Thời mực tím của những MC, nhà báo nổi tiếng

21/06/2011 05:21
(GDVN) - Phóng viên Báo GDVN đã đi tìm lại ký ức, và nhặt nhạnh, gom góp những "mẩu" kỉ niệm rất riêng về thời mực tím của những MC, nhà báo nổi tiếng.

(GDVN) - “Trong ký ức của tôi vẫn nhớ như in những buổi tan trường về khoảng 6-7h tối, ngẩng lên thấy da trời màu xanh ngắt, mùi hoa sữa thơm ngát... Mỗi khi đi qua đấy, tôi có cảm giác thật thân quen của thuở nào”.

{iarelatednews articleid='5243'}

Nhà báo Tạ Bích Loan thành đạt, hóm hình hiện tại nhưng ai biết được rằng cái thủa “mực tím” của chị cũng đầy mộng mơ và lãng mạn.

Hôm nay, nhân ngày Nhà báo Việt Nam (21/6), phóng viên Báo GDVN đã đi tìm lại ký ức, và nhặt nhạnh, gom góp những "mẩu" kỉ niệm rất riêng về thời mực tím của những MC, nhà báo nổi tiếng.

Nhà báo Tạ Bích Loan: Ôm mộng sáng tác thơ, viết truyện

Là một người thành đạt, nhà báo Tạ Bích Loan là nhà báo trẻ duy nhất được Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chọn để đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, đến chúc Tết tại tư gia. Mặc dù vậy, ít người biết được một Tạ Bích Loan “mộng mơ” với thời học trò.

Thời mực tím của những MC, nhà báo nổi tiếng ảnh 1
 

“Đó là phố Lý Thường Kiệt, ở đó có trường cấp III Lý Thường Kiệt của tôi, có hàng phượng xanh mát mắt, rẽ một chút lên phố Bà Triệu là hàng hoa giữ nhiều kỷ niệm của tuổi học trò. Trong ký ức của tôi vẫn nhớ như in những buổi tan trường về khoảng 6-7h tối, ngẩng lên thấy da trời màu xanh ngắt, mùi hoa sữa thơm ngát...

Mỗi khi đi qua đấy, tôi có cảm giác thật thân quen của thuở nào. Có một thời, tôi ngộ nhận mình có năng khiếu làm thơ. Tôi cảm thấy thơ của mình rất hay, gửi đi nhiều cuộc thi thơ toàn quốc. Rồi một ngày đẹp trời nào đó, tôi thức tỉnh giấc mộng sau nhiều lần không đoạt giải. Tôi học chuyên văn nên cũng tập tành viết truyện ngắn. Nhưng các truyện đó thường không kết thúc được bởi tôi không đoán trước được diễn biến tâm lý sau đó của nhân vật, thường chỉ mô tả những gì thuộc về hiện tại”.

Về sau, tôi cũng gác lại mộng văn xuôi. Quả thật, tôi cũng là người... hơi bị lãng đãng. Nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ.

Mc Anh Tuấn – Tay ôm ghidong, tay ôm đàn cello và … chân vẫn đạp xe

“Tuổi thơ vẫn trở đi trở lại trong giấc mơ của tôi. Tôi là con một, trong một gia đình Hà Nội gốc. Lúc bấy giờ nhà tôi ở trên đường Hàng Cân. Ngày bé, bố mẹ đi làm hết, tôi chỉ có bà nội ở bên cạnh. Quanh quẩn với bà và những trò nghịch ngợm. Ngày đó, từ gầm cầu thang cho tới ô cửa nhỏ, nhiều khi chỉ với một sợi dây hoặc một cái que cũng đủ cho tôi bày mọi trò...”

“5 tuổi, tôi đã tập đàn piano. 7 tuổi, thi đỗ vào trường nhạc. Có thể coi là một thằng bé nghịch ngợm như tôi ngày đó quả là một áp lực nặng nề. Ngày đó, tôi học cả hai trường: Một buổi học văn hóa ở trường Trưng Vương, một buổi học ở nhạc viện. Nhưng mà tôi vẫn có thời gian để nghịch như thường.

 

Nếu nói điều nhớ nhất thì phải là những lúc đạp xe đạp trên đoạn đường khá xa từ nhà đến nhạc viện. Một tay cầm ghi-đông, tay kia vẫn ôm cây đàn cello và... chân vẫn đạp, lúc đó trong đầu chỉ mong sao quãng đường ngắn lại chứ không nghĩ được đến âm nhạc.”

“Đó là những ngón tay bị trầy xước của mình. Sau khi học Cello, tôi đã tìm hiểu để tự học chơi Double Bass với nhạc Jazz. Lúc đầu, vì dây đàn to quá nên đã làm những đầu ngón tay sưng phồng, nhưng tôi vẫn quyết tâm quấn băng dính vào tay để chơi, cảm giác đau ở đầu ngón tay theo đuổi tôi đến tận bây giờ.”

Mc Thanh Bạch – Từng bị bạn bè nhại vì nói lắp

Để trở thành một MC hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết rằng anh đã từng “thực hành” nghề này ngay từ thời tiểu học, trước khi được đào tạo trường lớp đến nơi đến chốn.

“Khi vào học lớp 1, tôi là một đứa bé nhút nhát, ngại giao tiếp với bạn bè vì bị cà lăm (nói lắp). Nhiều lần cô giáo gọi đứng lên phát biểu, anh nói lắp bắp, bạn bè trong lớp nhại theo khiến anh rất tức và quyết tâm phải khắc phục yếu điểm của mình.

Thời mực tím của những MC, nhà báo nổi tiếng ảnh 3
 

Vào thời điểm đó, anh rất mê nghe radio và mê luôn giọng nói của các phát thanh viên vì giọng của họ tròn vành rõ chữ và truyền cảm. Anh nghe rồi bắt chước giọng của các cô chú ấy, những hôm ở nhà một mình, anh thường lấy quyển tập vo tròn lại làm micro.

Nhờ đó mà anh dần dần chữa được tật cà lăm lúc nào cũng không hay. Thời tiểu học, anh học giỏi đều các môn nhưng xuất sắc nhất vẫn là môn vẽ. Những bức tranh trong tiết học hội họa của anh bao giờ cũng đạt điểm cao nhất lớp. Nhiều bạn bè thấy tranh anh vẽ đẹp quá nên nài nỉ mua, từ đó anh bỗng dưng… có tiền ăn vặt nhờ vào tài vẽ tranh của mình. Một kỷ niệm lúc ấy mà anh không bao giờ quên.

Minh Quý (tổng hợp)