Sinh viên “thử vận may” với lô đề

27/04/2012 12:59
Trần Mai, Lớp Báo in K29a2, HV BC&TT
(GDVN) - Lãng phí thời gian vào những trò vô bổ như lô đề, cờ bạc, game online đang là vấn nạn của không ít sinh viên.
Một khi đã ham hố đỏ đen thì hệ quả không những “tiền mất” mà còn “tật mang”!

Lô đề… thử cho biết, “nghiện” không hay

Với cái triết lí dân gian “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, nhiều bạn sinh viên vin vào đây để bao biện cho việc đánh lô, đánh đề của mình. “Mình ít chơi trò này nhưng cũng đánh vài lần rồi. Thử cho biết và cũng xem vận may của mình đến đâu” – Quý, sinh viên năm 4, ĐH Xây dựng cho biết. 

Thử nhưng không có nghĩa là biết để dừng lại. Cũng giống như cờ bạc, game online, sinh viên bị cuốn vào nó lúc nào chẳng hay. Chơi lô đề lại không mất quá nhiều thời gian, chỉ ngồi tụ tâp ở quán nước trước cổng trường, vỉa hè và không mấy khó khăn ghi vài con lô, con đề.

Hỏi đến lí do thì mỗi bạn lại “chèo chống” khác nhau. Huy, sinh viên khoa Thương mại điện tử, ĐH Thương mại chia sẻ: “Sinh viên thì nhiều lí do, nhiều hoàn cảnh lắm. Cuối tháng hết tiền, không biết xoay xở thế nào, liều đánh vài điểm lô, may mắn thì trúng, bằng không thì đành méo mặt. Đã chơi thì khó dứt, trúng lại ham mà thua chỉ mong gỡ gạc”. Không chỉ dừng lại ở đấy, thêm nhiều lí do khác mà chỉ sinh viên mới dám áp dụng đó là đánh lô về nuôi game. 

Lãng phí thời gian vào những trò vô bổ như lô đề, cờ bạc, game online đang là vấn nạn của không ít sinh viên.
Lãng phí thời gian vào những trò vô bổ như lô đề, cờ bạc, game online đang là vấn nạn của không ít sinh viên.

Chị Huệ - chủ quán nước trong ngõ 105 Hồ Tùng Mậu cho biết: “Sinh viên đánh lô đề thì nhiều lắm, khoảng 50 lượt ghi mỗi ngày thì có chừng 30 là sinh viên. Có đứa ngày nào cũng ghi vì thế mà chi quen mặt nhiều. Chị nhớ có một nhóc quê Yên Bái, học Giao thông vận tải, chẳng biết học hành thế nào chứ đánh lô đề khủng khiếp. Có hôm nó ghi lô đến 100 điểm (2 triệu 3) mà trúng 8 ngày liên tiếp. Hỏi ra thì biết nó đánh lô về nuôi game”.
Với vô số lí do, rất nhiều sinh viên đã bị cuốn vào trò vô bổ này mà không hay biết.

Bí quyết của dân chơi lô đề

Ham mê lô đề không khó nhưng để có thể đánh trúng lại là bài toán không dễ. Theo nhiều sinh viên, một khi đã “nghiện” thì cũng phải vò đầu bứt tai để suy nghĩ hôm nay đề về con gì và nên đánh con gì? Kinh nghiệm của giới sinh viên dựa trên nền tảng một quan điểm  ảo tưởng mà theo họ khá linh ứng – soi cầu.
Giải thích cho điều này, Tuấn, sinh viên cao đẳng Du lịch lấy ví dụ: “Hiểu đơn giản là bạn xem xét sự thay đổi của các con số mà đề về từ trước đó để ước đoán ra một quy luật. Chẳng hạn, hôm kia lô về 00, hôm qua về 11, hôm nay lại về 22 thì có thể ngày mai sẽ là con 33. Cũng có khi dựa vào một ngày đặc biệt nào đấy như 8/3, 30/4... Họ soi lại ngày này của mấy năm trước để tìm ra một con số nào đấy phù hợp đánh trong năm nay. Nếu trượt thì coi như cầu gẫy, lại đi soi cầu mới”.
Bí quyết thêm nữa là nằm mơ, chiêm bao hay bắt gặp vụ tai nạn nào trên đường, nếu có ai chết thì xin số tuổi, nhìn biển số xe về ghi đề… Có vô vàn bí quyết để trở thành “con nghiện” của lô đề.

Hệ quả… “đánh đề ra đê mà ở”

Không ít sinh viên đã ngậm ngùi khi đề về không như con số mình mong đợi. Lúc được thì hồ hởi, vui vẻ cầm tiền trong tay ăn mừng, khi không thì chỉ biết tiếc ngẩn người kèm theo câu quen thuộc “biết thế không đánh con này cho rồi…”. 
Muốn gỡ gạc lại cho bõ tức, tất tả mượn bạn bè tiền chơi tiếp rồi nợ nần cứ thế chất chồng. Không ít sinh viên đến đường cùng phải cắm cả điện thoại, xe máy hay bất cứ thứ gì có giá trị. Thời gian cho bài vở, cho việc học hành chểnh mảng và kéo theo bao hệ lụy khác. 
Theo lời của chị Huệ thì cậu sinh viên quê Yên Bái cũng không ít lần cắm điện thoại rồi cả dây chuyền vì trượt lô: “Hôm trước nó ra ghi lô, chị thấy đeo cái dây bạc to lắm, chắc phải gần 1 cây. Mấy hôm sau ra thì không thấy, hỏi thì nó bảo đi cắm rồi, đánh được thì chuộc sau không thì gọi điện về cho mẹ xin đóng tiền học thêm lẽ nào lại không cho”. 
Với vô số những lí do, những chiêu bài từ việc mê lô đề gây ra, việc học đòi này sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường vì đơn giản “đánh đề ra đê mà ở”! 
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”: Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Trần Mai, Lớp Báo in K29a2, HV BC&TT