Kẹo lạ giá siêu rẻ của Trung Quốc bị bắt giữ trên phố Hàng Giầy

16/06/2011 03:07
(GDVN) - "Toàn bộ số hàng thu được sẽ được mang đi tiêu hủy", ông Lưu Bách Chiến, đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 2 TP.Hà Nội xác nhận.

(GDVN) - Sáng ngày 16/6/2011, Đội quản lý thị trường số 2 thuộc chi cục quản lý Thị trường Hà Nội bất ngờ kiểm tra trên phố Hàng Giầy, (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bắt giữ một lô hàng gồm các thùng kẹo được gọi là thịt hổ khô, nui cay... của Trung Quốc.

>> Sợ “quên” đóng dấu nhập cảnh, du khách né tour Trung Quốc?

>> DN thủy sản phản ứng thương nhân TQ cạnh tranh thiếu công bằng

>> Trung Quốc gom hàng, nhiều loại thực phẩm trong nước đội giá chóng mặt

Thông tin trên được ông Lưu Bách Chiến, đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 2 TP.Hà Nội xác nhận. Số lượng lô hàng thu giữ khoảng 60 kg, từ một người mang hàng đến giao hàng cho các cửa hàng tạp hóa trên phố này. Qua kiểm tra, người giao hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ lô hàng này.

Thịt hổ, nui khô được bán cho trẻ nhỏ là chính
Thịt hổ, nui khô là món khoái khẩu của nhiều em
nhỏ.

"Toàn bộ số hàng thu được sẽ được mang đi tiêu hủy", ông Chiến khẳng định: "Hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ nên không thể mang đi kiểm nghiệm. Hàng sẽ được tiêu hủy theo quy định hàng không có nguồn gốc xuất xứ". Trong vài ngày tới, đội sẽ kiểm tra ngặt nghèo các của hàng kinh doanh các sản phẩm của Trung Quốc để truy thu hàng không nguồn gốc.

Kẹo lạ Trung Quốc tràn lan ở Hà Nội

Phố Hàng Giầy, Hoàn Kiếm, Hà Nội được coi như một kinh đô của các loại kẹo này. Các cửa hàng công khai bày bán khắp nơi. Họ không ngần ngại giới thiệu đây là kẹo nhập khẩu từ Trung Quốc, giá bán hết sức bình dân từ 20 đến 40 nghìn cho một lố sản phẩm.

Trong vai một người muốn lấy xỉ hàng về bán cho các cửa hàng tạp hóa ở khu vực trường học, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về các loại sản phẩm mà hầu hết chúng đều được quảng cáo là hàng Trung Quốc.

Tại của hàng của người chủ quán tên V., bà đang hì hụi bày hàng ra bán. Nhìn thoáng qua, các sản phẩm từ nui, thạch hình cây bút (hay còn gọi thạch chì), thịt hổ khô, nước uống đóng chai dạng bình xịt, kẹo viên…

Kẹo Trung Quốc bày bán khắp nơi trên phố Hàng Giầy
Kẹo Trung Quốc bày bán khắp nơi trên phố Hàng Giầy.
Một lố hộp nước đóng chai có màu vàng được chào với giá 24 nghìn đồng/24 chai. “Nếu em lấy về bán lẻ bán khoảng 3 nghìn đồng/chai. Tác dụng của sản phẩm này vừa có chức năng uống nước, vừa có chức năng dùng làm đồ chơi. Sau khi hút hết dung dịch bên trong, trẻ nhỏ có thể cho nước vào làm bình xịt.

Phóng viên thử nhấm vào cái nước màu vàng vàng có vị ngọt đậm, “bọn trẻ con thích sản phẩm này lắm, hàng này mới về thôi, em cứ mua đi, nhiều người lấy hàng xong rồi họ quay lại lấy nhiều hơn”, người bán hàng đon đả chào mời.

Những ống được kẹo viên với đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng… được bán với giá 20 đến 28 nghìn đồng/bịch khoảng 20 đến 30 chiếc. Ngoài ra, những viên kẹo còn được bày trong quả bóng nhỏ màu xanh, vàng. “Điều thu hút ở trẻ nhỏ chính là màu sắc. Chúng nó ăn xong lại làm đồ chơi được nên chúng thích lắm”, một người bán hàng cho biết.

Các loại nui khô, mì khô dài từ 30 đến 50 cm, bao bì cáu bẩn, bói mắt cũng không thấy nhãn phụ, tem nhập khẩu. Người bán hàng đưa ra một gói nui quảng cáo đây là mì ống, ăn ngon và không ngấy. Mỗi ngày chị bán hàng chục thùng cho các cửa hàng bán lẻ.

Túi nui cay có vài dòng chữ loằng ngoằng của Trung Quốc, cộng thêm bảo hành của người bán trở thành sản phẩm được ưa chuộng ở các cổng trường tiểu học, mầm non.

Độc hại đến đâu?

Cùng có mặt chọn mua hàng tại một cửa hàng trên phố Hàng Giày, vợ chồng anh Chung có một ki-ốt gần trường tiểu học T.M (Từ Liêm, Hà Nội) nên anh chị thường xuyên lên đây lấy hàng.

Sản phẩm nước uống với giá 1000 đồng/chai
Sản phẩm nước uống với giá... 1.000 đồng/chai.

“Lấy bim bim, hay nui khô gia công của Việt Nam sản xuất khó bán lắm em ạ, cứ lấy các hàng theo anh đảm bảo bán chạy”, vừa nói anh vừa cầm túi được gọi là thịt hổ khô khoe: “cái này ngon lắm, bọn trẻ nghiện và mua nhiều”.

Giá của một bịch túi thịt hổ khô (tên gọi người bán hàng thường gọi) 35 nghìn đồng, người bán có thể về chia thành gói nhỏ bán cho các em học sinh với giá 2.000 đồng/túi. Vừa nhấm thử một gói chúng tôi thấy có vị chua chua, nồng nồng, hắc dai, chúng tôi không hiểu vì sao bọn trẻ lại nghiện?. Trong khi người bán hàng giải thích: “Cái này chỉ hợp với trẻ thôi, người lớn ai ăn cái đó”.

Cũng theo người bán hàng, không chỉ bán ở các cổng trường ở Hà Nội mà sản phẩm này còn bán rất chạy ở các vùng nông thôn. Một phần vì giá cả rẻ, một phần vì họ thích màu mè và không để ý hàng Trung Quốc hay hàng Việt Nam.

Tại một cửa hàng cuối phố Hàng Giầy, những gói hàng từ Trung Quốc đang được các chủ cửa hàng bán lẻ bê chất lên xe mang về cửa hàng. Một người đàn ông khoảng 35 tuổi đang chằng chịt xe hàng vừa khẳng định “cái này chỉ Trung Quốc mới có, em mua về bán cũng được nhưng phải ở trường tiểu học, chứ trung học khó bán hơn vì bọn nó không dễ lừa nữa”.

Trao đổi với phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam, ông Lưu Bách Chiến (đội trưởng đội quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội) cho biết, con phố Hàng Giầy chuyên cung cấp các sản phẩm bánh kẹo cho các vùng nông thôn và dân tộc. Một phần vì khu phố “khuất” nên chi cục không kiểm tra gắt gao thường xuyên.

Trong khi đó, nhắc đến vấn đề kẹo Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, một bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ lắc đầu “lại hàng Trung Quốc”. Vì sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm nghiệm nên cũng khó nói tác hại khi ăn sản phẩm này, nhưng các loại bánh kẹo trôi nổi, giá rẻ bày bán tràn lan như thế thì thực sự nguy hiểm. Nếu thực phẩm đó có chứa phẩm màu, độc tố có thể dẫn đến nguy cơ gây ung thư hay vô sinh, ngộ độc.

Bất cứ một chất hóa học gì, dù vô cơ hay hữu cơ khi đưa vào cơ thể đều gây hại. Đặc biệt chất PAH là một chất cực độc, gây ung thư, đột biến gene nên chỉ được dùng trong công nghiệp (như PAH sơn) đã được phát hiện trong kẹo mút phát sáng của Trung Quốc vào tháng 3/2010.

P.Thúy

>> Sợ “quên” đóng dấu nhập cảnh, du khách né tour Trung Quốc?

>> DN thủy sản phản ứng thương nhân TQ cạnh tranh thiếu công bằng