Điểm mặt những vũ khí " khủng” Nga sẽ mang đến triển lãm FIDAE-2012

28/03/2012 11:46
Trịnh Tuân (Theo militaryparitet)
(GDVN) - Nga sẽ giới thiệu tại triển lãm quốc tế về kỹ thuật quân sự và hàng không vũ trụ FIDAE - 2012 những trang thiết bị quốc phòng hiện đại nhất.

Tại triển lãm quốc tế về kỹ thuật quân sự và hàng không vũ trụ  FIDAE - 2012 (diễn ra từ ngày 27 tháng 3 đến 1 tháng 4 năm 2012), công ty Rosoboronexport của Nga sẽ mang đến thủ đô Santiago của Chile hơn một trăm sản phẩm quân sự hiện đại.

Đây là lần thứ 10 doanh nghiệp Rosoboronexport tham gia triển lãm FIDAE kể từ năm 1994. Trên bầu trời trên Santiago, các máy bay chiến đấu thuộc gia đình máy bay Su và MiG đã có những màn trình diễn bay tuyệt vời.

Tại triển lãm FIDAE được tổ chức vào năm 2002, một nhóm nghị sĩ Chile đã trực tiếp thực hiện một chuyến bay làm quen trên trực thăng Mi-17. Trong năm 2008, họ đã bay trên trực thăng Ka-32, và trong năm 2010 - là một máy bay lưỡng cư độc đáo Be-200.

Trực thăng Ka-32A
Trực thăng Ka-32A

FIDAE – là cơ hội để thúc đẩy các sản phẩm quân sự của Nga ở châu Mỹ Latinh. Năm 2011, khu vực này chiếm hơn 14% doanh số bán hàng của Rosoboronexport.

"Chúng tôi đánh giá cao thị trường đầy hứa hẹn Mỹ Latinh. Từ khi thành lập, Rosoboronexport đang tiến hành các chính sách chủ động tăng cường vị thế của Nga trong khu vực. Trong những năm qua chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận với các dự án cụ thể và với hầu như tất cả các nước Châu Mỹ latinh.

Điều này không có nghĩa rằng tất cả chúng đều thành công, nhưng chúng tôi đã thành công trong việc thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của các nước này.” - Sergei Svechnikov, giám đốc cơ quan phân tích và kế hoạch dài hạn của Rosoboronexport, người dẫn đầu phái đoàn của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport tham dự triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế FIDAE-2012 cho hay.

Trực thăng Mi-35M
Trực thăng Mi-35M

Theo ông, tại triển lãm FIADE -2012, Rosoboronexport sẽ giới thiệu tới các đối tác của mình hàng loạt thiết bị Nga được chế tạo dựa trên công nghệ tiên tiến cũng như vũ khí tin cậy và hiệu quả hoạt động cao và những hệ thống chuyên dụng.

Năm nay, sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia và khách tham quan có lẽ sẽ dành cho tiêm kích siêu cơ động Su-35, máy bay huấn luyện – chiến đấu Yak-130, trực thăng vận tải quân sự nổi tiếng Mi-17 và trực thăng chiến đấu Mi-35M.

Ngoài ra, Rosoboronexport cũng sẽ giới thiệu tại triển lãm các hệ thống phòng không và chống tăng hiện đại như MANPADS Igla-S, Tor-M2E, Buk-M2E, Cornet-EM, các trang thiết bị quân sự dành cho lực lượng mặt đất như siêu tăng T-90S.

“Chúng tôi hy vọng có thể thực hiện các chương trình liên doanh, cấp phép và hợp tác lâu dài với các nước trong khu vực.

Một số quốc gia đã gửi cho chúng tôi những đề nghị trong các lĩnh vực này. Chúng tôi đang cố gắng tối đa hóa việc mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quân sự-kỹ thuật với các đối tác", - Ông Sergei Svechnikov nói.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S

Trong triển lãm, đoàn đại biểu của Rosoboronexport dự định thảo luận với các đối tác về các vấn đề để cải thiện dịch vụ sau bán hàng, thành lập các trung tâm dịch vụ, cũng như đào tạo chuyên gia. Đặc biệt, công ty sẽ giới thiệu tại triển lãm thông tin về các  trang thiết bị huấn luyện hiện đại cho nhiều lĩnh vực khác nhau của các lực lượng vũ trang.

Các sản phẩm mà Rosoboronexport sẽ giới thiệu tại triển lãm

Không quân

Máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-35, Su-30MK2, tiêm kích MiG-29M/M2, máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130, trực thăng vận tải quân sự Mi-17 và trực thăng tấn công Mi-35M, Mi -28NE, trực thăng trinh sát và tấn công Ka-52, trực thăng đa năng Ka-226T, trực thăng tìm kiếm và cứu hộ Ka-27PS, Ka-28 ASW, trực thăng trinh sát Ka-31, và một loạt các trang thiết bị hàng không khác.

Hệ thống phòng không

Tổ hợp tên lửa Buk M2E, Tor-M2E, Antey-2500 và Armour-S1, MANPADS Igla-S và hệ thống phóng Strelets dùng để phóng các tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không mang vác Igla.

Lục quân

Siêu tăng T-90S, xe bọc thép BMPT, xe chiến đấu bộ binh BMP-3M, xe bọc thép BTR-80A, hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển tự hành Khrizantema-S, MLRS Smerche, tổ hợp lựu pháo tự hành Msta-S 155 mm, pháo tự hành Nona-SVK, tên lửa phòng không Cornet-EM, các vũ khí cận chiến và đạn dược.

Hải quân

Tàu ngầm diesel-điện Amur-1650 project 636, hộ vệ hạm tên lửa Gepard 3.9 pr. 22 356, hộ vệ hạm Tiger pr.11356, tuần tiễu hạm Mirage, Mangust, Sobol, và các hệ thống vũ khí.

Những sản phẩm dự kiến sẽ dành được sự quan tâm đặc biệt

Siêu chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35

Chiến đấu cơ tiên tiến Su-35 được thiết kế để thực hiện như một máy bay chiến đấu thế hệ 4++. Tính năng đặc biệt của máy bay là hệ thống điện tử mới dựa trên hệ thống điện tử kỹ thuật số, hệ thống quản lý thông tin tích hợp,

radar quét mạng pha điện tử bị động có thể phát hiện 30 mục tiêu cùng lúc và tấn công đồng thời 8 mục tiêu, cũng như hỗ trợ tấn công 4 mục tiêu trên không và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.

Su-35 lắp động cơ AL-41F mới, tăng thêm lực đẩy và điều khiển luồng khí phụt vector đa chiều. Trong sự phát triển và thử nghiệm của Su-35. Người Nga đã sử dụng cả những công nghệ tiên tiến của dự án chế tạo một máy bay thế hệ thứ 5 PAK FA T-50.

Su-35 có thể thực hiện các nhiệm vụ đối không, đối đất, đối hải bằng các loại vũ khí: tên lửa không đối không tầm ngắn/tầm trung/tầm cao, tên lửa không đối đất, tên lửa không đối hải, tên lửa chống radar, bom dẫn đường bằng laser/TV.

Máy bay huấn luyện quân sự Yak-130

Yak-130 không chỉ là máy bay huấn luyện phi công mà còn là một máy bay chiến đấu hạng nhẹ. Yak-130 có buồng lái tiêu chuẩn 2 chỗ ngồi và được trang bị hê thống điều áp không khí, nó được trang bị loại ghế phóng NPO Zvezda K-36LT3.5 zero-zero.

Nó có một giá treo ở giữa thân và các giá treo khác ở trên cánh để mang vũ khí, bình thường thì nó có 6 điểm treo vũ khí, nhưng khi cần thiết có thể tăng lên 8 giá treo với 2 điểm ở đầu cánh, tổng trọng tải vũ khí mà nó có thể mang là 3.000kg.

Dũng sĩ diệt tăng Cornet-EM

Cornet-EM được coi là một trong những loại loại vũ khí chống tăng tốt nhất và là tổ hợp phòng thủ-đột kích đa năng với hệ thống điều khiển có khả năng chống nhiễu hoàn toàn, cho phép tác chiến hiệu quả chống lại các mục tiêu mặt nước và trên không trong các điều kiện tác chiến khác nhau, kể cả trong thời tiết xấu và khi đối phương tổ chức gây nhiễu vô tuyến điện tử và quang học.

Tổ hợp được trang bị 16 tên lửa, trong đó 8 tên lửa luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tổ hợp này cũng có thể sử dụng tất cả các loại tên lửa thuộc dòng Cornet-E, bảo đảm tiêu diệt mục tiêu ở cự ly từ 150-10.000m.

Tổ hợp có khả năng tấn công đồng thời 2 mục tiêu, đầu đạn nổ lõm chứa 7kg TNT có khả năng xuyên thép có độ dày đến 1.300mm. Thời gian chuyển từ trạng thái hành quân sang trạng thái chiến đấu là 7s.

Tên lửa Buk M2E “Gấu xám”

Tên lửa “Gấu xám” Buk-M2E (NATO gọi là S-17 Grizzly) là tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung đa năng và có sức cơ động cao. Tổ hợp này được Nga thiết kế và sản xuất tại nhà máy Ulianov.

Các chuyên gia Nga đánh giá, Buk-M2E có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trong phạm vi nhiệm vụ của mình, từ các loại trực thăng yểm trợ hỏa lực cho đến các loại máy bay chiến thuật, chiến lược cũng như tên lửa đạn đạo và tên lửa chống rada khác.

Đặc biệt, tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2E có thời gian triển khai và khai hỏa cực nhanh so với các tổ hợp tương tự của các nước trên thế giới.

Chỉ mất 20 giây, Buk-M2E đã có khả năng triển khai tác chiến và chưa đầy 5 phút sau sẽ ở trạng thái hoàn toàn sẵn sàng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào. Bên cạnh đó, Buk-M2E có khả năng tự hành và tính cơ động cao nhờ trang bị bánh xích và động cơ công suất lớn.

Tên lửa Tor-M2E

Tor-M2E là tổ hợp tên lửa phòng không dùng để tiêu diệt máy bay, trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa điều khiển ở tầm ngắn hoặc tầm trung. Mỗi tổ hợp tên lửa Tor-M2E gồm 4 dàn phóng tên lửa.

Tổ hợp tên lửa Tor-M2E có khả năng phát hiện 48 mục tiêu và theo dõi khoảng 10 mục tiêu trong số đó. Tor-M2E có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 12km và ở độ cao khoảng 10km. Tor-M2E là tổ hợp duy nhất trên thế giới có thể tấn công đồng thời 4 mục tiêu.

Trịnh Tuân (Theo militaryparitet)