Mã số 15:

Xót lòng cụ già 80 tuổi nuôi con dị tật

28/03/2012 06:00
Thanh Tuyển – Hải Biên
(GDVN) - Ở tuổi gần đất xa trời lẽ ra cụ phải có một cuộc sống yên bình bên con cái, nhưng đối với cụ Trò thì khác, vẫn canh cánh về người con dị tật của mình.
Đó là cụ Nguyễn Thị Trò, ở xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Hình ảnh một cụ già 80 tuổi thở thều thào khó nhọc khi đang phải đẩy xe lăn lên hiên nhà cho người con trai dị tật, chứng kiến cảnh tượng ấy chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Bước vào căn nhà cụ có cảm giác gì đó u ám, lạnh lẽo mà chúng tôi không hình dung nổi nhất là nhìn vào những mớ hỗn độn đang nằm vất vưởng trên phản giường.
Sau khi thu vén gọn gàng cụ chút hơi thở nhọc nhằn rồi mở lòng tâm sự với chúng tôi về hoàn cảnh cuộc đời cụ.
Cụ Nguyễn Thị Trò, ở xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam cùng người con tật nguyền
Cụ Nguyễn Thị Trò, ở xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam cùng người con tật nguyền
Cụ sinh năm 1932. Năm 1952 cụ kết duyên với ông Hoàng Văn Bản người cùng xã và sinh hạ được bốn người con trai nhưng trong đó có người con trai út là anh Hoàng Văn Thêm sinh năm 1973 khi mới lọt lòng đã mang trong mình căn bệnh dị tật bẩm sinh.
Mặc dù nghèo nàn, bệnh tật vẫn túc trực bên người con út, nhưng cuộc sống gia đình của cụ vẫn đông vui hạnh phúc chừng nào khi có những đứa con thân yêu luôn bên cạnh động viên chia sẻ.
Rồi một ngày niềm hạnh phúc gia đình cụ không còn được viên mãn nữa. Năm 1962 chồng cụ mất trong một lần gặp tai nạn. Ông ra đi trước nỗi đau tột cùng của đàn con nhỏ nheo nhóc, tâm trí của cụ lúc đó cũng như người thẫn thờ không hồn.
“Ông nhà tôi ra đi đột ngột quá, sáng sớm ngày ra ông ấy còn bảo tranh thủ ra chợ bán mấy mớ rau rồi về nhà cho thằng con út đi viện. Sau câu nói đó không ngờ ông ấy lại đi thật không về với mấy mẹ con nữa” cụ nhớ lại.
Rồi cũng từ ngày ấy, mọi việc lớn bé trong gia đình đều là mình cụ cáng đáng cả. Cụ vất vả khó nhọc mọi nơi để kiếm từng đồng từng hào để về nuôi đàn con bé dại.
Người xưa thường nói đẻ con đông để trông cậy về già. Nhưng đối với cụ đến bây giờ chưa có lấy phút giờ nào được thảnh thơi.

“Lọm khọm tần tảo nuôi các con khôn lớn trưởng thành, giờ đây đứa thì bỏ nhà đi biệt tích, hai đứa thì làm ăn xa rồi lập gia đình trong Nam, cuộc sống cũng khốn khổ họa chăng mấy năm mới về thăm mẹ được một lần” cụ nói trong hai hàng nước mắt khẽ lăn trào.
Chỉ duy nhất là người con trai út của cụ bây giờ là ở bên cạnh mẹ, suốt gần bốn mươi năm qua anh Thêm vẫn ngặt nghèo như vậy. Mọi sinh hoạt cá nhân của anh đều do đôi tay người mẹ già gầy yếu này chăm sóc.
“Nhìn con người ta mỗi lúc ngày một khôn lớn trưởng thành, con mình thì cứ ngây ngô khờ dại như vậy, tôi đau lòng lắm nhưng cũng chả biết làm thế nào cả, ông trời đã an bài số phận rùi còn biết làm thế nào hả chú”.
Để có được bữa cơm đạm bạc hằng ngày cho hai mẹ con, cụ phải làm thuê cắt mướn cho mọi nhà, người thương tình thì cho cụ nắm gạo kẻ củ khoai còn những kẻ độc miệng thì xăm xỉa mỉa mai cụ. Nói mà đôi dòng lệ cứ lã chã rơi trên khuôn mặt “ già nua” của cụ.
Đang giở câu chuyện với chúng tôi, bỗng dưng anh Thêm muốn phát ra tiếng gì đó mà cứ ú ớ, ề à.. như anh muốn nói một điều gì đó với chúng tôi thì phải, và cũng thấy dần những giọt nước mắt hiếm hoi khô cạn đã lăn dài trên khuôn mặt hõm má của anh từ bao giờ.

Kéo vạt áo lên cụ lau khô nước mắt cho con “Thêm nó nhiều đêm vẫn khóc như vậy đấy chú ạ! Nó cũng biết đấy, nó thương tôi lắm. Một lần bà Lan hàng xóm sang nhà chơi thấy hai mẹ con mắm muối không có gì cả, bà vội chạy về nhà cho ít thức ăn. Nhưng khi đút cơm cho nó ăn nó lại không ăn gì cả cứ ú ớ trong mồm, tưởng nó làm sao trong người hóa ra là nó muốn giành phần cho mẹ”.
Cuộc sống của hai mẹ con cụ bây giờ chỉ trông cậy vào số tiền ít ủi trợ cấp của anh Thêm hằng tháng là 180.000 nghìn đồng cùng với sào ruộng khoán nhưng cũng chẳng thấm là bao đối với bệnh tình của cụ và anh Thêm. 
Được biết bản thân cụ giờ đây cũng mắc phải chứng bệnh đau cột sống, cứ hễ trái gió trở trời là hai mẹ con cùng nằm giường nhìn nhau mà ướt lệ.
Chia sẻ với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình nhà cụ, bà Nguyễn Thị Liên, chủ tịch hội phụ nữ xã cho biết: “Hoàn cảnh nhà cụ Trò rất éo le, tuy đông con cái thật, nhưng cuộc sống của các con cụ cũng nghèo nàn, lại phiêu bạt tứ xứ nên cũng không giúp được gì cho cụ cả. Anh Thêm thì lại bị dị tật bẩm sinh vẫn luôn là gánh nặng đè lên đôi vai cụ. Hội phụ nữ chúng tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên chia sẻ cho hoàn cảnh của cụ. Đợt trước đây xã cũng có hỗ trợ cho Anh Thêm một chiếc xe lăn để giúp đỡ anh thuận tiện hơn trong việc đi lại. Vẫn mong sao tổ chức nhân ái nào đó giúp đỡ cho hai mẹ con cụ đỡ khổ”.
Chia tay cụ chúng tôi ra về mà lòng vẫn nặng trĩu một niềm day dứt chưa nguôi. Hình ảnh đó, câu nói đó của cụ vẫn luôn ám ảnh trong suy nghĩ của chúng tôi. Ánh mắt đăm chiêu xa xăm của cụ lúc tiễn chúng tôi ra về như mong chờ một điều gì tốt đẹp sẽ đến với quãng đời ngắn ngủi của cụ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Cụ: Nguyễn Thị Trò, ở xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam

Mã số 15 

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Thanh Tuyển – Hải Biên