Đọc nhanh 26/3: Những con số “khủng” của nhà đầu tư Nhật đổ vào VN

26/03/2012 17:48
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) -Volvo tuyên bố thu hồi 12.800 xe tại Trung Quốc, thanh toán bằng USD, cửa hàng Gucci bị phạt nặng... là những tin đáng chú ý ngày 26/3.

Những con số “khủng” của nhà đầu tư Nhật đổ vào Việt Nam
Theo Dantri, số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm tới gần 90% tổng vốn FDI chảy vào Việt Nam trong quý I, trong đó có dự án lớn hàng tỉ USD vào lĩnh vực bất động sản ở Bình Dương.
Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,3 tỷ USD, chiếm tới 88,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.


Đáng lưu ý trong số các dự án lớn được cấp phép trong 3 tháng đầu năm này là dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do phía Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD.
Ngoài ra còn dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam tại Hải Phòng, dự án sản xuất và xuất khẩu 100% sản phẩm lốp cao su với tổng vốn 574,8 triệu USD. Dự án Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam với tổng vốn 180 triệu USD tại tỉnh Khánh Hoà. Và tất cả các dự án này đều do doanh nghiệp Nhật đầu tư.

Thanh toán bằng USD, cửa hàng Gucci bị phạt nặng

Theo Báo mới, dù niêm yết rõ "thanh toán bằng tiền Việt Nam đồng" song cửa hàng "đồ hiệu" Gucci ở 63 Lý Thái Tổ (Hà Nội) đã bị bắt quả tang nhân viên thu ngân cửa hàng đang nhận thanh toán tiền bằng ngoại tệ trái pháp luật của khách hàng với số tiền 300 USD.

Lực lượng công an kiểm tra bên trong của hàng Gucci 63 Lý Thái Tổ
Lực lượng công an kiểm tra bên trong của hàng Gucci 63 Lý Thái Tổ

Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đối với Cửa hàng thời  trang Gucci 63 Lý Thái Tổ (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cửa hàng này bị xử phạt 75 triệu đồng về hành vi thanh toán ngoại tệ trái pháp luật của khách hàng. Ngoài ra, cửa hàng thời trang Gucci còn bị tịch thu số tiền 700 USD  và phải khắc phục hậu quả bằng cách chấm dứt ngay việc thanh toán bằng ngoại tệ trái pháp luật.
Siết quản lý giá sữa nhập khẩu 
Theo Vnexpress, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các đơn vị bổ sung sữa nhập khẩu vào danh mục mặt hàng có rủi ro về giá. Theo đó, việc doanh nghiệp khai báo thấp hoặc cao hơn so với cơ sở dữ liệu giá đều bị xem xét.


Trước mắt việc hậu kiểm nêu trên sẽ được tập trung tiến hành đối với các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và sữa nước. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm, các đơn vị sẽ tiến hành xử lý nghiêm và báo cáo với Tổng cục Hải quan theo định kỳ hàng tháng.
Quyết định này được Tổng cục Hải quan đưa ra sau khi Bộ Tài chính có văn bản vào cuối tháng 2, yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, bình ổn giá sữa. Theo đó, Bộ yêu cầy các doanh nghiệp không tăng giá bán đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, sữa nước nếu các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

 Lợi dụng thông tin chất cấm, tư thương ép giá lợn hơi

Trên 200 trang trại nuôi lợn với quy mô lớn ở tỉnh Bình Dương đang khốn đốn trước thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn.


Sau khi rộ tin thịt lợn nhiễm chất cấm, ngay lập tức các thương lái ở Bình Dương đã lợi dụng ép giá, khiến giá lợn hơi ở Bình Dương “lao dốc” từ mức gần 60.000 đồng/kg xuống còn 42.000 đồng/kg, giảm tới 18.000 đồng/kg. Mấy ngày qua, ông Phạm Công Khải, ngụ ấp Cây Chanh, xã Tân Định, huyện Tân Uyên đứng ngồi không yên với đàn lợn hơn 1.400 con đến kỳ xuất bán.

Tại Bình Dương, vào thời điểm này, mỗi kg thịt lợn đùi chỉ còn 80.000 đồng/kg, giảm hơn 30.000 đồng so với đầu tháng trước, nhưng người tiêu dùng vẫn quay lưng, ít ăn hơn mọi khi.

Để thanh lọc, giải “oan” cho các trang trại chăn nuôi lợn không sử dụng chất cấm, cơ quan Thú y Bình Dương đang tập trung lấy mẫu tất cả các trang trại để xét nghiệm.
Đầu tuần, Vn-Index lên sát 460 điểm 
Theo Hanoimoi, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3, cả Vn-Index và HNX-Index đều tăng điểm. Thanh khoản của thị trường giữ ở mức cao.
Trong phiên, lúc đầu thị trường diễn biến chậm, tăng nhẹ nhưng sau đó mức tăng càng đuối dần và có thời điểm hàn biểu thử đã hiện màu đỏ. Tuy nhiên, về cuối phiên, chỉ số chung tăng đáng kể. 


Cụ thể, ở đợt khớp lệnh đầu tiên, Vn-Index tăng nhẹ 4,11 điểm, tương đương 0,91%, lên mức 458,21 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 6,227 triệu, tương ứng 68,870 tỷ đồng. Lúc này VN30Index tăng 4,18 điểm (+0,82%), lên mức 517,02 điểm.
Kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, Vn-Index tăng 2,59 điểm (-0,57%), lên mức 456,69 điểm. Mặc dù vậy, về cuối phiên, sức cầu lại được cải thiện giúp Vn-Index tăng manh hơn. Đóng cửa thị trường, chỉ số chung dừng ở mức 459,26 điểm, tăng 5,16 điểm (+1,14%). Vn30Index chốt là 517,27 điểm, tăng 4,43 điểm (+0,86%).

Volvo tuyên bố thu hồi 12.800 xe tại Trung Quốc

Theo VTC News, thương hiệu xe hơi nổi tiếng Thụy Điển Volvo vừa tuyên bố thu hồi gần 12.800 chiếc xe trên thị trường Trung Quốc.
Tuyên bố này được nhà sản xuất ô tô danh tiếng đưa ra ngày hôm qua 24/3, cụ thể, Volvo sẽ thu hồi 12.798 chiếc xe S60 và XC60 do lỗi về túi khí và đường nhiên liệu.


Trong đó có 11.119 chiếc được sản xuất từ 16/5/2011 đến 6/10/2011 có vấn đề với túi khí, khi xảy ra tai nạn, túi khí sẽ không bung ra kịp thời và gây nguy hiểm cho người lái xe.
Còn lại 1.679 chiếc được sản xuất từ ngày 10/1/2011 đến 3/2/2011 mắc lỗi về hệ thống dẫn nhiên liệu, đường dẫn nhiên liệu có thể ma sát quá nhiều với gầm xe, hoặc sẽ làm vỡ đường dẫn, gây rò rỉ nhiên liệu, hoặc ma sát quá lớn khiến đường dẫn nóng lên và bốc cháy.
Tính riêng trong năm 2011, Volvo đã có ba lần thu hồi sản phầm. 

Thương lái Trung Quốc về làng biển mua hải sản

Theo tin từ Tuoitre online, thời gian qua, ở các xã ven biển Nghĩa An, Nghĩa Phú (H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) xuất hiện các thương lái Trung Quốc trực tiếp đi mua tôm, cua, cá, mực... sau đó họ thuê nhân công tại chỗ sơ chế rồi gom hàng, vận chuyển về Trung Quốc.
Thương lái Trung Quốc mua hải sản giá cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với thương lái địa phương. Một số thương lái địa phương cũng mua hải sản để bán lại cho thương lái Trung Quốc.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, xã Nghĩa Phú xác nhận thực tế trên và cho biết qua kiểm tra, các thương lái Trung Quốc đều xuất trình giấy tờ đầy đủ. Do họ mua theo hình thức gom hàng từ nhiều ngư dân và không có công ty, xí nghiệp trên địa bàn nên chưa thu thuế đối với hoạt động kinh doanh - một cán bộ nói. Vì thế số lượng hải sản các thương lái gom bao nhiêu mỗi ngày địa phương cũng không nắm được.

Tràn lan phụ tùng xe gắn máy dỏm

Theo tin từ báo Sài Gòn giải phóng, từ đầu tháng 3 đến nay, báo đã nhận được rất nhiều thư phản ánh của bạn đọc về tình trạng phụ tùng xe gắn máy giả được bán tràn lan khắp nơi, nhất là tại các điểm bơm vá xe “dã chiến” ở dọc tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... khiến nhiều người tiêu dùng không những mất tiền mà còn phải mang tật.


Tình trạng nguy hiểm nãy đã xảy ra với rất nhiều người dân ở huyện Củ Chi, Nhà Bè, quận Thủ Đức, nhưng làm việc ở các quận 1, 2, 3 cũng rất ngán ngẩm về tình trạng vỏ ruột xe gắn máy giả và nạn “đinh tặc” hoành hành.
Dạo qua một số cửa hàng bán phụ tùng xe máy, phụ tùng xe máy hiện có xuất xứ từ nhiều nơi, kể cả nước ngoài, phổ biến nhất là hàng Trung Quốc với đủ chủng loại và giá cả cũng khá thấp so với hàng chính hãng.
Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng xe máy trong nước cũng tung ra nhiều dòng sản phẩm, tuy nhiên trên thị trường, hàng ngoại nhập, hàng lậu, hàng nhái vẫn chiếm thị phần lớn với giá tương đối rẻ.
Hương Trà (tổng hợp)