TQ đang dùng Biển Đông để thử nghiệm "chiến tranh mềm"

17/06/2011 23:08
Ông Phạm Nguyên Long, nguyên nghiên cứu viên cao cấp Viện Đông Nam Á cho rằng ASEAN cần đoàn kết để ngăn Trung Quốc hiện thực hóa yêu sách "đường lưỡi bò".
Ông Phạm Nguyên Long, nguyên nghiên cứu viên cao cấp Viện Đông Nam Á - Ủy ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho rằng các thành viên ASEAN cần đoàn kết để ngăn Trung Quốc hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”
{iarelatednews articleid='4975,4933,4927,4634,4637,4628,4566'}
* Phóng viên: Đã có nhiều cách nhìn nhận về hành động gây hấn ngày 26-5 và 9-6 của Trung Quốc (TQ) vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này  thế nào?
 
- Ông Phạm Nguyên Long: Những hành động đó của TQ không phải là lần đầu tiên. Năm 1992, tác giả Thời Hoặc Thân của TQ đã đưa ra các lý thuyết về biên giới mềm trong tài liệu nhan đề “Cuộc đấu tranh giành giật biên giới mềm”. Theo tài liệu này, TQ đưa ra 3 lý thuyết để chinh phục các đường “biên giới mềm” của các quốc gia. Thứ nhất,  biên giới sức mạnh lớn hơn biên giới địa lý.
Thứ hai, do điều kiện không gian sinh tồn của TQ ngày càng co hẹp lại, phải mở rộng ra các quốc gia xung quanh. Và triết lý thứ ba đáng sợ nhất là “không đánh mà thắng” dùng khoa học kỹ thuật, chính trị, văn hóa để tấn công vào “biên giới mềm” của các nước rồi sau đó tiến hành “chiến tranh mềm”. Sử dụng phương pháp “thắng lợi áp đảo” thông qua khống chế một không gian nào đó, lũng đoạn một phạm vi nào đó khiến đối phương thay đổi hành động, chính sách đối nội, đối ngoại tuân theo ý chí của TQ.
TQ tuân theo triết lý thắng lợi của kẻ bại trận trong chiến tranh cứng có thể xây dựng lại trên đống tro tàn nhưng kẻ bại trận trong chiến tranh mềm thì chỉ để kẻ khác chặn họng trong biên giới sinh tồn. 
Các cuộc gây hấn trắng trợn của TQ vừa qua cho thấy TQ đang dùng biển Đông để thử nghiệm “chiến tranh mềm”. TQ đang thi hành một thứ chủ nghĩa thực dân kiểu mới, muốn có các chư hầu kiểu mới bị lệ thuộc chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng không thi hành chính sách chiếm đóng quân sự.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ngày càng khó khăn vì tàu hải giám Trung Quốc đe dọa. Trong ảnh: Đội dịch vụ nghề cá đảo Song Tử Tây đang cứu hộ tàu ngư dân gặp nạn khi đánh bắt xa bờ. Ảnh: TTXVN
Tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ngày càng khó khăn vì tàu
hải giám Trung Quốc đe dọa. Trong ảnh: Đội dịch vụ nghề cá đảo
Song Tử Tây đang cứu hộ tàu ngư dân gặp nạn khi đánh bắt xa bờ
* Sau các hành động gây hấn có chủ ý của Trung Quốc đối với Việt Nam, cho đến nay các nước ASEAN nói chung chưa có những phản ứng mạnh mẽ và tích cực?
- ASEAN có nhiều nhóm nước với những lợi ích quốc gia khác nhau. Do điều kiện địa lý, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar không có quyền lợi ở biển Đông, Brunei không có nhu cầu nổi bật. Indonesia thì ở xa vùng tranh chấp. Các nước này đều không muốn căng thẳng quan hệ với TQ. Việt Nam, Philippines và Malaysia là nhóm nước có tranh chấp lợi ích trực tiếp tại biển Đông với TQ nhưng mỗi nước đều có phản ứng khác nhau.  Vì vậy, TQ mới có thể theo đuổi chính sách phân hóa, tiến hành các cuộc đàm phán song phương với từng nước ASEAN chứ không phải là đa phương. 
* Theo ông, ASEAN có rơi vào bẫy của TQ?
-  Bản thân các nước ASEAN cũng muốn lựa chọn một chỗ dựa vững chắc. Thái Lan và Philippines là đồng minh chiến lược ngoài NATO của Mỹ. Malaysia và Indonesia thì muốn giữ thái độ trung lập hơn với phương Tây và Mỹ.  Kể từ năm 2007, các nước ASEAN đã cố gắng tìm tiếng nói chung, mức độ quan hệ tốt hơn qua các cuộc gặp gỡ giữa Thái Lan - Việt Nam, Việt Nam - Malaysia để tìm đối sách chống yêu sách chủ quyền của TQ. Nhưng cũng từ thời điểm này, TQ có ý đồ tấn công khu vực này nhiều hơn với chính sách lâu đời “chia để trị”. 
* ASEAN nên đưa ra đối sách gì để phá bẫy song phương của TQ?
- ASEAN có tiếng nói trên thế giới vì nhiều nước cần ASEAN. Trong tương lai có thể mở rộng từ  ASEAN + 3 lên tới ASEAN + 8 với các đối tác khác nhưng  ASEAN vẫn là trung tâm. Đây chính là thắng lợi của ASEAN, trong đó lợi ích quốc gia thống nhất với lợi ích khu vực. Tôi tin rằng ASEAN sẽ liên kết chặt chẽ hơn.
Việt Nam cần tiến hành thương thảo vừa đa phương vừa song phương. Chúng ta có thể cùng một số nước giải quyết tranh chấp bằng song phương. Như tiến hành thảo luận song phương về Hoàng Sa và đa phương về Trường Sa. ASEAN cần tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc…
* TQ đang thực hiện  chính sách “ngoại giao tiền bạc” với khu vực. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
- Khi đã dùng tiền để đánh đổi thì các nước sẽ theo phương châm “ai mua nhiều tôi bán” mà không nói đến lý tưởng.  Nếu TQ mua được thì các nước khác, như Mỹ chẳng hạn, cũng có thể đổ tiền ra để mua. Thực tế, Mỹ đã tài trợ lớn cho một số quốc gia khu vực. Hiện nay, GDP của TQ mới đạt có 4.000 USD/người, đời sống của người dân nhiều nơi trong nước họ còn khó khăn thì việc thực hiện chính sách “ngoại giao tiền bạc” là bất lợi của TQ.
Theo Bích Diệp/NLĐ