"Hạn chế xe máy để giảm ùn tắc là giải pháp đi từ ngọn xuống gốc"

08/04/2012 13:00
Độc giả Nguyễn Văn Thuật (ĐH Paris 10)
(GDVN) - Đó là đánh giá của độc giả Nguyễn Văn Thuật (NCS-TS ĐH Paris 10 - Pháp) bàn về đề án thu phí giao thông của Bộ GTVT. 
Việc Bộ GTVT đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có đề xuất thu phí hạn chế xe máy ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng với lý do giảm ùn tác giao thông đang nóng “bừng” dư luận.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Vấn nạn ùn tắc giao thông ngày càng nổi cộm ở các thành phố lớn là xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính của vấn nạn này là do quy hoạch và xây dựng cở sở hạ tầng đô thị nói chung, do việc đầu tư, xây dựng hạ tầng và cấu trúc hạ tầng giao thông nói riêng còn nhiều hạn chế. Qua nghiên cứu, có thể nêu một số bất cập này ở một số khía cạnh sau:
Bất cập về cơ sở hạ tầng đô thị
Các trung tâm thương mại, công sở, trường đại học, bệnh viện… chủ yếu tập trung ở nội vi thành phố, lại không có sự phân bổ hợp lí về địa lí và khoảng cách. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng những hạ tầng này ở ngoại vi thành phố và ở nông thôn cũng như việc di chuyển một số cơ sở này ra ngoài thành phố còn hạn chế và chậm do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó phần lớn là do nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.
Bất cập về hạ tầng và cấu trúc giao thông đô thị
Một số tuyến đường chính hiện nay trong thành phố nói chung và ở các khu dân cư nói riêng vừa chật chội, chất lượng và độ bền còn thấp. Một số tuyến đường khác đang xây dựng thì chậm tiến độ. Sự liên kết giữa các tuyến đường với nhau còn chưa thể hiện được tính đa tiện ích cho lưu thông.
Còn những nguyên nhân khác tiếp sức, gây gia tăng ùn tắc giao thông thì có rất nhiều. Đó là do sự phát triển của các loại phương tiện giao thông, do sự gia tăng dân số cơ học ở các thành phố, do ý thức giao thông của người dân tham gia giao thông còn hạn chế trong đoạn đường hay bị ùn tắc nói riêng.

Hạn chế xe máy liệu có làm giảm ùn tắc giao thông? Ảnh minh họa: Tiền phong
Hạn chế xe máy liệu có làm giảm ùn tắc giao thông?
Ảnh minh họa: Tiền phong

Với xe gắn máy, sự gia tăng của nó cũng chỉ là nguyên nhân của tảng “băng” nổi trội trong ùn tắc giao thông ở các thành phố. Song, xét về mặt phát triển, thì sự gia tăng xe máy ở các thành phố không phải là căn nguyên gốc rễ của vấn nạn này. Vì vậy, để giảm ùn tắc giao thông bằng cách hạn chế xe máy, thậm chí là cấm xe máy lưu thông ở những giờ cao điểm trong một số tuyến đường thành phố cũng chỉ là giải pháp đi từ ngọn xuống gốc. Tuy nhiên,  không phải thế mà bảo là việc làm này nếu được thực thi sẽ là phi khoa học trong điều kiện thực tại ở các thành phố của nước ta. 
Hạn chế không có nghĩa là bắt buộc, mà là biến nhận thức thành hành động có trách nhiệm của các cá nhân trước nạn ùn tắc này. Để nhận thức và hành động có trách nhiệm của người tham gia giao thông thì nên chăng đẩy mạnh công tác truyền thông là giải pháp hiệu quả và được nhân dân ủng hộ? Còn cấm xe máy lưu thông ở giờ cao điểm tại một số điểm nào đó thì là biện pháp bắt buộc không cần phải bàn đến nữa nếu nó là cấp bách.
Còn việc thu phí xe máy ở thành phố mà bảo là hạn chế được việc lưu thông của loại phương tiện này để giảm ùn tắc giao thông mới là chuyện chưa có đủ cơ sở khoa học, cũng chưa có cơ sở  thực tiễn và vì vậy nếu việc thu này được thông qua mới là chuyện lạ vừa có thật, vừa không có thật:

Có thật nghĩa là người sở hữu các phương tiện này buộc phải đóng phí.

Không có thật có nghĩa là những người này sẽ không hạn chế sử dụng xe máy của mình? 

Còn chuyện lạ “kép” có thể có thật sẽ là người sở hữu các phương tiện này vừa phải đóng phí, vừa phải hạn chế sử dụng xe máy của mình chăng?

Phí và thuế?

Đối với Nhà nước thì thuế và phí đều là nguồn thu quan trọng để đất nước phát triển. Song, thuế và phí lại có sự khác biệt căn bản. Thuế thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ (bắt buộc) của mỗi công dân, mỗi tổ chức xã hội và đóng thuế đầy đủ mới là thể hiện lòng yêu nước. Còn phí thì lại không thể hiện sự bắt buộc vì nó liên quan đến việc hưởng lợi hoặc sử dụng từ các dịch vụ. Chẳng hạn như: Anh đi qua cầu thì anh phải đóng phí, anh vào rạp xem phim anh phải mua vé.
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận định: “Khái niệm phí đã được nêu trong pháp lệnh phí và lệ phí rất rõ ràng rằng phí là tiền mà cá nhân, tổ chức phải trả khi sử dụng dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác... Nghĩa là tôi sử dụng dịch vụ nào, tôi trả tiền cho dịch vụ ấy và nó có định lượng, nghĩa là tôi đi xe nhiều thì trả nhiều, đi ít thì trả ít”.
Độc giả Nguyễn Văn Thuật (ĐH Paris 10)