Gian truân nhận phụ cấp thâm niên

13/04/2012 06:58
Theo TT
(GDVN) - Hết chờ đợi thông tư hướng dẫn, giáo viên lại phải chờ thủ tục xét duyệt cùng nhiều thứ rối rắm phát sinh trong quá trình khai thâm niên giảng dạy.

Rốt cuộc, gần một năm trôi qua, hơn 1 triệu giáo viên thuộc diện hưởng phụ cấp thâm niên theo nghị định 54/2011/NĐ-CP vẫn chưa được nhận khoản tiền này.

Một phần do quy định chưa rõ, một phần do thất lạc giấy tờ cùng những sai sót về hưởng các chế độ cách đây cả chục hay hàng chục năm khiến việc khai thâm niên đối với những giáo viên lâu năm - đối tượng thụ hưởng ưu tiên của chế độ phụ cấp thâm niên - trở nên phức tạp và mệt mỏi. Có trường hợp giáo viên bị thất lạc giấy tờ, hồ sơ nên dù công tác lâu năm cũng không chứng minh được thâm niên.

Khi thâm niên bị... thâm hụt

Thầy Dũng, giáo viên dạy văn tại Q.11, TP.HCM, có hơn 22 năm đứng trên bục giảng. “Thời của tôi hầu như ai cũng phải thực tập 24 tháng mới được nhận quyết định làm việc chính thức. Khi kết thúc thực tập, do trường thay đổi hiệu trưởng nên phải một năm sau tôi mới có quyết định kết thúc tập sự. Thời đó, nhiều giáo viên cũng không để ý đến việc làm hồ sơ chính thức ngay sau khi hết thời hạn tập sự mà có thể 2 - 3 năm sau mới làm. Do vậy, khi khai để hưởng phụ cấp thâm niên đều bị “hụt” mấy năm. Mặt khác, vài năm trở lại đây thời gian thực tập của giáo viên giảm chỉ còn 12 tháng. Đó cũng là thiệt thòi cho những giáo viên thế hệ trước” - thầy Dũng băn khoăn. Như vậy, tuy giảng dạy 22 năm nhưng thực tế thầy Dũng chỉ được tính thâm niên 19 năm.

Giáo viên 61 tuổi bị bắt vì... bỏ gián vào mồm học sinh

Giáo viên 61 tuổi bị bắt vì... bỏ gián vào mồm học sinh

Nhà văn Nguyên Ngọc: Coi trọng “trinh tiết” là một suy nghĩ tầm thường

Nhà văn Nguyên Ngọc: Coi trọng “trinh tiết” là một suy nghĩ tầm thường

 Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của trường Đại học hàng đầu Canada

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của trường Đại học hàng đầu Canada

Một giáo viên Trường THPT Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng bức xúc: “Ở trường tôi có khá nhiều trường hợp cách đây nhiều năm không làm giấy kết thúc tập sự mà để nhiều năm sau mới làm nên coi như thời gian đó bị mất. Giá mà tính từ khi nhận nhiệm sở, họ đỡ thiệt thòi hơn”. Một giáo viên khác cũng rối bời vì thời điểm ra trường năm 1991, sau khi tập sự xong, cơ sở không tuyển biên chế một thời gian dài, chỉ ký hợp đồng theo từng năm, mà việc khai phụ cấp thâm niên chỉ tính từ lúc vào biên chế.

Trường hợp của cô P. ở Tân An, Long An lại có khó khăn khác. Ban đầu cô là giáo viên, rồi được điều động làm cán bộ văn thư tại thư viện bốn năm do nhà trường thiếu nhân viên phụ trách thư viện. Sau đó cô được trở lại giảng dạy, song bốn năm làm công tác thủ thư thì không được tính vào thâm niên. Cô băn khoăn: “Không lẽ vì tuân theo điều động của nhà trường mà quyền lợi của tôi bị ảnh hưởng?”.

Bỗng dưng mất phụ cấp

Bên cạnh những trường hợp bị “thâm hụt” thâm niên nói trên, còn có hàng nghìn giáo viên có đến mấy chục năm đóng góp cho ngành nhưng đến nay lại không thuộc diện được xét hưởng phụ cấp. Đó là những giáo viên giỏi chuyên môn, những cán bộ giỏi được điều từ các trường về làm chuyên viên, lãnh đạo các phòng và sở GD-ĐT. Theo quy định, chuyên viên và cán bộ quản lý làm việc ở phòng và sở GD-ĐT chỉ được hưởng phụ cấp công vụ (ở mức 10% lương cho tất cả mọi trường hợp) và không được hưởng phụ cấp thâm niên. Với quy định này, giáo viên ở trường đến tuổi hưu sẽ hưởng mức lương cao hơn gấp rưỡi lương giáo viên đang công tác ở phòng và sở.

Ông Văn Công Sang, trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, diễn giải: với một giáo viên có 35 năm thâm niên, mức phụ cấp thâm niên được hưởng sẽ là 35% lương, cộng với 30% phụ cấp đứng lớp, tổng cộng sẽ nhận thêm 65% lương. Nhưng nếu đó là một giáo viên giỏi được điều động về phòng, sở chỉ được hưởng 10% phụ cấp công vụ, tức là mất 55% lương. Đáng buồn hơn nữa, theo quy định, khoản phụ cấp thâm niên sẽ được tính chung vào lương hưu cho giáo viên. Như vậy, lương hưu của một giáo viên sẽ cao hơn lương của giám đốc sở cũng như tất cả mọi người công tác ở phòng và sở.

Cô Võ Ngọc Thu, trưởng Phòng GD-ĐT Q.5, TP.HCM, ưu tư: “Trước quy định phụ cấp thâm niên, nhiều chuyên viên trên dưới 30 năm nửa đùa nửa thật xin về trường làm giáo viên để được về hưu với mức lương khá hơn. Họ đều là những giáo viên rất giỏi, nay phải chịu thiệt thòi lớn. Giải quyết như thế nào cho đối tượng này? Và rồi, các phòng và sở GD-ĐT làm sao thu hút người giỏi lên làm công tác chuyên môn?”.

Ông Văn Công Sang - trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM: “Sau khi có thông tư hướng dẫn, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn các quận, huyện và các trường lập danh sách giáo viên thuộc diện được hưởng phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, đi vào thực tế phát sinh nhiều trường hợp không có trong quy định nên chưa biết giải quyết thế nào. Trước mắt, những trường hợp quá trình giảng dạy suôn sẻ sẽ được giải quyết sớm. Những trường hợp có rắc rối, nếu chưa có trong quy định, sở sẽ phải hỏi ý kiến Bộ GD-ĐT để giải quyết.

Theo TT