Thu phí giao thông: "Người dân sẽ là cái túi đựng tất cả các loại phí"

28/03/2012 06:40
Thành Chung
(GDVN) - "Các doanh nghiệp vận tải rồi sẽ tăng giá vé, giá cước để bù vào các khoản phí còn đối tượng phải gánh chịu nặng nhất chính là những người dân".
Đó là những đánh giá của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội với PV báo Giáo dục Việt Nam xung quanh câu chuyện thu phí giao thông theo đề xuất của Bộ GTVT dự kiến sẽ bắt đầu được thực hiện từ 1/6/2012.Đa phần độc giả đánh giá đây là phương án bất khả thi
Ngay sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài về đề án các mức thu phí giao thông do Bộ GTVT đề xuất sẽ được thực hiện trong thời gian tới, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến, phản hồi của độc giả cho rằng đây là phương án bất khả thi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế còn rất nhiều khó khăn.

Đa số độc giả cho rằng phương án thu phí là bất khả thi. Ảnh minh họa (Ngọc Diệp/Dantri).
Đa số độc giả cho rằng phương án thu phí là bất khả thi. Ảnh minh họa (Ngọc Diệp/Dantri).

"Tôi chỉ là một nhận viên văn phòng, có chồng làm lái xe của công ty vận tải. Cuộc sống luôn luôn gặp khó khăn, 2 chiếc xe máy cho hai vợ chồng đi lại hàng ngày và đưa đón con cái đã là những nỗ lực rất lớn. Tiền xăng để đổ hàng tuần cũng đã là một gánh nặng, bởi giá xăng liên tục tăng, nhưng không thể không đổ, không thể không sử dụng xe máy vì các con còn bé, lại học ở các trường công lập khác nhau, luôn cần phải đưa đón hàng ngày. Vậy nên việc sử dụng phương tiện công cộng là không thể, và sử dụng xe máy là bắt buộc, còn ôtô là niềm mơ ước của gia đình tôi. Nếu sắp tới lại quyết định tăng phí, rồi thì các thứ khác cũng tăng theo thì ko hiểu cuộc sống của vợ chồng tôi sẽ như thế nào, xung quanh còn rất nhiều gia đình có cuộc sống còn khó khăn hơn gấp bội, và cuộc sống của họ của chúng tôi sẽ ra sao???", độc giả Hà Thành đặt câu hỏi. Đồng quan điểm, độc giả Thanh Sơn bày tỏ: "Tôi thấy trong đề án của đợt thu phí gia thông lần này chưa được hợp lý lắm, xe là phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu con người, giảm tải phương tiện cá nhân, chống ùn tắc không nhất thiết phải áp mức phí cao đến vậy?. Tôi thấy ở các nước phát, phương tiện chủ yếu của họ là ô tô, mà họ lại không phải chịu thuế nhiều như nước mình?. Vậy vấn đề của mình là sao đây, muốn dân đi bộ đi làm, hoặc đi bằng các phương tiện công cộng, trong khi các phương tiện công cộng cũng rất bất cập, đi lại cũng bất tiện!". Còn độc giả Lê Tuấn nhìn nhận: "Chủ ôtô hiện phải nộp 8 loại thuế và phí gồm: - Thuế nhập khẩu ôtô - Thuế tiêu thụ đặc biệt - Thuế VAT - Phí trước bạ - Phí đăng ký cấp biển số - Phí xăng dầu - Phí kiểm định - Phí bảo hiểm. Thời gian tới sẽ phải nộp: - Phí bảo vệ môi trường - Phí bảo trì đường bộ. Tôi thấy: hiện nay đi xe bus thì đứng còn không có chỗ, đi xe liên tỉnh thì nhồi nhét thở không ra hơi... Xe cùng chủng loại thì mua phải đắt gấp 3 lần ở nước khác. Vậy làm sao dân giàu nước mạnh được? Sao các bác không nghĩ kế sách khác mà cứ nghỉ đến việc đóng thuế hoài vậy?!"
Doanh nghiệp khốn, người dân khó
Xung quanh đề án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội đô và phí bảo trì đường bộ của Bộ GTVT dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/6/2012, trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, đề án thu phí này còn rất nhiều những hạn chế, bất cập, gây khó cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong hoàn cảnh giá điện, giá xăng dầu tăng.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.

"Thứ nhất việc trả tiền phí bảo trì đường bộ phải đúng với giá trị của dịch vụ tức là người ta hưởng nhiều trong dịch vụ thì người ta phải đóng góp nhiều còn hưởng ít thì đóng góp ít. Nhưng giờ đây Bộ GTVT lại đưa ra phương án gồm 7 nhóm, khi thực hiện người dân sẽ phải trả phí khác nhau tuy nhiên lại không hợp lý, không công bằng. Bởi lẽ ở trong khung đó, sẽ có xe nó chạy nhiều, phá đường nhiều thì nó phải trả nhiều, xe không chạy thì không phải trả hay xe chạy ít thì sẽ trả ít... nhưng lại gộp tất cả vào 1 gói và trả phí như nhau, nghĩa là cứ có xe là phải nộp tiền dù có sử dụng nhiều, ít hay không sử dụng dịch vụ thì vẫn phải trả tiền. Điều đó là không công bằng. Thứ hai, thực tế Nghị định mới ký vào tháng 3 mà đến 1/6 đã thực hiện là quá gấp rút. Người dân và doanh nghiệp chưa chuẩn bị đủ tài chính và tâm lý để thực hiện. Đặc biệt các doanh nghiệp lớn  Thứ ba, đối với xe máy, thực ra thu cũng được chẳng được bao nhiêu, nhưng nó là phương tiện lưu thông chính của những người dân lao động, của những người dân tộc miền núi, thương binh... thì nên chăng nhà nước cần phải có chính sách miễn hoặc hỗ trợ chứ không nên đánh đồng", ông Liên nhấn mạnh. Cũng theo ông Liên, việc xếp xe taxi vào dạng xe cá nhân để thu phí là không đúng bởi lẽ: "Taxi là phương tiện vận chuyển nhiều người, luân chuyển suốt ngày thì đâu có giống các xe tư nhân. Thêm nữa khi nó đã tham gia vào một hãng taxi nào đó thì nó phải chuyển quyền sở hữu, mang tên của hãng đó, vậy thì đó là sở hữu tập thể. Vậy mà xếp xe taxi vào xe tư nhân để thu phí là sai". Ông Liên cũng nhấn mạnh: "Việc thu phí này khi được áp dụng thì các doanh nghiệp vận tải, hành khách chắc chắn sẽ phải điều chỉnh để tăng giá vé, giá cước lên nhằm bù vào khoản phí phải đóng còn đối tượng phải gánh chịu chính là người dân. Người dân sẽ là cái túi đựng tất cả phí. Thêm vào đó, với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vận chuyển các mặt hàng xuất nhập khẩu, nếu không đủ tiền đóng phí sẽ không được chạy trên đường, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận chuyển hàng hóa và lớn hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế". Đánh giá về mục tiêu của việc thu phí sẽ giúp giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, ông Liên nhận định: "Thu phí sẽ giúp có thêm nguồn lực để cải thiện hạ tầng giao thông nhưng không phải từ phí có thể chống được ách tắc mà phải là quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng và ý thức của người tham gia giao thông. Muốn giảm thiểu tai nạn, giảm ách tắc thì phải là những biện pháp tổng thể, đồng bộ, như vừa qua chúng ta thực hiện nâng mức xử phạt và thực hiện nghiêm minh... Thêm vào đó, dù có thêm việc thu phí nhưng chắc chắn các cá nhân, doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng đóng, tiếp tục mua xe, sử dụng xe như bình thường để đảm bảo nhu cầu chính đáng của mình. Cho nên việc giảm lượng phương tiện từ thu phí là rất khó thực hiện". Từ thực tế, ông Liên đề xuất: "Việc thu phí bảo trì đường bộ đã có qui định trong Luật nhưng chúng tôi xin kiến nghị, về thời gian thực hiện nên lùi lại bắt đầu từ 1/1/2013, đồng thời mức thu phí năm 2013 bằng 60% mức đề nghị hiện nay. Phấn đấu sang năm 2014 thu phí bằng thẻ và về lâu dài nên thu phí bằng công nghệ tin học, xe chạy nhiều thu nhiều để đảm bảo công bằng..."
Thành Chung