Bộ trưởng Thăng đề xuất thêm 1 giải pháp chống ùn tắc

05/04/2012 10:17
Tuệ Minh
(GDVN) - Theo tính, đến năm 2020, tàu 1 ray không những gánh được khoảng 90% nhu cầu đi lại do phương tiện công cộng hiện nay chưa đáp ứng được mà dư 40% năng lực.
Sau chuyến khảo sát của Đoàn Khảo sát của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) tại TP. Trùng Khánh (Trung Quốc), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu bổ sung loại hình tàu điện một ray (monorail) vào quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thành – Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho biết: “Một trong những giải pháp để giảm thiểu ùn tắc và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đối với 2 thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là lựa chọn mô hình tàu điện một ray (monorail). 

Hình ảnh về tàu điện 1 ray đang hoạt động
Hình ảnh về tàu điện 1 ray đang hoạt động
Tàu một ray có nhiều ưu điểm nổi trội như: Với 8 toa, khối lượng vận chuyển được khoảng 300.000 lượt/ngày/hướng, còn với tần suất 3,5 phút thì tàu 1 ray có thể vận chuyển 30.000 lượt khách/giờ theo một hướng; khả năng vượt dốc của tàu 1 ray là 6% - phù hợp với những đoạn đường trên cao và ngầm; bán kính cong nhỏ hơn so với loại tàu 2 ray – phù hợp với các khúc cua ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Vụ Đoàn Văn Vươn: Bí thư, chủ tịch xã Vinh Quang trở lại làm việc

Vụ Đoàn Văn Vươn: Bí thư, chủ tịch xã Vinh Quang trở lại làm việc

Bộ trưởng Thăng:

Bộ trưởng Thăng: "Tôi làm, không sợ tín nhiệm cao hay thấp"

Không những vậy, diện tích chiếm dụng của tàu 1 ray nhỏ hơn nhiều so với tàu điện 2 ray, mặt cắt ngang chỉ có 6,5m so với mặt cắt ngang của tàu điện 2 ray tuyến Cát Linh – Hà Đông là 14 m - điều này rất quan trọng khi quỹ đất dành cho giao thông trong nội đô của Hà Nội không còn nhiều; giảm thiểu đầu tư từ 40 -50% so với đường sắt 2 ray trên cao”. 
Theo ông Thành, một trong những ưu điểm lớn của tàu 1 ray nữa là khả năng thi công cơ sở hạ tầng cho tàu 1 ray nhanh, thi công bằng công nghệ trong nước kể cả toa tàu, chỉ phải nhập những linh kiện quan trọng; ít tiếng ồn do tàu sử dụng bánh lốp chạy trên dầm bê tông và chạy với vận tốc 40 – 60 km/h.
Ông Thành cũng cho biết thêm: “Hiện nay, xe buýt mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại. Và để đáp ứng được 100% thì phải tăng thêm 10 lần nữa để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại hiện nay. Nếu đầu tư monorail thì không những đáp ứng được 100% (hết phần xe buýt phải tăng thêm 90%) thì vẫn còn dư thừa 40 – 60% năng lực.

Chúng ta không lo lạc hậu về mặt công nghệ, không lo không đáp ứng được nhu cầu đi lại bởi vì khối lượng vận chuyển từ 300.000 – 400.000 lượt hành khách theo 1 chiều. Trong khi đó, việc chúng ta tăng lượng xe buýt để có thể đáp ứng 100% nhu cầu đi lại hiện nay thì sẽ là vô cùng khó với điều kiện cơ sở hạ tầng gaio thông như hiện nay.

Theo tính toán của chúng tôi, đến năm 2020, tàu điện 1 ray không những đáp ứng nhu cầu khoảng 90% do phương tiện công cộng hiện nay chưa đáp ứng được mà vẫn còn dư thừa khoảng 40% năng lực”.
Trước những ưu điểm lớn như vậy của tàu điện một ray, Bộ Giao thông đã giao cơ quan chức năng làm việc với nhà đầu tư monorail để nghiên cứu trên các trục có lưu lượng 300.000 - 400.000 hành khách mỗi ngày, đảm bảo phù hợp quy hoạch giao thông thành phố.
Bộ Giao thông cho rằng, việc nghiên cứu đầu tư tàu điện 1 ray trên các tuyến nội đô có nhu cầu vận tải 300.000 hành khách mỗi ngày là phù hợp và sẽ góp phần lớn giải quyết ùn tắc tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong thời gian trước mắt và tương lai…
Tuệ Minh