Chợ lao động nữ: Những mảnh đời cơ cực

29/03/2012 15:39
Lê Nho Việt (K53, Báo chí &Truyền thông, ĐH KHXH&N
(GDVN) - Hà Nội, hiện đã hình thành những “chợ lao động nữ”. Mỗi người một hoàn cảnh, song cũng không ít những éo le của cuộc đời và số phận.
Người ta thường cho rằng, các chợ lao động thường chỉ dành cho nam giới vốn quen với công việc nặng nhọc. Song ở Hà Nội, hiện đã hình thành những “chợ lao động nữ”. Mỗi người một hoàn cảnh, song cũng không ít những éo le của cuộc đời và số phận.

Một kẻ mua, trăm người bán

Trong tiết trời lạnh giá, không khí lao động tại các “chợ người” vốn đã trầm lắng, nay lại càng thanh vắng, đìu hiu...

Dạo qua một vài khu “chợ người” có tiếng ở Hà Nội như: Phùng Khoang, Long Biên, dốc Bưởi..., một không khí ngột ngạt, ứ đọng bao trùm trên những gương mặt lao động khắc khổ. Tất cả đều dài cổ ngóng đợi người gọi việc, bởi người mướn thì quá ít mà người làm thì lại quá đông.

Họ là những người phụ nữ quanh năm tần tảo làm thuê đến từ nhiều vùng quê khác nhau
Họ là những người phụ nữ quanh năm tần tảo làm thuê đến từ nhiều vùng quê khác nhau

Từng tốp lao động người đứng, kẻ ngồi, túm năm, tụm ba ngồi “buôn” chuyện bên những bộ đồ nghề quen thuộc: Thúng, quang gánh, xe đạp thồ.... Họ là những thành viên của “đội quân chờ việc” tại khu vực này. Tất cả đều nằm dài chờ đợi trong cái lạnh tê tái của trời đông. Thỉnh thoảng thấy bóng người tiến lại, cả đám đổ xô đến hỏi việc, may mắn thì vài người được gọi, còn lại đành chờ.

Chị Huệ, một người lao động thời vụ đứng đợi việc ở Phùng Khoang, buồn bã: “Ngày nào cũng đứng đợi việc nhưng nhiều hôm đành về không. Cả chợ lao động có tới mấy chục người nên cũng chả khác nào đi câu”.

Đây cũng là thực trạng tại chợ  lao động khu vực dốc Bưởi. Ngay từ 5- 6h sáng, thì "chợ người" đã họp từ bao giờ. Chị Oanh - một lao động đến từ Phú Xuyên - vẻ mặt rầu rầu cho biết: “Cả bọn đợi việc cả ngày nay mà chưa có mối nào, công việc ngày càng khan hiếm mà người từ đâu đến nhiều quá. Một tuần có đến 3-4 ngày không có người thuê, cứ ngồi dài ở đây chờ. Không có việc làm thì không có tiền, thành thử ngày nào mà không có việc thì trưa chỉ ăn bánh mỳ thôi, tối về mới ăn cơm”.

Đằng sau những lo âu, bon chen nơi thành phố ẩn chứa biết bao trăn trở
Đằng sau những lo âu, bon chen nơi thành phố ẩn chứa biết bao trăn trở 

Họ tập trung ở đây quanh năm. Người làm nhiều thì làm đủ 12 tháng mỗi năm, ít thì cũng góp mặt ở chợ 6 - 7 tháng. Họ chỉ về quê trong những ngày lễ tết hay ngày mùa bận rộn. "Thời điểm này năm trước việc làm không hết, chỉ đến 9h sáng là bến không còn người đứng đợi nữa. Nhưng năm nay, cả ngày lúc nào cũng đông người lao động bởi rất ít người thuê”, cô Hằng (Hưng Yên) than thở.

Bữa no bữa đói, và ước mơ một việc làm
Mỗi ngày có việc được xem như tạm ổn, còn việc được kéo dài mấy ngày liền xem như là “trúng số”.

Chị Hà, quê Nghĩa Hưng, Nam Định có hơn chục năm “bươn chải” qua các chợ lao động tại thủ đô chia sẻ: “Nhà  có 4 sào lúa, một năm cấy 2 vụ, ngoài ra vợ chồng chị cũng nuôi thêm lợn, gà, bò nhưng thu nhập không đủ chi trả các khoản cho một gia đình 4 miệng ăn. Nghe mọi người trong làng nói Hà Nội cần nhiều lao động chân tay, anh chị gửi con cái, nhà cửa cho ông bà rồi dắt díu nhau về đây thuê nhà, cứ sáng sớm lại ra chợ ngồi đợi việc, chỉ mong làm sao kiếm thêm ít tiền lo học cho con, nhưng toàn ngồi không, nhìn nhau là chính đây, chán lắm”.
Cũng theo chị Hà: "Dịp gần Tết còn có nhiều việc, mỗi ngày hai vợ chồng làm bình thường cũng kiếm 300.000 – 350.000 đồng, nhưng từ đầu năm đến giờ, việc ít nên mỗi ngày hiện tại hai vợ chồng chỉ cần kiếm được 200.000 - 250.000 đồng cũng là một ước mơ”.

Còn với chị Nhung quê ở Thái Bình, dù đã ra Hà Nội hơn nửa tháng nhưng suốt ngày chỉ đứng vật vờ ở ven đường Nguyễn Trãi. Chị ngậm ngùi: “Năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết xong, sau rằm tôi lại lên Hà Nội tìm việc, nhưng chưa năm nào ít việc như năm nay. Nhiều hôm sáng ra ngồi, tối lại về không, mà tiền ăn, tiền trọ tiết kiệm hết sức cũng mất 30 đến 40 nghìn đồng/ngày. Không kiếm được tiền nên tôi phải vay mấy người cùng quê để sống chờ việc”.

Ngay khu Long Biên, nơi có chợ đầu mối cũng không sáng sủa hơn là mấy. Chị  Thu (quê Hà Nam) cho biết, trước Tết, mỗi ngày gánh hàng thuê cũng kiếm được 70-80 ngàn đồng. Nhưng qua Tết, hôm nào có khách quen gọi thì cũng chỉ kiếm được 40-50 ngàn là cùng. Chị tâm sự: “Biết là ở đây cũng khó khăn nhưng chúng tôi biết làm gì bây giờ? Ai mà không muốn có một việc làm ổn định, nhưng nghề thì không có, học vấn thì thấp, chỉ có mơ mới có một nghề ổn định thôi”.
Trước tình cảnh khốn khó, chị Thu đã nhiều lần tính chuyện ngược đường về quê, nhưng không thể được vì cả 3 đứa con của chị đang tuổi ăn học, chỉ biết trông chờ vào những gánh hoa quả thuê của chị. 
Phần lớn, những người phụ nữ ở đây đều không có một nghề nào ổn định. Họ phải làm những công việc nặng nhọc mà tiền công chẳng bao nhiêu. Tuy vậy, họ vẫn bấu víu vào cái “chợ” này để ngày ngày có bữa no, bữa đói như một cứu cánh cuối cùng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, họ không ngớt than vãn về sự vất vả, cực nhọc. Dường như, ánh mắt và nụ cười gượng gạo của họ luôn chất chứa nỗi lo về bữa cơm, manh áo của chồng con và chính mình.
Lê Nho Việt (K53, Báo chí &Truyền thông, ĐH KHXH&N