Du ngoạn miền sơn cước

25/04/2012 13:16
Nguyễn Xuân Hoàng (Báo in 29A2)
(GDVN) - Người ta bảo, đi trên những cung đường rẻo cao, có ngày sẽ bị nó mê hoặc quên lối về nhà. Bởi những cung đường ở đó đẹp lắm!
Năm nào chúng tôi cũng du ngoạn trên rẻo cao một vài lần. Khoảng độ tháng 4, tháng 5, khi cái lạnh cắt da cắt thịt trên rẻo cao bị xua đi, thay vào đó là cảm giác mơn man, đùa giỡn của ngọn gió chướng. Mỗi khi phát ra tiếng kêu ù ù, rồi những ngọn gió đua nhau nghiêng mình đổ xuống trên những sườn núi đá hoang dại. Lúc ấy ta cứ ngỡ mình đang lạc vào chốn thiên đường. 
Nhớ đến cảnh ấy, những kẻ thích lang bạt như chúng tôi, lại bắt đầu hò nhau, tụm ba, tụm bảy, sắm sửa đồ đạc, xe cộ rời nhà đi phượt cả tuần trời. Lạ ở chỗ có những địa danh  năm nào chúng tôi cũng đến, mòn cả lối đi, thuộc cả cung đường, thế mà vẫn cứ muốn đến. 
Người ta bảo, đi trên những cung đường rẻo cao, có ngày sẽ bị nó mê hoặc quên lối về nhà. Bởi những cung đường ở đó đẹp lắm! Đẹp bởi sự hiểm trở đến rợn người, ngẹt thở giữa núi rừng hoang dại. Đôi lúc lại giống như một bức tranh thủy mặc đối với ai đó có tâm hồn nghệ sĩ. Và thiên nhiên nơi đây đã không ngần ngại vẽ lên một bức tranh để dụ dỗ con người.

Những nương ruộng bậc thang ở miền núi phía Tây Thanh Hóa
Những nương ruộng bậc thang ở miền núi phía Tây Thanh Hóa

Đó là những con đường mềm mại như dải lụa vắt mình qua những đỉnh núi cheo leo. Đôi lúc lại thấy con đường như muốn chúi mình đâm thẳng xuống vực. Có khi con đường lại dũng mãnh như một chiến binh ngược hẳn lên, rồi lao mình xẻ đôi quả đồi. Lại có những đoạn đường cứ xoay vòng, xoay vòng trông như sợi dây ôm chặt núi đồi. Có đoạn bất thình lình đường bỗng chui tọt qua những cánh rừng bạt ngàn rồi mất hút. Phải phóng tầm mắt thật xa hàng cây số mới thấy con đường đất nhỏ nhắn, xinh đẹp, như một vạch đỏ kẻ trên vùng biên giới xa xôi nơi địa đầu hẻo lánh của tổ quốc. 
Đứng trên độ cao cả trăm mét, để hít thở khí thiêng của đất trời, tôi như chết lặng người đi như ngỡ mình đã lạc vào tiên cảnh. Dưới kia, những con sông hiền hòa cứ lặng lờ trôi. Những nương ruộng bậc thang cũng nằm nghiêng nghiêng. Bờ ruộng kẻ thành những ô vuông chằng chịt như hình bạt cờ. Điểm một vài ba căn nhà sàn có mái lợp đen mịt vì nhuốm màu khói, lạc giữa nương ruộng, như những quân cờ nằm trên bàn.

Cảnh đi bè luồng của dân tộc Thái trên con sông Âm ở Lang Chánh, Thanh Hóa
Cảnh đi bè luồng của dân tộc Thái trên con sông Âm ở Lang Chánh, Thanh Hóa
 
Dọc ven sông, vài guồng nước khổng lồ dàn hàng ngang, cứ quay từ từ, vận những khối nước đổ vào ruộng. Trên những thửa ruộng, cây ngô đã cao ngang đầu con trẻ. Cây lúa cũng đã bén rễ xanh đồng. Màu xanh của cỏ cây, hoa màu trải ra hút tầm mắt trên những bình nguyên bao la, nhuốm một màu xanh mênh mông đến tận chân trời. 
Chúng tôi nhấn ga, ghì phanh, bò chầm chậm qua những con đường đất hiểm trở dọc theo các bản làng. Nơi đó có những ngôi nhà sàn trát đất, lợp bằng lá cọ nằm lẩn khuất, lấp ló trong tán lá rừng. Có nhà trơ trọi, nằm cheo leo trên những gò đất. Nhà nào cũng đỏ lửa, khói bay nghi ngút qua những mái lợp sực nức mùi thịt nướng. 

Men theo bờ sông Mã từ Xiềng Ngọ, Sốp Bâu – Hủa Phăn của Lào, chảy về Mường Lát (Thanh Hóa), rồi tiếp tục sang cả Mai Châu (Hòa Bình), nơi con đường mà đoàn quân Tây Tiến đi qua đầu thế kỷ trước, chúng tôi mới thấy những chiến sĩ của ta oai hùng thế nào. Một vài ngày tiếp theo chúng tôi lại lang thang đến Phong Thổ, Lai Châu. Rồi tiếp tục băng qua dòng sông Nậm So ở thượng nguồn sông Đà. 
Mỗi nơi chúng tôi đi qua có biết bao điều lạ lẫm. Lạ từ những em nhỏ mặt mũi lấm lem đứng trước cổng nhà ngó nghiêng nhìn khách. Các bà các mế địu con sau lưng bằng một tấm vải lớn, chân đi đất trèo lên các sườn núi cao để đốt nương làm rẫy. Đặc biệt, các cô gái tuổi non tơ quần tụ dưới dòng suối, thả những áng tóc dài mướt xuống làn nước biếc gội rửa, rồi í ới gọi nhau. 

Những kẻ thích đi phượt chụp tại guồng nước ở Lang Chánh ( Thanh Hóa)
Những kẻ thích đi phượt chụp tại guồng nước ở Lang Chánh ( Thanh Hóa)

Thấy có kẻ ngoại đạo giơ máy ảnh chĩa vào mình, cô nào cô nấy cười khúc khích đầy vẻ e thẹn, rồi vấn tóc, leo lên bờ, vội vàng lẩn trốn trong tán lá rừng. Tôi cảm thấy có lỗi và tự hỏi mình: phải chăng tôi đã tình cờ mang chút thị thành huyên náo về núi rừng yên ả?
Nghe bảo trên rẻo cao đẹp nhất phải kể đến gái Thái và gái Mường. Nếu như ví gái Mường là hoa sưa trắng, cổ cao ba ngấn, chẳng cần trang điểm vẫn cứ đẹp lộng lẫy, thì gái Thái lại được ví như đóa hoa ban rừng. Người ta gọi các cô là mỹ nhân cũng phải, bởi cô nào cô nấy đều mang một vẻ đẹp thơ mộng của miền sơn cước, với dáng vóc khỏe khoắn, nước da trắng ngần, và giọng nói líu lo hay như chim họa mi hót. Đặc biệt gái Thái cô nào, cô nấy trên đầu có quấn khăn piêu, trông như con bướm xập xòe bay lượn, làm nghiêng ngả cả núi rừng.
Xa xa, bên cạnh những đàn trâu gặm cỏ, các em nhỏ người Mông đang chất củi để nướng sắn, nướng khoai. Trong đống củi bập bùng ánh lửa, những củ sắn chín nứt vỏ, bở tươm màu bột trắng. Lẫn mùi thơm của sắn, khoai là mùi thịt chuột nướng do các trai bản lùng sục bắt được ở trong rừng. Chúng tôi cũng tiến lại xin vài củ ăn chơi. Mới cắn một miếng miệng đã phỏng tếu, nên vừa ăn phải vừa thổi phù phù.
Chiều trên rẻo cao trở tối mau. Dù đã chuyển tiết nhưng khói sương vẫn bay lãng đãng trên những cánh rừng bạt ngàn lau sậy. Sương lững thững ngay trên đỉnh đầu. Sương đậu trên mái nhà tạo thành những hột nước nhỏ giọt, góp cái lạnh vào không gian.

Cung đường hiểm trở ở Mường Lát, Thanh Hóa
Cung đường hiểm trở ở Mường Lát, Thanh Hóa

Có vô vàn cảm xúc mông lung trên rẻo cao. Bởi vì không có tiếng ồn ào của xe cộ, nhà máy. Chỉ có tiếng lào xào của lau sậy bị xô bạt trong gió. Thỉnh thoảng là sự góp nhặt của đôi ba tiếng chim gù. Hay tiếng be be của con dê núi gọi đàn trên những mỏm đá chơi vơi.
Buổi tối hôm đó, chúng tôi đã ngủ lại lán canh của ba nông phu người Thái. Ngoài trời se lạnh, trong lán chúng tôi ngồi uống rượu ngô, rượu sắn. Uống đôi ba chén mặt đỏ bừng như có luồng nóng chạy dọc khắp thân thể. Nghe bảo trai bản mê rượu như mê gái, nên được uống phải uống cho say, uống khi cảm giác lâng lâng như muốn bay lên thì mới gọi là uống. 
Biết rằng hôm nay khó tránh khỏi đòn rượu, nên chúng tôi chỉ còn biết cố gắng để không làm mất mặt cánh nam nhi miền xuôi. 
Uống chén đầu cay cay đầu lưỡi. Uống chén hai như có máu nóng trong người. Uống chén ba thì cảm thấy đầu biêng biêng. Vừa uống lại vừa nhắm với thịt trâu khô treo gác bếp thì ngon phải biết. Còn nhắm với món rau cải nướng thì ngon hết sẩy. Nhưng tôi nhớ nhất là món thịt dúi, người vùng cao gọi là chuột đồi.
Cứ như thế, con đường du ngoạn rẻo cao sẽ còn dài mãi, nối liền theo những bản làng, hay những con dốc đổ đèo, những con đường vượt đồi xẻ núi, hay những nương ruộng bạc hà diễm lệ đang đón đợi chúng tôi ở phía trước. Đặc biệt là tình cảm chân thành, ấm tình người của bà con vùng cao, như một món quà vô giá mà chúng tôi mãi không quên.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ” và tiểu mục “Nếu tôi là...":Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nguyễn Xuân Hoàng (Báo in 29A2)