Âm nhạc: Thách thức với những người đãi cát tìm vàng

19/04/2012 13:22
Phạm Mai
(GDVN) - Âm nhạc cũng là một cách thể hiện văn hóa dân tộc... tôi sẽ nhắc nhở bản thân điều đó để luôn tự hào và nỗ lực cho một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Giai điệu như chiếc chìa khóa âm thâm thanh, len lỏi vào từng ngõ ngách tâm hồn và làm ta biết sống, khơi dậy đam mê và yêu thương trong ta.

Có những âm thanh gây chết người, tại nhà tù Phú Quốc những năm 1967-1973, hơn 40.000  người bao gồm tù chính trị và tù nhân phạm tội đã bị lính Mỹ dùng nhục hình tra tấn, một trong những cách tra tấn đáng sợ hơn cả là lấy thùng phuy úp lên tù nhân đang ngồi xổm, rồi gõ vào thùng. Tù nhân sẽ bị đau đầu, sẽ bị điếc vì tiếng gõ mạnh và sức ép không khí. Cũng bằng cách gõ vào thùng phuy đổ đầy nước, bên trong thùng là tù nhân. Kiểu tra tấn này có thể khiến tù nhân bị hộc máu vì sức ép của nước.

Đây chỉ là một trong số những ví dụ mà tôi ấn tượng sâu sắc khi học về bài học âm thanh trong môn vật lí.  Hàng ngày chúng ta vẫn thường tiếp xúc với hàng loạt âm thanh gây chói tai, ngoài sự hỗn độn của những tiếng ồn trong đời sống sinh hoạt, cái mà tôi muốn nói đến ở đây là những “tiếng ồn” trong âm nhạc. “Tiếng ồn” trong âm nhạc không gây ra cái chết tức thì nhưng lại làm chầy xước tâm hồn bạn nghe nhạc.

Bạn chọn làm một tiếng ồn hay sẽ đi từng bước khó khăn để trở thành thứ âm thanh ngọt ngào, êm ái, du dương làm say đắm lòng người? Chịu chầy xước cổ họng của mình để có được những điểu tôi vừa nói trên hay chọn làm đau tai người nghe?

Thời gian vừa qua, trên thị trường âm nhạc có vô vàn những tác phẩm mới ra đời, đa dạng về chủng loại, độc đáo về cách biểu diễn. Giống như một người định hướng tư tưởng, âm nhạc có thể làm người ta sống khác, nghĩ khác, tác động vào tầm suy nghĩ và tư tưởng của người nghe nhạc, biết được tầm quan trọng ấy, tôi sẽ tự đặt câu hỏi rằng tác phẩm của mình có ảnh hưởng như thế nào tới công chúng nghe nhạc? Nó có giúp  người nghe cảm thẩy yêu đời, lạc quan, sống lành mạnh hay làm cho người ta suy nghĩ tiêu cực hơn sau mỗi tác phẩm mới ra đời, liệu mình có nên lừa dối công chúng để làm lợi cho bản thân, hát nhép, sao chép ý tưởng để nổi tiếng mình có dám làm hay không? Liệu những tác phẩm đơn thuần được nhiều click bình chọn, nghe nhiều đã thực sự đủ tiêu chuẩn trở thành những bài hát đại diện cho năm hay còn phải chú ý đến sự ảnh hưởng đến định hướng tư tưởng của tác phẩm đến đời sống xã hội.

Theo quan điểm cá nhân tôi, Âm nhạc Việt ngày nay còn nhiều ca khúc viết chưa hay, nó giống như “tạp chất”, như những hạt cát che lấp mất những hạt vàng dưới đáy sâu. Đó là một thách thức đối với những người đi đãi cát tìm vàng. Nếu tôi là âm nhạc, tôi sẽ sống hết mình để cống hiến, tôn trọng những giá trị truyền thống trước khi sáng tạo ra cái mới, âm nhạc cũng là một cách thể hiện văn hóa dân tộc, tôi sẽ nhắc nhở bản thân điều đó để luôn tự hào và nỗ lực cho một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

 Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

 Chủ đề tuần này (15/4- 22/4): Giải Âm nhạc Cống hiến 2011

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

 Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Phạm Mai