Doanh nhân Phạm Đình Nguyên là người táo bạo?

10/04/2012 13:19
Thanh Mai (Tổng hợp)
(GDVN) - Nắm trong tay mảnh đất giá gần triệu đô, doanh nhân Phạm Đình Nguyên, một người ít tiếng trong giới kinh doanh, bỗng “nổi như cồn” trong vài ngày nay. 
Dạo gần đây, dư luận đang xôn xao về sự kiện một doanh nhân Việt đã bỏ ra 900 nghìn USD để tậu về một thị trấn nhỏ ở nước Mỹ xa xôi. Sự kiện này đã gây chấn động không chỉ dư luận trong nước mà báo chí nước ngoài cũng rất quan tâm. Ông Phạm Đình Nguyên, người đã mua lại thị trấn Buford (bang Wyoming, Mỹ), là người như thế nào thì chưa ai nắm rõ. 
Người ta chỉ biết rằng ông Nguyên là một người chắc hẳn rất giàu có. Bản thân ông cũng là một doanh nhân có rất nhiều kinh nghiệm. Ông đã từng làm ở những tập đoàn lớn như Coca-cola Việt Nam, Nokia Việt Nam, Tập đoàn Kinh Đô, Công ty cổ phần Hàng gia dụng quốc tế với các vị trí rất quan trọng. Hiện tại, ông đang là Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS).

Ông Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS)
Ông Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS)

>>Bấm vào đây để xem hình ảnh mới nhất về thị trấn Buford (Mỹ)

Công ty Dịch vụ phân phối Tổng hợp quốc tế (IDS) của ông Phạm Đình Nguyên được thành lập từ năm 2005. Đó là công ty chuyên cung cấp các sản phẩm gia dụng, thực phẩm, rượu bia, nước giải khát đến các hệ thống siêu thị lớn như Metro, BigC, CoOp Mart và hơn 20.000 cửa hàng trên toàn quốc. Ngoài ra, công ty IDS còn có công rất lớn khi đưa những thương hiệu Việt như Q-Girl, OCleen, Hapi Kids ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Vì thế, chuyện nghe chấn động nhưng lại không có gì ngạc nhiên khi ông Nguyên bỏ tiền túi của mình để mua lại thị trấn Buford nhỏ bé. Mục đích của ông là nhằm biến Buford thành showroom giới thiệu những sản phẩm, thương hiệu Việt Nam ra thị trường Mỹ vốn rất nhiều tiềm năng.
Sự kiện này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Có người khen đó là ý tưởng kinh doanh độc đáo, là xu hướng mới của nền kinh tế thế giới, có người cho rằng đây là một thương vụ bị hớ. Song, theo báo VTCNews, ông Nguyên đã quá hời khi mua lại mảnh đất này. Nếu tính cụ thể, với 900.000 USD, mua 4 ha đất, tức là mỗi m2 có giá 22,5 USD, tương đương khoảng 450.000 đồng. Như vậy, so với giá đất nông nghiệp ở Việt Nam là 500.000 đồng/m2, thì mức giá này vẫn còn thấp hơn.
GS. Đặng Hùng Võ cũng khẳng định thêm: “Bỏ ra gần 1 triệu USD để mua 1 thị trấn ở Mỹ nếu kinh doanh hiệu quả thì là điều quá tốt và rất đáng khen ngợi. Còn việc có mua hớ hay không, tôi cho rằng thời điểm này chưa thể nói được điều gì”. 
Tuy nhiên, dẫn theo nguồn BBC, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa (California, Hoa Kỳ) lại cho rằng những người phát triển địa ốc tại Hoa Kỳ có nhiều nơi đầu tư an toàn và sinh lợi cao hơn nhiều. Họ chỉ ngạc nhiên về lối đầu tư táo bạo của vị doanh nhân này trong bối cảnh hiện nay. Bởi thị trấn Buford chỉ là một vùng đất hoang vắng, là điểm dừng chân cho những chuyến xe chạy đường trường với một cư dân duy nhất là ông Don Sammons sống ở đó. 
Vị đại gia này sẽ làm gì trên mảnh đất rộng hơn 4 ha đất mà chỉ vỏn vẹn có một ngôi nhà tiền chế bằng gỗ xúc có ba phòng ngủ đã mua từ năm 1994; một nhà học xây từ năm 1905 nay dùng làm văn phòng; một chuồng có thể chứa ba xe rưỡi, xây từ năm 1895; và một lều gỗ hơn trăm tuổi nay là một nhà kho.
Ông Nguyên cho biết ông chỉ mới có hơn 10 ngày để quyết định chuyện này, từ lúc đọc tin rao đấu giá trên báo mạng nên chưa có kế hoạch gì đối với thị trấn Buford xa xôi. Mặc dù kế hoạch kinh doanh của ông Phạm Đình Nguyên chưa cụ thể nhưng mục tiêu đã rõ ràng. Đầu tư thành công hay không thành công? Tương lai sẽ trả lời câu hỏi đó.
Thanh Mai (Tổng hợp)