Dán mác an toàn, “lên đời” rau chợ, rau bẩn thành rau siêu thị

16/06/2011 08:03
Một vị Chủ nhiệm HTX đã phù phép "rau chợ" thành "rau an toàn" bằng cách cho thu mua rau không rõ nguồn gốc ở chợ rồi tuồn vào siêu thị dưới mác "rau an toàn".

Một vị Chủ nhiệm HTX đã phù phép "rau chợ" thành "rau an toàn" bằng cách cho thu mua rau không rõ nguồn gốc ở chợ rồi tuồn vào siêu thị dưới mác "rau an toàn".

>> Chùm ảnh: Kinh hoàng rau xanh được tưới bằng "nước tử thần" ở HN

>> Clip: “Lắc đầu, lè lưỡi” cảnh hàng tạ rau cần “tắm” nước cống đen ngòm

"Phù phép" rau chợ thành rau siêu thị

Nhiều ngày cuối tháng 3/2011, lần theo sau chiếc xe tải của ông chủ nhiệm HTX rau sạch Trảng Dài, chúng tôi phát hiện cứ khoảng 20h hàng ngày, chiếc xe tải nhỏ của ông Nguyễn Hữu Đức chạy đến đậu ở phía sau chợ đầu mối rau củ Tân Biên (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) để lấy hàng.

Xe vừa dừng thì từ trên thùng xe tải, mấy tay phụ xe khệ nệ khiêng xuống đất chiếc xe máy Future Neo màu đỏ đen mang biển số 60X6 - 40... Nhanh như chớp, con gái ông Đức leo lên chiếc xe máy phóng nhanh vào chợ.

Công việc của ông Đức lúc này chỉ việc ngồi uống nước ở những quán cạnh chợ đợi con chở rau quả từ chợ ra cho cánh phụ xe chất lên xe tải. Thậm chí, có mối hàng còn chở rau thẳng đến chiếc xe tải để giao cho cha con ông Đức.

Dò hỏi một chị bán nước phía sau chợ, chúng tôi được chị cho biết: "Tối nào tôi cũng thấy chiếc xe tải này đậu ở đây. Không biết họ làm gì, nhưng 10 phút là thấy có người chạy xe máy chở rau đến giao rồi chất lên xe tải".

Sau khi lấy đủ số rau cần thiết, khoảng 1 tiếng sau, chiếc xe tải rời chợ Tân Biên và đi thẳng về hướng Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh). Lúc này, trên xe chỉ có ông Đức và người thanh niên theo phụ việc khoảng 25 tuổi, còn con gái ông Đức đi theo bằng xe máy.

Thông thường, khoảng 22h đêm, chiếc xe tải chở rau trên sẽ dừng bánh trước ki-ốt N2 của chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Khoảng 10 thanh niên đứng sẵn ở đây lao đến xuống rau và "làm hàng" để biến hóa số rau ông thu gom ở chợ thành rau an toàn mang thương hiệu HTX.

Thu mua rau không rõ nguồn gốc ở chợ rồi tuồn vào siêu thị dưới mác "rau an toàn" (Ảnh minh họa).
Thu mua rau không rõ nguồn gốc ở chợ rồi tuồn vào siêu
thị dưới mác "rau an toàn" (Ảnh minh họa)
.

Để chứng tỏ số rau mình bỏ mối cho siêu thị là hàng "sạch", ông Đức còn cân đo từng số lượng rau cụ thể và cho cánh thanh niên bỏ gọn vào khay nhựa hẳn hoi. Trường hợp không đủ số lượng rau cần thiết, ông Đức lại cử cô con gái đi mua lại rau của các chủ vựa rau tại chợ nông sản Thủ Đức.

Từ đây, mớ rau không nguồn gốc được thu mua tại chợ Tân Biên và chợ nông sản Thủ Đức sẽ được "làm sạch" để bỏ mối cho siêu thị. Sau khi đã "phù phép" rau chợ thành rau an toàn, chiếc xe tải chở "rau sạch" do ông Đức điều khiển rời khỏi chợ nông sản Thủ Đức.

Lần theo chiếc xe tải, chúng tôi phát hiện ông Đức cho xe rẽ vào đường Gò Dưa và thẳng hướng về khu công nghiệp Sóng Thần 1 (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Sau khi vượt qua những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, khoảng 1 giờ sau đó, chiếc xe tải chở "rau sạch" có mặt tại trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống của hệ thống siêu thị C. (nằm trong khu công nghiệp Sóng Thần 1).

Gần 1 tuần ròng rã, chúng tôi tiếp tục lần theo hành trình biến hóa "rau sạch" của cha con ông Đức và nhận thấy mọi việc vẫn diễn ra như trước đó. Dưới bàn tay "phù phép" của ông Đức, mớ rau thu gom ngoài chợ trong phút chốc đã trở thành "rau an toàn" và được đưa vào hệ thống siêu thị.

Rau an toàn thành hàng chợ

Vì vị chủ nhiệm HTX này đã phù phép rau bẩn thành rau sạch, nên đương nhiên số lượng rau sạch do xã viên trong HTX này trồng ra sẽ bị "đem con bỏ chợ".

Tìm đến địa chỉ nêu trên, chúng tôi được biết HTX rau an toàn Trảng Dài được thành lập từ tháng 10/2004, có 15 hộ xã viên gồm 7 hộ đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 8 xã viên còn lại trồng rau theo tiêu chuẩn rau an toàn.

Với mục đích cung cấp nguồn rau sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Nhưng qua 6 năm HTX hoạt động, nhiều xã viên trồng rau an toàn hiện lâm vào tình cảnh "dở khóc dở cười" vì sản phẩm của họ chỉ được bán ngoài... chợ.

Xã viên N.T.M cho biết: "Chúng tôi trồng rau an toàn đúng theo cam kết với HTX nhưng phải mang bán như ngoài rau chợ. Dân buôn họ nắm được thóp nên cứ ép giá. Không bán thì rau hư, phải đem bỏ, nên đành bấm bụng bán rẻ...".

Khi nghe chúng tôi thắc mắc về sự chênh lệch giữa giá rau an toàn so với rau ngoài chợ, một xã viên ngậm ngùi: "Mang tiếng là xã viên của HTX nhưng rau do chúng tôi trồng luôn phải đem bán ở thị trường tự do. Hiện không xã viên nào bán rau cho HTX, vì HTX không thu mua rau của xã viên. Đem rau ra chợ bán nên rau của chúng tôi cũng đồng giá như mấy loại rau không nguồn gốc...".

Quan sát những luống rau xanh mướt vừa được tưới nước, chúng tôi không khỏi thắc mắc về nguyên nhân ách tắc ở khâu tiêu thụ và được một xã viên giải thích: "Việc chào hàng, hợp đồng tiêu thụ rau đều do chủ nhiệm HTX thực hiện. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì ông chủ nhiệm HTX lại hiếm khi thu mua rau của xã viên, khiến người trồng rau an toàn như chúng tôi rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm".

Ông cho biết thêm: "Chúng tôi biết ông Đức lấy rau ngoài chợ để bán cho siêu thị. Việc này xảy ra lâu rồi nhưng không làm gì ông ấy được".

Các xã viên cho biết: "Một tháng ông Đức chỉ lấy rau của xã viên vài lần". Trừ khi khan hiếm hàng (hoặc có đợt kiểm tra nguồn rau trồng của HTX), vị chủ nhiệm mới có "nhã ý" lấy rau của vài xã viên. Hậu quả là người trồng rau đổ công sức và vốn đầu tư cho mỗi vụ rau theo quy trình an toàn khá lớn, trong khi nguồn lợi thu về chẳng bao nhiêu.

Lộ mặt sai phạm


Từ những chứng cứ do nhóm PV, CTV báo ĐS &PL cung cấp, UBND TP. Biên Hòa đã kí quyết định thành lập đoàn kiểm tra đối với HTX sản xuất và dịch vụ rau an toàn Trảng Dài. Nội dung kiểm tra bao gồm toàn bộ hoạt động của HTX từ khi thành lập cho đến nay.

Ngày 6/6 vừa qua, Phòng kinh tế thành phố cho biết đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã có báo cáo kết quả kiểm tra tình hình hoạt động của HTX nói trên.

Quá trình kiểm tra, đoàn nhận thấy HTX không có phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các thành viên ban quản trị. Đơn vị này cũng không có kế toán, thu ngân mà việc đó sẽ do ông Đức kiêm nhiệm hết tất cả.

Từ khi thành lập đến nay, đơn vị này chủ yếu làm nhiệm vụ chuyển giao khoa học kĩ thuật về sản xuất nông nghiệp cho xã viên chứ chưa thực sự đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng chỉ tính trong 2 năm 2009 và 2010, doanh thu bán hàng của cá nhân ông Nguyễn Hữu Đức lên đến con số 7, 3 tỉ đồng và hoàn toàn sử dụng hóa đơn của HTX để xuất hàng.

Theo kết quả kiểm tra của đoàn thanh tra liên ngành, trong thời gian từ tháng 8/2009 - 8/2010, ông Đức đã mua rau trôi nổi ngoài chợ Sặc (phường Tân Biên) để cung cấp cho siêu thị C dưới danh nghĩa là HTX và ghi là rau an toàn. Từ tháng 8 - 12/2010, tuy đứng tên là hộ gia đình cung cấp rau cho siêu thị C, nhưng ông Đức vẫn sử dụng phiếu kiểm nghiệm chất lượng của HTX để dễ dàng làm ăn.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã nhận định cá nhân ông Đức đã có hành vi kinh doanh không đúng mặt hàng đăng kí (Không mua rau của xã viên HTX mà dùng rau trôi nổi không rõ nguồn gốc để đưa vào siêu thị). Ngoài ra, vị chủ nhiệm còn cung cấp thông tin sai lệch, thiếu trung thực cho khách hàng và người tiêu dùng hàng hóa (mua rau không đạt chất lượng nhưng xuất hóa đơn bán hàng lại ghi là rau an toàn).

Đoàn đã đề xuất với UBND TP. Biên Hòa xử phạt hành chính với cá nhân ông Đức. Ngoài ra, các ngành liên quan sẽ tiếp tục kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế của ông Đức và HTX để xác định mức độ vi phạm.

Cũng cần nói thêm, mỗi xã viên khi tham gia vào HTX phải đóng vốn điều lệ là 2 triệu đồng. Với số tiền 34 triệu đồng của xã viên tham gia vào HTX, ông Đức đã dùng số tiền ấy bỏ vào tài khoản tiết kiệm của cá nhân mình tại ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam chi nhánh Đồng Nai.

Theo VinaCorp