư Zibakalam cũng đồng tình với các phân tích trước đó cho rằng biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế Iran do nước này phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ dầu.
Nguyễn Hường (theo Tân Hoa Xã)