Ông Đoàn Nguyên Đức: Việc mua lại thị trấn Mỹ chả có gì đặc biệt!

12/04/2012 07:05
Hân Ni
(GDVN) - Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT TĐ Hoàng Anh Gia Lai cho biết: "Việc mua lại thị trấn Mỹ là chuyện bình thường!"
Không chỉ nổi tiếng như là một "ông bầu" trong làng bóng đá, ông Đoàn Nguyên Đức còn là một doanh nhân thành đạt qua thương hiệu nổi tiếng Hoàng Anh - Gia Lai. Vị “đại gia” này đã từng khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại đại phương. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác.


Nói về chuyện mua lại thị trấn Mỹ, đại gia Đoàn Nguyên Đức cho rằng: “không có gì đặc biệt hết! Người ta cảm thấy có lợi thì người ta làm”.
Nói về chuyện mua lại thị trấn Mỹ, đại gia Đoàn Nguyên Đức cho rằng: “không có gì đặc biệt hết! Người ta cảm thấy có lợi thì người ta làm”.
Chúng tôi hỏi chuyện Đoàn Nguyên Đức về việc mua lại thị trấn Mỹ đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, bởi lẽ ông là người đi nhiều, biết nhiều, có nhiều kinh nghiệm hướng ngoại, hơn nữa, lại có khát vọng đầu tư ra nước ngoài cũng giống như “giấc mơ Mỹ” mà doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã từng bộc bạch.
Với chút thời gian ngắn ngủi giữa giờ trưa, chia sẻ với báo Giáo Dục Việt Nam, “đại gia” Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT TĐ Hoàng Anh Gia Lai cho rằng: Chuyện mua đứt thị trấn Mỹ của doanh nhân Phạm Đình Nguyên là bình thường, “không có gì đặc biệt hết! Người ta cảm thấy có lợi thì người ta làm”.
Có thể thấy, xu hướng người Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hay sở hữu một tài sản riêng nào đó (không riêng gì mảnh đất) tại nhiều nước trên thế giới đã không còn là chuyện lạ của những người Việt có khát vọng, có ước mơ.

Cũng giống như việc đầu năm 2008, Tờ Times ngày 17/2 đã loan tin, ông Đoàn Nguyên Đức đã tuyên bố muốn mua 20% cổ phần CLB danh tiếng thành London Arsenal.

"Tôi đang dự kiến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ mua 20% cổ phần của CLB Arsenal. Chúng tôi biết rằng cần thời gian để đạt được mục tiêu này, tuy nhiên chúng tôi có quyết tâm, và dự án này có thể thực hiện xong trong 2-3 năm tới", bầu Đức từng nói với báo chí Anh.
Vào thời điểm đó, theo tính toán sơ bộ, để mua được 20% cổ phần của Arsenal, bầu Đức sẽ phải chi khoảng 107 triệu bảng (hơn 3 nghìn hai trăm tỉ đồng Việt Nam).

Tiếp đó, vào giữa năm 2008, rất nhiều những lời bàn ra tán vào xoay quanh chuyện Đoàn Nguyên Đức mua chiếc máy bay Beech King Air 350. Người đồng tình thì cho rằng máy bay sẽ giúp Bầu Đức tiết kiệm thời gian đi lại cho vị doanh nhân bận rộn này. Thế nhưng, không ít ý kiến khác lại nói Bầu Đức chơi ngông khi bỏ ra 5,1 triệu USD chưa kể chi phí thuê phi công, sân đỗ, thuế phí... cho máy bay mà chưa biết hiệu quả công việc đến đâu.
Tuy vậy, sau nhiều năm nhìn lại, Bầu Đức chia sẻ mua máy bay riêng là lựa chọn đúng đắn. "Tôi mua máy bay để giải quyết nhu cầu công việc chứ không phải mua về chỉ để thỏa cái sở thích cá nhân. Tôi không thừa tiền để mua máy bay chỉ để thỏa mãn cái thú vui ngắm cảnh", ông Đức đã nói như vậy trước công luận.

Có người cho rằng: Phạm Đình Nguyên đã "mua hớ", chơi ngông khi bỏ ra 900.000 USD để mua mảnh đất hoang vu, chỉ một người dân sinh sống nhưng ông chủ cũ của thị trấn nhỏ tại Mỹ Don Sammons lại nhìn thấy "sự đam mê của những người trẻ đầy nhiệt huyết, cũng hệt như tôi lúc còn trai trẻ quyết định gắn đời mình với thị trấn này cách đây hơn 30 năm". (Ảnh: Phạm Đình Nguyên)
Có người cho rằng: Phạm Đình Nguyên đã "mua hớ", chơi ngông khi bỏ ra 900.000 USD để mua mảnh đất hoang vu, chỉ một người dân sinh sống nhưng ông chủ cũ của thị trấn nhỏ tại Mỹ Don Sammons lại nhìn thấy "sự đam mê của những người trẻ đầy nhiệt huyết, cũng hệt như tôi lúc còn trai trẻ quyết định gắn đời mình với thị trấn này cách đây hơn 30 năm". (Ảnh: Phạm Đình Nguyên)
Cũng tương tự như thế, trước quyết định mua lại thị trấn nhỏ nhất ở Mỹ của Phạm Đình Nguyên cũng có nhiều ý kiến trái chiều, có người ủng hộ, có người bảo ông “chơi ngông” khi mượn 100.000 USD bằng tiền hỗ trợ của người thân tại Mỹ, chỉ để mua một miếng đất hoang vu, có duy nhất một dân cư sinh sống. Trong khi đó còn không ít những rào cản đang chờ đợi ông Nguyên trong thời gian tới. 
Và việc thanh toán nốt 800.000 USD bằng nguồn nào đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm, bởi chuyển tiền từ Việt Nam đi hiện vẫn rất khó khăn kể cả trong trường hợp ông Nguyên đầu tư tài sản này với tư cách cá nhân hay doanh nghiệp.
Tuy vậy, chia sẻ với báo Giáo Dục Việt Nam, với kinh nghiệm của một người từng trải trên thương trường, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức cho rằng: “Ai có nhu cầu thực sự thì mua. Mỗi người có một quyết định khác nhau. Giống như việc tôi mua máy bay để phục vụ đi lại còn anh Nguyên mua thị trấn Mỹ để phục vụ kinh doanh đầu tư”.
Với ý tưởng ban đầu mà Phạm Đình Nguyên bật mí với báo chí, dự định biến thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ này thành một nơi phân phối, “bàn đạp tinh thần” đưa hàng Việt, các sản phẩm mới của công ty IDS, theo Đoàn Nguyên Đức: “Nếu làm được ý tưởng đó thì tốt”. 
Ông Đức cho rằng: Tất cả lĩnh vực đều có thể tham gia đầu tư bên nước ngoài và cơ hội dành cho người Việt khẳng định vị thế của mình trên thương trường quốc tế là rất lớn cũng như đầy thử thách. 
Bởi lẽ, vươn ra tầm cao mới ở nước ngoài là giấc mơ của người Việt song “đầu tư ở nước ngoài ở Việt Nam chỉ là bước đầu, so với thế giới chưa ăn thua gì!” – Ông Đoàn Nguyên Đức nói.
Như vậy, dù là mong manh nhưng những người dân Việt có quyền hi vọng Phạm Đình Nguyên có thể làm nên “một điều gì đó” cho nước nhà giữa chốn hoang vu, hẻo lánh của vùng đất lộng gió – thị trấn Buford (Mỹ)!
Hân Ni