Di tích lịch sử quốc gia biến thành rẫy sắn

16/06/2011 04:45
(GDVN) - Hiện nay phần mặt bằng khu địa đạo đang biến thành rẫy sắn. Nhiều người lo ngại, với đà này, trong tương lai không xa Địa đạo chỉ còn lại trong ký ức.

(GDVN) - Di tích lịch sử cấp Quốc gia Địa đạo gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên) là chứng tích oai hùng của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thế nhưng, hiện nay phần mặt bằng khu di tích đang biến thành rẫy sắn. Nhiều người lo ngại, với đà này, trong tương lai không xa Địa đạo gò Thì Thùng sẽ chỉ còn trong ký ức.
    
Cách đây hơn 2 năm, địa đạo gò Thì Thùng nằm trên địa bàn xã An Xuân, huyện Tuy An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

ông Đặng Thanh Sơn chỉ một trong những cửa hầm quan trọng nhất bị xập xệ, che kín
Ông Đặng Thanh Sơn chỉ một trong những cửa hầm quan trọng
nhất bị xập

Đã hơn 2 năm kể từ khi được công nhận, lẽ ra di tích lịch sử này phải được trùng tu, tôn tạo để người dân tham quan, tìm hiểu về lịch sử của một địa đạo từng ghi dấu những chiến thắng hào hùng của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thế nhưng hiện nay khi đến đây nhiều người không khỏi bức xúc vì những gì đang diễn ra nơi đây.

Tại khu di tích Địa đạo gò Thì Thùng, ngoài gò đất cao bằng phẳng, nơi vào ngày mùng 09 tháng Giêng hằng năm, diễn ra Hội đua ngựa truyền thống, xung quanh còn có những trảng rừng sim nằm xen lẫn với bạch đàn và keo lá tràm được trồng theo dự án PAM, tạo thành một vạt rừng quanh năm xanh tốt.

Bên dưới những trảng sim và rừng keo này là những đường giao thông hào, hầm địa đạo chạy dọc, ngang cùng những miệng hầm còn tương đối nguyên vẹn. Theo hồ sơ di tích, địa đạo gò Thì Thùng sâu trung bình 5m, dài gần 2km, xung quanh địa đạo là nhiều lớp chiến hào dài khoảng 10km, ghi dấu chiến công vang dội của quân và dân Phú Yên trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Thế nhưng từ đầu năm 2011 đến nay, những vạt rừng này đã nhường chỗ cho những rẫy sắn. Giao thông hào giờ chỉ còn là những hõm đất cạn sau khi bị máy cày lấp đến hai phần. Miệng hầm địa đạo bị sập xệ, cây cối um tùm che kín cả miệng hầm.

Bên cạnh những rẫy sắn đã lên xanh, những vạt rừng khác đang tiếp tục bị chặt phá để cày xới. Bà Nguyễn Thị Ngân, người dân thôn 2 xã An Xuân cho biết, đây là đất trước đây được xã giao cho bà trồng rừng theo chương trình dự án PAM. Năm nay sắn có giá, bà con ai cũng chặt cây bán để lấy đất trồng sắn. Bà Ngân phân trần: “giờ mình thiếu đất, thấy nhiều người làm nên cũng làm, biết là vi phạm đấy nhưng kinh tế mà...”

Ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã An Xuân, huyện Tuy An cho biết, sở dĩ xảy ra tình trạng này là thời gian gần đây, giá sắn tăng cao, người dân ồ ạt phát triển diện tích sắn. Tại khu di tích địa đạo gò Thì Thùng, mặc dù được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhưng đến nay chưa có một bản đồ quy hoạch khu di tích.

Trong khi đó, phần lớn diện tích nằm chồng với diện tích rừng đã được giao cho dân trồng rừng theo dự án PAM nên địa phương cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý. Tuy nhiên, việc dân chặt phá rừng để trồng sắn là sai với mục đích giao đất.

UBND xã đã mời các hộ dân về xã phạt hành chính và làm cam kết, sau vụ sắn phải trồng lại rừng, chậm nhất là tháng 10 năm nay.
   
Không thể chậm trễ

Còn nhớ, năm 2009, khi di tích này được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nhiều nhà chuyên môn cho rằng: Sở dĩ Địa đạo Thì Thùng còn giữ được nguyên vẹn như vậy là nhờ trên mặt đất có cây rừng bao phủ.

Địa đạo đang bị vùi lấp
Địa đạo đang bị vùi lấp

Tuy nhiên, với việc chặt hạ cây và cày xới đất bằng máy cày lớn để trồng sắn, rễ cây không còn, mặt đất lại bị tác động mạnh do máy cày nên khả năng địa đạo bị sập là rất cao. Chính vì vậy, việc đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích địa đạo gò Thì Thùng là việc làm cấp bách và cần thiết.

Ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã An Xuân kiến nghị ngành văn hoá thể thao và du lịch Phú Yên “sớm quy hoạch khu di tích, lên bản đồ để công khai trước dân. Thứ 2 là chỉ đạo việc trồng loại cây gì vừa khai thác có kinh tế cho dân, vừa giữ được rừng, giữ được di tích, đồng thời dành nguồn kinh phí phù hợp để xây dựng biển báo khu di tích, tu bổ các cửa hầm, hệ thống giao thông hào để giữ lại di tích”.

Không chỉ chính quyền địa phương, mà còn có những người một thời gắn bó với Địa đạo gò Thì Thùng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, vượt qua mưa bom, lửa đạn, thức thâu đêm để đào địa đạo, cũng rất trăn trở trước hiện trạng di tích bị xâm hại nghiêm trọng. Họ đều mong muốn các cấp chính quyền phải có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ, tiến đến khôi phục Địa đạo gò Thì Thùng, hạn chế sự xâm hại như đã xảy ra trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Lữ, người trực tiếp đào Địa đạo gò Thì Thùng những năm 60 của thế kỷ trước nói: “Giờ phải tu bổ lại để giáo dục lịch sử cho con cháu sau này. Tôi tha thiết mong Nhà nước sớm đầu tư để chúng tôi còn tự hào về một thời chiến đấu gian khổ trước đây”.

Cũng cần nói thêm, hơn 2 năm kể từ khi được công nhận là di tích lịc sử, văn hóa cấp quốc gia, đến nay tại di tích Địa đạo gò Thì Thùng chưa hề có bất cứ một công trình nào được đầu tư, dù chỉ là một biển báo khu di tích.

Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên cho biết, vốn để trùng tu cho di tích này dự kiến khoảng 6 tỷ đồng nhưng còn phải chờ, ít nhất phải sang năm 2012.

Sự tàn phá của con người và thời gian đang làm cho di tích bị xuống cấp trầm trọng. Rất nhiều việc cần làm để bảo tồn di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo gò Thì Thùng, mà việc làm trước hết là dừng ngay việc phá rừng trồng sắn trên khu di tích lịch sử cấp quốc gia này.

Ngọc Hân