Ngân hàng mở “hầu bao”, định lượng vẫn bị kiểm soát chặt

13/04/2012 14:36
Nguyễn Hoài/Vneconomy
Việc giảm 1% trần lãi suất tiền gửi và mở rộng danh mục cho vay bất động sản đã có những tác động mạnh.
Có lẽ, các ngân hàng thương mại là lực lượng “đi trước đón đầu” trong việc tiếp nhận động thái giảm các lãi suất điều hành chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước hôm 10/4 khi nhiều đơn vị đã sớm công bố giảm lãi suất cả tiền gửi, tiền vay và mở tín dụng với nhiều danh mục, trong đó có bất động sản.

Quyết định điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và sự vào cuộc của các ngân hàng đã thu hút nhiều luồng ý kiến phân tích đánh giá đa dạng.

Trong bản tin phát đi ngay trong ngày 11/4, nhóm nghiên cứu của BIDV phân tích: lý do đầu tiên để Ngân hàng Nhà nước hành động như vậy là tăng trưởng kinh tế chậm lại: GDP quý 1/2012 chỉ 4%, thấp hơn nhiều so với mức 5,57% của cùng kỳ 2011 và thấp xa so với mục tiêu 6% - 6,5% cả năm của Chính phủ.

Nhận định này không phải không có cơ sở nếu nhìn vào công thức: GDP = C + I + G + E – IM sẽ thấy, các yếu tố C (tiêu dùng), I (đầu tư), G (chi tiêu công) hiện tăng rất chậm, làm ảnh hưởng tới GDP.

ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)


Thứ hai, doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn do lãi suất vay VND quá cao ở mức phổ biến 16% - 18% nhưng kèm theo điều kiện ngặt nghèo.

Trong khi đó, các điều kiện hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định trên được cho là khá tích cực.

Một, xu hướng lạm phát giảm mạnh từ mức đỉnh 23% của tháng 8/2011 xuống 14,15% trong tháng 3/2012 và đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực: nhu cầu nội địa về tiêu dùng và đầu tư đang giảm; giá hàng hóa lương thực phẩm (chiếm 40% rổ CPI) ổn định mạnh do cung dư thừa; giá xăng dầu tăng 10% nhưng được miễn giảm thuế suất nhập khẩu đối với gas, diesel nên về dài hạn, giá năng lượng không gây đột biến tăng…

Hai, tín dụng thu hẹp khi  tốc độ tăng cả 3 tháng âm 2,13% so với cuối 2011 một cách bất ngờ, kể cả khi Thống đốc đã loại trừ yếu tố “ảo”.

Ba, thanh khoản hệ thống dồi dào khi lãi suất liên ngân hàng O/N chỉ 6% - 8%.

Bốn, việc bơm - hút của Ngân hàng Nhà nước diễn ra khá nhịp nhàng trong tháng 3/2012, khi nhà điều hành đẩy ra 60 nghìn tỷ đồng qua mua ngoại tệ và tái cấp vốn nhưng lại hút về 28.733 tỷ đồng tín phiếu và hút 4.562 tỷ đồng qua OMO, cộng: bơm ròng chỉ 26.705 tỷ đồng.

Một góc khác khiến nhiều người lo ngại là quyết định giảm lãi suất có ảnh hưởng đến tỷ giá như thế nào, nhóm nghiên cứu cho rằng, với khoảng cách chênh lệch lợi ích 10% khi nắm giữ VND, tỷ giá sẽ không biến động đáng kể.

Còn với nhóm phân tích của công ty chứng khoán SHS lại đưa ra một bình luận tương đối sắc nét: quyết định giảm thêm 1% với lãi suất chủ chốt, trần lãi suất tiền gửi; cho phép tổ chức tín dụng quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản vay khó trả nợ gốc từ các nhóm nợ xấu (3,4) lên nhóm 2 (cần chú ý); nới lỏng tín dụng bất động sản… được cho là động thái mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước để hiện thực hóa quyết tâm giảm lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ khó khăn với doanh nghiệp.

Cùng với các tổ chức trong nước, các định chế nước ngoài như ANZ, Citi, HSBC… cũng thi nhau bình luận về quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và cho là “bất ngờ và sớm hơn kỳ vọng”.

Các tổ chức này cũng “bốc quẻ” rằng: Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm thêm 300 điểm cơ bản lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối 2012; đồng thời, “khuyên” Ngân hàng Nhà nước nên cẩn trọng với lạm phát.

Những ngày này, thị trường đang khá hoan hỉ khi doanh nghiệp bất động sản được tiếp vốn, doanh nghiệp khác phập phồng hy vọng được hưởng lãi tiền vay giảm và kèm theo các lo ngại Ngân hàng Nhà nước nới lỏng định lượng có thể kích hoạt lạm phát.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 11/4, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chốt lại: “van” tín dụng năm nay không thể tăng quá 15% - 17%!

Và có lẽ, vấn đề không hẳn là lo ngại nhà điều hành nới lỏng sẽ kích hoạt lạm phát, mà là tiền có đi vào sản xuất hay không?


Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Nguyễn Hoài/Vneconomy