"Là ca sĩ nổi tiếng thì Mỹ Linh không có quyền phản biện à?"

30/03/2012 06:00
Độc giả Nhân Văn
(GDVN) - Dù là ca sĩ nổi tiếng thì cũng là một người dân, công dân và họ có quyền được đưa ra các ý kiến phản biện lại các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
LTS:Xung quanh câu chuyện Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến phản biện của đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân cùng bàn về câu chuyện này. Một trong những ý kiến phản biện được nhiều bạn đọc đánh giá cao đó là những trao đổi của diva Mỹ Linh, một giọng cả rất quen thuộc trong làng âm nhạc Việt Nam. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải những ý kiến tranh luận hết sức thẳng thắn, thậm chí đến gay gắt nhưng đầy trách nhiệm của nhiều độc giả. Dưới đây là một ý kiến như thế:
Nữ diva Mỹ Linh.
Nữ diva Mỹ Linh.

Trong ý kiến phản biện về việc thu các loại phí giao thông đường bộ, cũng như rất nhiều người dân khác, diva Mỹ Linh đã bày tỏ những bức xúc của một người đang điều khiển xe ôtô về sự bất hợp lí của đề án này. Nội dung của những ý kiến phản biện này hết sức bình thường và đầy tâm huyết của một người dân, một công dân đối với những chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi của họ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, một số người khi đánh giá về những ý kiến này lại đưa ra nhận định, những ý kiến của diva Mỹ Linh đang nhằm chê bai nỗ lực giải quyết ùn tắc giao thông của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. 
"Xăng tăng giá liên tục, mà lần này còn tăng những hơn 2000 đồng/lít, rồi thì thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí trong khi cuộc sống người dân còn muôn vàn khó khăn, chất lượng công trình giao thông không đảm bảo cho sự an toàn của người dân và chưa tương xứng với những khoản tiền mà dân phải đóng thì thử hỏi, như thế liệu có công bằng với người dân không? Sao không hỏi người dân họ cảm thấy thế nào, sức chịu đựng của họ ra sao…", Mỹ Linh nói trong phần trả lời phỏng vấn. Cô cũng nhấn mạnh: "...chừng nào còn chưa rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, chừng nào quy hoạch giao thông còn đầy rẫy những bất cập thì chừng đó, tai nạn giao thông vẫn còn là một vấn nạn nhức nhối mà trong đó, lỗi không thuộc về người dân. Nên càng không thể giải quyết nó bằng một giải pháp đơn giản và phi lý hết sức là bắt dân đóng phí và phải “mua” một “mặt hàng” mà họ không ưng ý và không tự nguyện. Đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!". Không hiểu với những ý kiến như thế này, mà lại một số người lại cho rằng là có ý chê bai nỗ lực giải quyết ùn tắc giao thông của Bộ trưởng Thăng thì có lẽ đã quá phiến diện, chủ quan.  Dù Diva Mỹ Linh là một ca sĩ nổi tiếng, có tầm ảnh hướng trong làng âm nhạc Việt Nam và được rất nhiều công chúng mến mộ nhưng trong quản lý hành chính nhà nước thì cô cũng chỉ là một người dân, một công dân của đất nước Việt Nam.  Căn cứ vào Hiến pháp và các qui định của pháp luật hiện tại của nước ta thì mọi công dân đều có quyền được tham gia đóng góp ý kiến, phản biện các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Thực tế cũng đã khẳng định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã tích cực đẩy mạnh việc tăng cường sự đóng góp, góp ý của người dân vào nhiều chủ trương, chính sách pháp luật để phù hợp, hoàn thiện hơn.  Chính Phó thủ Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời báo chí xung quanh đề án thu phí giao thông cũng đã khẳng định: "Về vấn đề này, tôi nghĩ rằng một quyết định quan trọng mà liên quan đến nhân dân đều phải lấy ý kiến của nhân dân. Tất cả những biện pháp chúng ta đưa ra đều phục vụ nhân dân, lo cho tính mạng của nhân dân, tài sản của nhân dân, điều đó là quan trọng nhất".
Với lẽ đó, là một công dân của nước Việt Nam thì diva Mỹ Linh hoàn toàn có đầy đủ các quyền được tham gia đóng góp, góp ý và phản biện về tất cả các chủ trương, chính sách trong khuôn khổ của pháp luật qui định. Thêm vào đó, như lời dạy của Bác Hồ trong bức thư "để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí tỉnh nhà”, ngày 17-9-1945 có đoạn: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân nghĩa là để gánh vác chung cho dân chứ không phải đè đầu dân... Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh...”. Vì thế việc một công dân như Mỹ Linh hoặc ai đó có đưa ra những nhận xét, đánh giá về người công bộc của mình: "Bắt dân đóng phí chứng tỏ anh Đinh La Thăng kém cỏi" là chuyện hoàn toàn bình thường.  Và điều đó càng cho thấy sự dân chủ trong xã hội ta ngày càng được nâng cao. Với những gì đã thực hiện trong thời gian qua thì chắc chắn Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ còn cảm ơn Mỹ Linh. Việc Mỹ Linh khi trả lời đã đưa ra những phân định "thuế chồng thuế hay phí chồng phí" cũng là điều bình thường khi mà chính một số các chuyên gia trả lời báo chí vẫn thường xuyên sử dụng cách phân định này. Dù biết rằng có thể nó còn chưa thật chính xác trong thuật ngữ chuyên môn nhưng xét trên cách dùng từ trong tiếng Việt thì nó hoàn toàn dễ hiểu, gần gũi. Thêm vào đó, chỉ từ ví dụ của Mỹ Linh đưa ra: "Ai bảo bắt cái ô tô oằn mình chịu đủ thứ thuế, thứ phí… là sẽ giúp giảm thiểu được tai nạn giao thông, khi mà đi xe máy ở Việt Nam mới là dễ bị tai nạn nhất! Chỉ mới cách đây hơn hai tuần thôi, vào đúng ngày 8/3, chị bạn tôi vừa mất một câu con trai 10 tuổi cũng vì hai bố con chở nhau đi xe máy, bị người ta quệt phải.  Còn trước đó đi ôtô thì không sao, nhưng ô tô đã phải bán vì bố mẹ cháu không chịu nổi cơn tăng giá, phí" mà qui kết hàm lượng "chất xám" của cô có vấn đề thì liệu rằng người viết bài có quá chủ quan và phiến diện chăng (?).  Bởi lẽ nếu xét kỹ ra thì ví dụ này, đúng trong hoàn cảnh của người bạn Mỹ Linh gặp phải và chính TS Lê Thu Huyền, Giám Đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Giao thông vận tải, Đại Học GTVT, Hà Nội khi trả lời trên bee.net.vn đã cho biết: "trong tất cả những nghiên cứu của Việt Nam hay của chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam đều cho rằng "trên 75% nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông do xe máy".  Mỹ Linh hiện đang sở hữu một căn nhà rộng 1.3ha, hai vợ chồng, mỗi người sở hữu một xe ôtô riêng... nhưng tất cả đó là để phục vụ cho cuộc sống của công việc của họ. Những thứ vợ chồng cô có được chính là thành quả của một quá trình lao động vất vả. Thêm vào đó, dù sống cuộc sống giàu có nhưng những ý kiến phản biện của Mỹ Linh ở đây lại rất gần gũi với ý kiến chung của đa phần người dân bình dân và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh tinh thần phản biện trong xã hội. Mỗi công dân dù là nổi tiếng hay bình thường thì đều có quyền được đóng góp, góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách phù hợp với qui định của pháp luật. Và những ý kiến phản biện đó cần phải được trân trọng và ghi nhận. Việc cố tình áp đặt những cách nhìn nhận phiến diện, chủ quan là điều không thể chấp nhận được và cần phải lên án mạnh mẽ.  Mỗi người dân cần tiếp tục phát huy quyền làm chủ thực sự của mình trong việc tham gia đóng góp vào các chủ trương, chính sách theo đúng các qui định của Hiến pháp và pháp luật để xây dựng xã hội Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh.
Độc giả Nhân Văn