Nếu có Giờ Trái đất - Cần có Ngày nilon

30/03/2012 12:07
Bùi Minh Phương
Việt Nam nên khởi xướng Ngày nilon - Mọi người không sử dụng hoặc hạn chế tối đa sử dụng nilon.

Khoảng 50 năm trước, túi nilon chúng tôi được con người tạo ra và dần thân thuộc trong đời sống. Lúc đầu, chúng tôi được chào đón nhiệt tình bởi tính hữu dụng. Nhưng hôm nay, túi nilon tôi bị loài người ghét bỏ, tẩy chay, và gọi là “thảm hoạ của môi trường”. Có ai nghĩ rằng, chúng tôi không đáng trách, chúng tôi chỉ là vật phẩm do con người làm ra và sử dụng. Lỗi không thuộc về “đứa con” như tôi mà thuộc quyền hạn, trách nhiệm và ý thức của loài người.

Bản thân nilon không có tội

Không thể phủ nhận tính hữu dụng của nilon tôi với loài người. Chúng tôi giúp con người bọc đồ, chứa đồ vừa tiện lợi, lại dai, chắc, bền, nhẹ. Được tạo ra từ nhiều hợp chất là yêu tố đảm bảo tính bền đẹp của chúng tôi. Đó không phải mục tiêu khi con người tạo ra chúng tôi sao?

Nhưng vì quá bền (tuổi thọ trung bình của chúng tôi lên đến hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm) nên khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nilon chúng tôi chịu đủ thứ tai tiếng. Những điều xấu xí về chúng tôi thường xuyên được đưa lên mặt báo.  

“Sự tồn tại của nilon trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Nilon lẫn vào đất làm đất bạc màu. Nhiều loại nilon làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước. Còn đốt sẽ tạo khí thải có chất độc dioxin và Fura gây ngộ độc, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ…Một số loại túi nilon có lẫn lưu huỳnh, dầu hoả nguyên chất khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axít Sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit rất có hại cho phổi.

Túi nilon kẹt sâu trong cống rãnh, kênh rạch làm tắc nghẽn gây ứ đọng nước thải và ngập úng. Các điểm ứ đọng nước thải là nơi sản sinh nhiều vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó túi nilon còn làm mất mỹ quan tới cảnh quan” (trích “Hạn chế sử dụng túi nilon” của Hải Yến – VnExpress).

Hãy tự hỏi vì sao túi nilon bị kẹt sâu trong cống rãnh, trôi ra sông biển và làm nhiều con vật bị chết ngạt. Có phải do ý thức của con người? Nếu không có sự bừa bãi, “thả rác tiện tay” thì nilon chúng tôi đâu có “bay xa, trôi xa” đến vậy. Con người luôn mồm kêu gào lúc nào cũng thấy nilon bay ngoài đường, đâu đâu cũng thấy nilon nhưng có khi nào họ dùng xong chúng tôi thì cho vào thùng rác.

Rác, rác và rác
Rác, rác và rác

Hành vi của con người lại đổ thừa lên đầu chúng tôi là thế nào? Loài nilon chúng tôi đang rất bất bình. Chúng tôi xuất hiện vì nhu cầu của cuộc sống, tuy còn nhiều hạn chế nhưng chúng tôi mong muốn mình được cải tiến để phục vụ nhu cầu con người, để chúng tôi là “nilon thân thiện”. Tôi luôn nghĩ rằng, khẩu hiệu “Tôi ghét nilon” cần đổi lại là “Tôi ghét người dùng nilon không đúng cách”.

Cần nhiều biện pháp

Ở Việt Nam, chúng tôi bị đánh thuế 100% nhưng con người vẫn sử dụng bình thường. Bởi chúng tôi tiện ích, giá rẻ, chấp nhận được. Bản thân chúng tôi cũng muốn nghỉ hưu, rút khỏi thị trường nhưng chưa thể vì chúng tôi vẫn được làm ra. Chúng tôi mệt mỏi vì những lời than phiền, chán với kiểu nói hay hơn làm của con người. Bên cạnh việc đề ra Ngày nilon, đại diện nilon tôi xin được bày tỏ một số ý kiến sau:

Để hạn chế việc sử dụng nilon, cần kiểm soát từ khâu sản xuất, chứ không thể cấm đoán, khuyên can người dân. Theo kết quả điều tra năm 2009, 56% số người biết tác hại của nilon nhưng 100% lại sử dụng nilon để đựng đồ khi mua sắm. Thử hỏi nếu không sản xuất nilon, không có nilon để dùng thì làm sao nilon còn là hiểm hoạ môi trường nữa?

Hơn nữa, loại “túi thân thiện môi trường” không được nhiều người biết đến vì giá quá đắt. Vậy, Nhà nước hãy trợ giá cho những mặt túi thân thiện môi trường, cấm sản xuất loại nilon cũ, sản xuất và đại trà hoá “túi thân thiện môi trường”. Như thế tốt hơn việc Nhà nước thu thuế môi trường từ nilon để xử lý tác hại do chính nó gây ra.

Bên cạnh đó, cần đầu tư mạnh tay cho những công nghệ xử lý rác thải nilon. Một công nghệ mới được thử nghiệm thành công ở Việt Nam là quy trình tái chế thu gom hỗn hợp không qua phân loại. Phần rác hữu cơ được tách ra để sản xuất phân hữu cơ, phần còn lại được nấu lên (chứ không đốt) thành một nguyên liệu. Với công nghệ này, rác thải nilon sẽ được tái chế thành một vật liệu rất tốt để thay thế những vật liệu xây dựng truyền thống như xi măng, cốt thép… Loại vật liệu này có đặc điểm rất bền trước các lực va đập, có thể đúc thành ống cống, cọc tiêu, vạch ngăn đường…

Đó là những ý kiến của cộng đồng nilon chúng tôi. Rất mong con người thay đổi hành vi. Đừng đổ thừa mọi lỗi lầm lên đầu chúng tôi. Chúng tôi mong muốn có ích và thân thiện với môi trường. Vì thế, cầu xin loài người.

Kết quả một điều tra xã hội học về sử dụng túi nilon khó phân hủy (2009)

 Gia đình bạn có sử dụng túi nilon khi đi chợ, đi mua hàng, đựng đồ đạc không?

 - Có: 100%

 - Không: 0%

 Mỗi ngày gia đình bạn sử dụng hết bao nhiêu túi nilon?

 - Dưới 5 cái: 55%

 - Từ 6 – 10 cái: 36%

 Trên 10 cái: 9%

 Bạn có bao giờ nghe nói đến tác hại của túi nilon?

 - Biết rất rõ: 56%

 - Thỉnh thoảng: 42%

 - Chưa bao giờ: 2%

 Sau khi mua hàng về, bạn xử lý thế nào với túi nilon?

 - Vứt ra sọt rác: 71%

 - Rửa sạch để lần sau dùng lại: 19%

 Theo bạn, chúng ta có nên sử dụng các loại túi thân thiện môi trường thay cho túi nilon?

 - Có 98%

 - Không cần thiết: 2%

(Theo Tintuconline)

Bùi Minh Phương