Văn hóa... tắc đường của người Hà Nội

04/04/2012 06:58
Diệu Linh
(GDVN) - Với điều kiện nước ta hiện nay, tắc đường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cách ứng xử thiếu văn hóa của người tham gia giao thông.
Trong quá trình đô thị hóa, có một vấn đề giao thông từ lâu vẫn luôn làm đau đầu các nhà quản lý chính quyền là tình trạng tắc đường. Ở nhiều quốc gia, giảm thiểu tắc đường được đánh giá là một bước phát triển của đất nước. 
Tại nước ta, dù đã cố gắng thực hiện nhiều biện pháp về hạ tầng đô thị nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Và trong vấn đề lớn ấy lại nảy sinh vấn đề không nhỏ khác là cách ứng xử của người tham gia giao thông khi gặp phải cảnh tắc đường.

Không chỉ gây ô nhiễm

Tắc đường là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng lượng khói xăng xả ra không khí gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ ô nhiễm không khí, tắc đường còn gây ra ô nhiễm tiếng ồn bởi một trong những hành động dễ thấy nhất của những người tham gia giao thông khi bị tắc đường là... bấm còi inh ỏi (?). 
Anh Việt Dũng (Bạch Mai, Hà Nội) phàn nàn: “Nhà tôi ở mặt phố, lại nằm trên con phố gần với nút giao thông lớn nên thường xuyên bị tra tấn bởi đủ loại tiếng còi xe. Những khi dòng người ùn lại là mọi người thi nhau bấm còi mặc dù biết là người phía trước cũng không còn chỗ nào để nhích, không thể hiểu nổi”.
Một nhóm sinh viên tình nguyện đang kêu gọi những người tham gia giao thông hãy tắt máy khi phải chờ đợi đèn tín hiệu quá lâu (ảnh: Diệu Linh)
Một nhóm sinh viên tình nguyện đang kêu gọi những người tham gia giao thông hãy tắt máy khi phải chờ đợi đèn tín hiệu quá lâu (ảnh: Diệu Linh)
Còn Minh Nguyệt (Lê Đại Hành, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Mỗi lần tắc đường là một lần bực mình. Đã sốt ruột vì phải nhích từng xen-ti-mét mới về được tới nhà, những người đằng sau còn liên tục bóp còi và giục đi nhanh lên, nếu đi được thì tôi đã đi rồi đâu cần ai nhắc. Đằng này quay ra nói lý với họ thì họ càng bóp còi nhiều hơn, to hơn để chọc tức mình. Về sau, tôi mặc kệ cho họ bóp hỏng còi thì thôi”.
Các tổ chức về môi trường thường xuyên tìm cách để tuyên truyền, khuyến khích người tham gia giao thông mỗi khi buộc phải dừng xe quá lâu thì nên tắt máy vừa để tiết kiệm nhiên liệu, vừa đỡ gây ô nhiễm môi trường. Thử hình dung, một đoạn đường bị tắc mà người tham gia giao thông đều tắt máy thì chắc chắn sẽ giảm được một lượng tiếng ồn không nhỏ.

Tắc đường = ô nhiễm... văn hóa

Những người tham gia giao thông chắc chắn không có ai chưa từng một lần trải qua “mùi vị” tắc đường và cũng không dưới một lần gặp phải những chuyện khó chịu.
Đê La Thành là tuyến đường thường xuyên tắc, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm. Với diện tích nhỏ hẹp, lại được phép lưu thông cả những phương tiện giao thông lớn như xe bus, do đó, việc xảy ra ùn tắc là điều không thể tránh khỏi.
Chùa Bộc là một trong những tuyến giao thông thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc vào giờ cao điểm (ảnh: Diệu Linh)
Chùa Bộc là một trong những tuyến giao thông thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc vào giờ cao điểm (ảnh: Diệu Linh)
Hoàng Ly, sinh viên một trường đại học bức xúc kể lại: “Có lần tôi đi qua đường Đê La Thành, chỉ vì một chiếc xe bus quay đầu mà cả hai chiều xe đều kín đặc, tắc nghẽn cả một đoạn dài, không còn lấy một khoảng trống để nhích xe. Vậy mà có một người đàn ông trung niên đi ngay phía sau mình cứ bóp còi inh ỏi, thậm chí nhấn ga để thúc vào xe mình và còn thốt ra những lời lẽ rất khó nghe”.
Bác Trần Văn Duyệt, 60 tuổi, buồn rầu khi nghĩ tới văn hóa của những người tham gia giao thông hiện nay. Trong một lần đường đông, bác đã vô ý gặp va chạm nhỏ với một thanh niên. Lỗi thuộc về cậu thanh niên, thế nhưng bác Duyệt đã không nhận được lời xin lỗi nào mà còn phải nghe những lời rất chướng tai. Cứ tưởng mọi chuyện đã xong, vậy mà ngay sau đó, bác bị cậu ta chờ đón đầu xe để tông thẳng vào. Cuối cùng, bác Duyệt thậm chí phải xin lỗi thì người thanh niên đó mới thôi, không đuổi theo bác nữa.
Câu chuyện tắc đường tưởng chừng chỉ là một vấn đề nhỏ nhưng chính cách hành xử của một bộ phận người tham gia giao thông đã biến nó trở thành vấn đề đạo đức và nhân cách con người. Vốn chỉ cần mỗi người nhường nhau một chút, kiên nhẫn chờ đường lưu thông, nhưng ai cũng muốn vượt lên trước, bất chấp điều đó có nguy hiểm cho người xung quanh, hay là cho cả chính bản thân họ nữa.
Thiết nghĩ, trong khi các lực lượng chức năng còn đang tìm cách giải quyết triệt để vấn đề tắc đường vốn nan giải, người tham gia giao thông nên hình thành một nếp “văn hóa tắc đường” để hình ảnh của người Hà Nội đẹp hơn, thanh lịch hơn.
Diệu Linh