Vụ doanh nhân mua thị trấn Mỹ: "Rủi ro càng cao, thành công càng lớn"

13/04/2012 07:16
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Thị trường Mỹ rất tiềm năng cho cách doanh nhân Việt. Thị trường nào cũng có cái hay cái dở. Rủi ro càng cao thì thành công càng lớn.
Xung quanh câu chuyện doanh nhân Phạm Đình Nguyên bỏ ra số tiền gần 1 triệu USD để sở hữu thị trấn Buford (Mỹ) có rất nhiều quan điểm khác nhau, người cho rằng đây là một ý tưởng đột phá đầy ấn tượng, nhưng cũng có người nói số tiền đầu tư vào thương vụ này không lớn, nhất là lại đầu tư trên đất Mỹ, vì thế chẳng có gì đáng nói.

Còn với Doanh nhân Lý Quí Trung - Giám đốc điều hành Nam An Group, Đồng sáng lập thương hiệu Phở 24, thì đây là một thương vụ "khá thú vị". Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng ông xung quanh thương vụ mua đứt thị trấn Buford (Mỹ) của doanh nhân Phạm Đình Nguyên.
Doanh nhân Lý Quí Trung
Doanh nhân Lý Quí Trung
PV: Ông đánh giá thế nào khi có một người Việt Nam dám bỏ ra 900 nghìn đô để mua một thị trấn nhỏ ở Mỹ? Điều có nói lên điều gì về khát vọng của người Việt Nam không, thưa ông?

Doanh nhân Lý Quí Trung: Tôi có đọc thông tin này trên các báo, nhưng cũng chỉ là những thông tin rất chung chung thôi. Số tiền gần một triệu đôla Mỹ đối với kinh doanh bất động sản là không lớn, nhưng bất động sản này lại là một thị trấn tại Mỹ thì khá là thú vị.

Làm sao để biến một thị trấn gần như không người ở này thành một nơi kinh doanh hiệu quả là một thách thức không nhỏ. Chắc chắn nhà đầu tư đã phải có một kế hoạch rõ ràng mới đi đến quyết định táo bạo này. Và tôi mong dự án này thành công rực rỡ. Nếu dự án này thành công thì đó cũng là niềm tự hào của người Việt Nam, nhất là khi thành công ấy diễn ra ở ngay trên nước Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.

PV: Ông là một diễn giả, đã từng diễn thuyết ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Vậy, ông thấy thị trường Mỹ có những tiềm năng gì cho doanh nhân Việt? Doanh nhân Việt sẽ vấp phải những khó khăn gì khi đầu tư vào thị trường Mỹ?

Ông Lý Quí Trung: Thị trường Mỹ cũng như thị trường các nước phát triển khác đều tiềm năng cho các doanh nhân Việt Nam, miễn là chọn đúng thời điểm và lãnh vực kinh doanh. Tôi nghĩ doanh nhân đương đại phải nhìn thị trường ở gốc độ toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam, tuy có thể đi theo từng giai đoạn khác nhau. Các nhà đầu tư nước ngoài đi vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội, vậy tại sao các doanh nhân Việt Nam không đến nước họ để làm giống như vậy.


Buford nằm ở độ cao 2400m so với mực nước biển, có dân số là 01 người trước khi diễn ra cuộc đấu giá.
Buford nằm ở độ cao 2400m so với mực nước biển, có dân số là 01 người trước khi diễn ra cuộc đấu giá.

Có những thứ mà khi mang ra nước ngoài lại ít cạnh tranh hơn và nhu cầu thị trường lại lớn hơn. Thí dụ, mở một nhà hàng Việt Nam tại TP.HCM trong thời điểm này có vẻ như khó thành công hơn khi mở tại Tokyo hay các thành phố lớn khác trên thế giới. Đơn giản vì giá thuê mặt bằng tại trung tâm TP của Việt Nam đã quá cao so với doanh thu, với thu nhập bình quân đầu người, mà cạnh tranh lại càng ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, người mang chuông đi đánh xứ người lúc nào cũng gặp phải những khó khăn mà họ chưa bao giờ có kinh nghiệm qua. Ví dụ như kiến thức về địa phương, thị trường, văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật… Chính những yếu tố này ít nhiều đã làm nhiều người lưỡng lự trong quyết định bành trướng kinh doanh ra nước ngoài.

PV: Được biết, vị doanh nhân mua thị trấn ở Mỹ quyết định rất nhanh trong cuộc đấu giá, có khi nào anh đưa ra những quyết định rất nhanh làm thay đổi sự nghiệp, và cuộc đời của mình?

Ông Lý Quí Trung: Tôi không rõ nội tình của thương vụ này lắm, nhưng đưa ra quyết định nhanh trong cuộc đấu giá không đồng nghĩa với suy nghĩ, tính toán nhanh. Tôi chắc rằng, trước khi quyết định mua thị trấn tại Mỹ, nhà đầu tư này đã 'thai nghén' ý tưởng và suy nghĩ rất cẩn thận.

Tôi cũng thích ra quyết định rất nhanh, nhưng mỗi quyết định đều phải được đầu tư suy nghĩ trước đó. Ví dụ như khi đàm phán với cấp có thẩm quyền cao nhất của các đối tác tôi thích đưa ra các quyết định nhanh ngay trên bàn họp, tạo chất xúc tác để hai bên có thể cởi mở và linh động hơn trong việc ký kết. Dĩ nhiên, tất cả các quyết định nhanh này thường nằm trong những suy nghĩ, tính toán từ trước.

PV: Nếu bây giờ đầu tư vào Mỹ, ông sẽ chọn lĩnh vực nào?

Ông Lý Quí Trung: Tôi chưa có suy nghĩ đầu tư vào Mỹ lúc này tuy nhận thấy thị trường Mỹ là một thị trường rất lớn. Nếu có đầu tư thì chắc tôi chỉ làm cái mình rành nhất, đó là lãnh vực ẩm thực.

PV: Thị trường Mỹ rộng lớn và minh bạch chính là cơ hội cho doanh nhân người Việt, nhưng tại đây đã có quá nhiều doanh nghiệp mạnh, nên có thể nguy cơ thất bại cũng rất cao. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Lý Quí Trung: Thị trường nào cũng có cái hay cái dở. Rủi ro càng lớn thì thành công càng lớn. Các doanh nhân thành công hàng đầu tại Mỹ thường là những người giàu nhất thế giới. Các thương hiệu thành công tại Mỹ thường trở thành thường hiệu toàn cầu.

Thử tưởng tượng Facebook hay Google mà bắt đầu từ một nước có nền kinh tế nhỏ thì có được như ngày hôm nay? Nói như thế không có nghĩa là ai cũng nên vào Mỹ làm ăn mà phải “liệu cơm gắp mắm”. Phải đúng lúc, đúng thị trường, đúng khả năng và đúng nhu cầu thì mới nên nghĩ đến chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Ngọc Quang (Thực hiện)