Việt Nam, ASEAN phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển Đông

19/06/2011 11:06
Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp quốc Lê Lương Minh đã lên tiếng phản đối Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Ngày 17/6, tại hội nghị thường niên của các nước thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) ở New York, đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh đã lên tiếng phản đối Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
{iarelatednews articleid='5069,4975,4933,4474,4314,4295,3948,3909'}
Tại hội nghị UNCLOS ở Mỹ ngày 17.6, đại sứ Việt Nam đã lên án việc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu địa chấn của Việt Nam (phải), vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam.
Đại sứ Lê Lương Minh tố cáo Trung Quốc cho phép các tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc cắt cáp của hai tàu thăm dò địa chấn thuộc tập đoàn dầu khí PetroVietnam đang hoạt động trong khu vực chủ quyền lãnh hải Việt Nam ở biển Đông (trong các ngày 26.5 và 9.6.2011).
Tàu hải giám xâm phạm lãnh hải Việt Nam
Tàu hải giám xâm phạm lãnh hải Việt Nam
Đại sứ Lê Lương Minh cho rằng hành động này vi phạm trắng trợn chủ quyền biển của Việt Nam, đồng thời lên án và bác bỏ cái gọi là bản đồ "đường lưỡi bò" chín đoạn của Trung Quốc trên biển Đông. Đại sứ Lê Lương Minh yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam và thực hiện nghiêm chỉnh UNCLOS. Đại sứ khẳng định: Việt Nam kiên trì giải quyết bất đồng biển Đông bằng giải pháp hòa bình thông qua đối thoại đa phương giữa các bên trên cơ sở UNCLOS, DOC và các công ước quốc tế khác liên quan.
Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, diễn văn của các đoàn ASEAN khác, gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào và Singapore đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì hoà bình và an ninh trên biển Đông, tôn trọng và tuân thủ UNCLOS, ủng hộ giải pháp hoà bình để giải quyết các tranh chấp biển đảo tại Biển Đông.
Trong diễn văn đọc tại hội nghị, trưởng đoàn Philippines, ông Henry Bensurto nhấn mạnh: "Các quy tắc của pháp luật là nền tảng của hòa bình, trật tự, và công bằng trong xã hội hiện đại. Tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế là cách bảo vệ hòa bình và giải quyết xung đột”. Ông cũng lên án việc gia tăng các xung đột gần đây trên biển Đông, thậm chí là xung đột tại vùng biển và thềm lục địa trong phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Philippines cũng phản đối việc Trung Quốc mở rộng khái niệm về khu vực tranh chấp trên biển Đông. Bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xâm phạm rất sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước trong khu vực, không dựa trên bất kỳ một cơ sở pháp lý nào.
Vấn đề biển Đông cũng được bàn thảo trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Naoto Kan và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono ở Tokyo hôm 17.6. Nhật kêu gọi các nước giải quyết mâu thuẫn thông qua cơ chế đàm phán đa phương có sự tham dự của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Nhật. Ngoại trưởng Nhật Takeaki Matsumoto nhấn mạnh việc đảm bảo hàng hải tự do và an ninh hàng hải ở biển Đông là “cực kỳ quan trọng” đối với Nhật cũng như cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Indonesia cho biết sẽ đưa vấn đề tranh chấp trên biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) sắp tới nhằm tìm cách thức giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Trả lời phỏng vấn báo Nikkei, Tổng thống Yudhoyono cho biết Indonesia, với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2011, mong muốn thảo luận với Mỹ và Nga tại EAS về tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Trong khi đó, Úc cũng lên tiếng kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông dựa trên UNCLOS.
Ngày 18.6, bộ trưởng quốc phòng Malaysia, Datuk Seri Dr Ahmad Zahid Hamidi nói rằng Malaysia đưa ra một số đề xuất như tổ chức các cuộc họp song phương, theo dõi chung và đối thoại các nước để đi đến thỏa thuận giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Việc giải quyết tranh chấp nên theo tinh thần của UNCLOS.
Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã diễn ra từ ngày 13-17.6, tại New York, Mỹ, với sự tham dự của đại diện gần 200 quốc gia thành viên Công ước, các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. 
Đoàn Việt Nam do thứ trưởng bộ Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Lương Minh dẫn đầu.
Bên cạnh việc đánh giá hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước gồm Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, hội nghị năm nay tập trung thảo luận các biện pháp cải tiến hoạt động của Ủy ban ranh giới thềm lục địa nhằm đẩy nhanh tiến trình xem xét báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa kéo dài, tiến hành bầu 07 thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển và kiểm điểm việc triển khai Công ước.
Theo SGTT