Đọc nhanh chiều 17/4: Bộ Công Thương bị mạo danh

17/04/2012 14:57
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) -Bộ Công Thương bị mạo danh; TP.HCM: Chợ ngập rau quả có nguồn gốc từ Trung Quốc; Đất phía đông Hà Nội rục rịch tăng giá;... là những tin kinh tế đáng chú ý chiều 17/4.
Bộ Công Thương bị mạo danh
Theo nguồn tin từ Vnmedia, Bộ Công Thương đã chính thức cảnh báo hiện tượng một số sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) có dấu hiệu lừa tiền của các tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Bộ này cho biết, cách thức hoạt động điển hình của những doanh nghiệp dạng này là thiết lập một website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT, trên đó cho phép những thành viên đã nộp tiền được mở một gian hàng ảo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Bộ Công Thương đã chính thức cảnh báo hiện tượng một số sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) có dấu hiệu lừa tiền của các tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. (Ảnh: Vnmedia)
Bộ Công Thương đã chính thức cảnh báo hiện tượng một số sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) có dấu hiệu lừa tiền của các tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. (Ảnh: Vnmedia)

Sau khi đóng một khoản phí ban đầu thì bên cạnh việc được mở gian hàng ảo trên website, mỗi thành viên được thêm quyền lợi là giới thiệu những người khác tham gia mua gian hàng ảo và hưởng hoa hồng vài chục phần trăm cho mỗi hợp đồng mà mình giới thiệu.
Để lôi kéo người tham gia, các doanh nghiệp thường hứa hẹn những mức thu nhập rất cao từ việc “phát triển mạng lưới gian hàng”, theo đó tổng số tiền hoa hồng một người có thể được hưởng quảng cáo lên đến vài trăm triệu đồng.

TP.HCM: Chợ ngập rau quả có nguồn gốc từ Trung Quốc

Theo thông tin từ Vef cho biết, hàng loạt mặt hàng rau củ, trái cây nhập khẩu hiện đua nhau đổ bộ vào VN. Thậm chí nhiều mặt hàng nông sản từ Trung Quốc được chào mời giao hàng tận nhà nếu mua từ 5kg trở lên.

Hoa quả Trung Quốc bày bán ở hầu hết các chợ trong thành phố (Ảnh: Vef)
Hoa quả Trung Quốc bày bán ở hầu hết các chợ trong thành phố (Ảnh: Vef)

Tại chợ đầu mối Tam Bình (Q.Thủ Đức), trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Úc bày bán la liệt, chất đầy các sạp lớn. Bên ngoài, nhiều xe container chờ được xuống hàng, chủ hàng chưa kịp đưa vào sạp đã có tiểu thương mặc cả giá và lấy hàng ngay tại xe. Phổ biến nhất hiện vẫn là các loại táo, lê, lựu, cam... Trung Quốc.
Trong hai tháng đầu năm nay, rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 24,62 triệu USD, chiếm 53,5% tổng lượng nhập rau quả từ tất cả các thị trường. Đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc là hàng nhập từ Mỹ. 
Không chỉ rẻ, hàng nông sản Trung Quốc còn len lỏi khắp mọi ngóc ngách trên thị trường nhờ cách chào hàng tận nơi của người bán. Thậm chí, mua hàng trên 5kg sẽ được giao hàng đến tận nhà.

Xuất khẩu Online – hướng đi hiệu quả của các doanh nghiệp

Theo thông tin từ Dân Trí, một khảo sát của Bộ Công Thương năm 2011 đối với hơn 2.000 DN trên cả nước cho thấy, hiện nay Việt Nam có trên 94% DN vừa và nhỏ, 100% DN này đều ứng dụng Internet.

Đại diện Alibaba.com, OSB trao kỷ niệm chương cho Công ty Everpia-TV Việt Nam thứ 200.000 trên Alibaba.com
Đại diện Alibaba.com, OSB trao kỷ niệm chương cho Công ty Everpia-TV Việt Nam thứ 200.000 trên Alibaba.com

Cuộc khảo sát của Bộ Công Thương cũng cho thấy các DN xuất khẩu đang tỏ ra khá nhạy bén trong việc ứng dụng TMĐT khi tích cực tham gia các trang thông tin điện tử để mua bán hàng hóa với mức chi phí đầu tư chỉ chiếm 5%, nhưng mang lại mức doanh thu trung bình lên đến 33% tổng doanh thu.
 Nhận định về mức độ quan tâm của DN “nội” đối với sàn TMĐT, ông Trần Xuân Thủy, GĐ Quốc gia của Alibaba.com Việt Nam cho rằng số lượng DN ở mọi quy mô tham gia sàn TMĐT ngày càng cao. Như tại Alibaba.com, tính tới cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng hàng năm về số lượng thành viên VN vào khoảng 27% và trung bình mỗi tháng có hơn 3.500 thành viên mới tham gia. Trong 6 tháng trở lại đây, trung bình mỗi tháng các DN Việt cập nhật thêm 16.863 sản phẩm mới và nhận được 14.150 yêu cầu mua từ các nhà nhập khẩu.

Đất phía đông Hà Nội rục rịch tăng giá

Theot tin từ VTC New, thị trường bất động sản phía đông Hà Nội đang “ấm” dần lên với những giao dịch đất nền tăng lên rõ rệt.
Hiện giá đất tại khu vực Gia Lâm và Long Biên trong vài tuần gần đây đã tăng khá manh, từ 5 – 10 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí, diện tích của từng lô.

Dự án Vincom Village được đánh giá là "khu đô thị 5 sao" đẳng cấp vào bậc nhất ở Hà Nội
Dự án Vincom Village được đánh giá là "khu đô thị 5 sao" đẳng cấp vào bậc nhất ở Hà Nội

Giá đất tại khu thị trấn Trâu Quỳ dao động từ 20 – 27 triệu đồng/m2, tăng 3 – 5 triệu đồng/m2 so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, khu Bát Tràng, Đông Dư, Cổ Bi, Kiêu Kỵ... giá cũng tăng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn các khu đất mặt tiền trên đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Cừ, hay ở phường Bồ Đề, Lâm Du hầu hết đều dao động trên 45 triệu đồng/m2.
Từ đầu năm đến nay, lượng giao các dự án tại khu vực Long Biên và Gia Lâm tăng mạnh, từ 20 – 30%.
Nếu cách đây chừng nửa năm, các giao dịch nhà đất tại các khu vực này gần như đứng im, thậm chí theo nhiều người là “ế chỏng ế chơ”, thì 2 tháng trở lại đây, các khu đô thị mới phía đông bắt đầu có các giao dịch trở lại.

Philippines dự định ký hợp đồng gạo với Campuchia

Nguồn tin từ Vietnam+ cho biết, một quan chức Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) cho biết ngoài hợp đồng gạo đã có với Việt Nam và Thái Lan, Chính phủ nước này dự kiến sẽ ký một hợp đồng cung cấp gạo với Campuchia trong vòng hai tháng.
Dante S. Delima, trợ lý Bộ trưởng Nông nghiệp kiêm điều phối viên Chương trình gạo quốc gia, nói rằng một khi có thể ký được bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Campuchia, Philippines có thể khai thác chúng như một nguồn nhập khẩu gạo tiềm năng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cho biết họ dự định thông báo cho Việt Nam và Thái Lan rằng NFA sẽ tìm kiếm các hợp đồng mua 120.000 tấn gạo để tăng cường lượng gạo dự trữ trong nước.
Theo ông Delima, Philippines có thể không tính tới Campuchia trong việc nhập khẩu năm nay bởi Philippines cần phải ký một bản ghi nhớ trước khi tiến hành bất cứ thỏa thuận liên chính phủ nào với Campuchia.
Theo thỏa thuận được đề xuất, Campuchia ưu tiên cho Philippines mua gạo của họ.

Nhật Bản cam kết tài trợ 60 tỷ USD cho IMF cứu châu Âu

Với tuyên bố này, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên ngoài châu Âu đóng góp tiền của vào bức tường lửa của tổ chức này nhằm cứu châu Âu khỏi sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ công, nguồn tin từ TTXVN cho biết.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, hiện tại vẫn khăng khăng đứng ngoài công cuộc đóng góp cho bức tường lửa trị giá 600 tỷ USD này. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần, khắc phục thâm hụt ngân sách đang là ưu tiên hàng đầu cho các ứng cử viên, Mỹ đã tuyên bố sẽ không đóng góp thêm dòng vốn mới.

Nhật Bản cam kết tài trợ 60 tỷ USD cho IMF cứu châu Âu
Nhật Bản cam kết tài trợ 60 tỷ USD cho IMF cứu châu Âu

Các nền kinh tế mạnh mới nổi khác như Trung Quốc, Brazil và Nga dù cho biết sẵn sàng tham gia nhưng vẫn chưa có động thái cụ thể nào.
Hiện tại các quốc gia Eurozone đã cam kết đóng góp 200 tỷ USD và các nước còn lại trong khu vực châu Âu góp thêm 50 tỷ USD.
Theo nguồn tin từ các quan chức G20, các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể sẽ đồng ý đóng góp xây dựng một bức tường lửa trị giá từ 400-500 tỷ USD.
Hương Trà (tổng hợp)