"Thực sự là rất không công bằng với Bộ trưởng Thăng"

19/04/2012 10:30
Độc giả Nguyễn Trường Giang (Hà Nội)
(GDVN) - Ùn tắc giao thông đâu chỉ có trách nhiệm của riêng Bộ trưởng Thăng mà ở đây chúng ta phải xem rõ trách nhiệm của cả ông Bộ trưởng Xây dựng, Kế hoạch đầu tư, các UBND TP... vì qui hoạch kém, cho xây quá nhiều nhà cao tầng trong nội đô...
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp, hiến kế...gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Phạm Trường Giang (Cầu Giấy, Hà Nội). Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Xung quanh đề án thu phí giao thông, trong đó có phí hạn chế phương tiện cá nhân và vấn nạn ùn tắc giao thông đã nhận được rất nhiều ý kiến, phản hồi trái chiều khác nhau của mọi tầng lớp trong xã hội. Bên cạnh những ý kiến đóng góp, xây dựng thì tôi thấy cũng có không ít những ý kiến mang tính bột phát, hô hào, phản ứng thái quá đối với những quyết sách, đề án thu phí giao thông mà Bộ trưởng Thăng và Bộ GTVT trình lên Chính phủ.

Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, những ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng được đưa ra không những không giải quyết triệt để vấn đề mà còn khiến cho vấn nạn ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng hơn?

Bộ trưởng Đinh La Thăng (ảnh: Internet)
Bộ trưởng Đinh La Thăng (ảnh: Internet)

Với cá nhân tôi, khi theo dõi các bài viết, các ý kiến xung quanh câu chuyện này cũng như các ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, chưa bàn đến việc thực hiện đó nhưng mới chỉ là đề án thôi nhưng cá nhân tôi đã nhận thấy rằng đề án này, đã thể hiện lên sự mạnh mẽ, táo bạo của một vị Bộ trưởng từng được người dân đánh giá là dám nghĩ, dám làm.

Như chúng ta đã thấy, câu chuyện ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay đã trở thành bài toán nan giải mà nhiều thế hệ cán bộ ngành giao thông đã phải đau đầu. 

Hàng loạt các "chiêu", "kế sách" như phân làn, rào đường... tốn kém nhiều tỉ đồng của Nhà nước đã được đưa thực hiện ở các thành phố lớn, tuy nhiên, cho đến nay, khi ra đường chúng ta thấy rõ ràng rằng, đâu vẫn đóng đấy, ùn vẫn ùn, tắc vẫn tắc, người dân vẫn ngày ngày phải kêu oai oái trên đường...

Và dù nhiều người có cho rằng, tôi nghĩ như vậy là phiến diện, không theo số đông nhưng tôi cho rằng với những cách nhìn nhận theo kiểu "ném đá" như hiện nay thì liệu có thực sự công bằng với Bộ trưởng Thăng trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông hiện nay ở các đô thị lớn không (?).

Thực sự theo nhìn nhận của tôi là không công bằng chút nào, tại sao ư (?), tại một lẽ đầu tiên mà tôi thấy rằng chắc chắn nhiều người đã nhận rõ, đó là tình trạng kẹt xe ở 2 thành phố lớn hiện nay của đất nước là do những yếu kém về trình độ lãnh đạo, quản lý về tầm nhìn hạn chế đã tích tụ từ nhiều năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo, quản lý trong ngành GTVT của nước ta.

Và ở đây, Bộ trưởng Thăng chỉ là người đứng ra để tìm ra hướng nhằm giải quyết hậu quả mà  thôi, vậy nên việc người dân phản ứng tức thời nhằm vào Bộ trưởng Thăng ở đây thực sự là một sự không công bằng.

Điều thứ hai mà tôi muốn nói đến, đó là giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, nếu chỉ riêng một mình ngành Giao thông vận tải, một mình Bộ trưởng Thăng tiến hành làm, thì liệu rằng có đạt được hiệu quả chăng (?), tôi xin cam đoan chắc chắn ngay rằng, không bao giờ được. Bởi lẽ, đây phải là sự vào cuộc đồng bộ của mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp trong xã hội.

Sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu như việc thu phí, cấm các phương tiện cá nhân lưu thông vào thành phố trong giờ cao điểm khi mà có đến hàng chục, hàng trăm dự án nhà cao tầng sắp đưa vào sử dụng và đang chuẩn bị khởi công rất nhiều dự án nữa tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


Điều này, chắc nhiều người cũng đã hiểu, bởi lẽ, khi mỗi một nhà cao tầng đưa vào sử dụng sẽ có hàng trăm, hàng ngàn hộ dân tới sinh sống và kéo theo đó là hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn phương tiện cá nhân đi kèm tiếp tục được sử dụng.

Như vậy, khi Bộ GTVT có đưa ra phương án tối ưu giải quyết được việc hạn chế phương tiện giao thông ở bên ngoài vào nhưng bên trong lượng phương tiện lại tăng, thì áp lực cho hạ tầng giao thông chắc chắn vẫn không hề giảm. Ùn tắc như thế sẽ vẫn cứ xảy ra.

Trách nhiệm lúc này, đâu chỉ là của Bộ trưởng Thăng mà trách nhiệm chính phải được xác định là của các ông Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư, UBND các thành phố vì đã lập qui hoạch kém, cho xây dựng quá nhiều nhà cao tầng trong nội đô...

Và cũng chẳng thể nào phát triển được mạng lưới giao thông công cộng ở các thành phố khi mà quĩ đất dành cho giao thông không có hoặc có nhưng theo dạng hạn chế. Thực tế đã cho thấy, như báo chí đã rất rất nhiều lần lên tiếng, ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, diện tích đất được qui hoạch dành cho giao thông hiện nay còn rất thấp.

Trong khi đó, nhiều diện tích khác, lẽ ra nên dành cho giao thông nhưng do buông lỏng quản lý từ các ngành chức năng lại bị "hô biến" thành những điểm gây áp lực cho ùn tắc giao thông. Cũng như ở trên, trách nhiệm lúc này liệu có phải thuộc về Bộ GTVT của Bộ trưởng Thăng hay thuộc về cơ quan nào (?).

Cũng cần nói thêm, trong thời gian qua, đã có rất nhiều phương án được đưa ra để góp phần giảm ùn tắc giao thông, trong đó có phương án di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện và kể cả dân trong nội đô ra khu vực ngoại thành, ngoại tỉnh... Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện còn vô cùng chậm. Chính việc chậm trễ này cũng đã góp phần tiếp tục gây ra sức ép lớn cho hạ tầng giao thông ở các thành phố lớn.

Và câu hỏi lại được đặt ra là, liệu đây có phải trách nhiệm của Bộ GTVT của Bộ trưởng Thăng (?). Xin thưa là không phải, trách nhiệm ở đây là của chính các Bộ có liên quan như Xây dựng, Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố... trong việc lập thiết kế, qui hoạch, chuẩn bị diện tích đất, xây dựng phương án di dời và bố trí vốn, tiến hành di dời...

Bộ GTVT chỉ là một Bộ chuyên ngành về Giao thông, về vận tải  làm sao có những quyền hạn để làm những việc đó. Chúng ta có thể có những ý kiến trái chiều nhau, thậm chí phản ứng với đề án, quyết sách của Bộ trưởng Thăng, đó là quyền của mỗi công dân nhưng theo tôi đã đến lúc chúng ta nên dừng lại và mổ xẻ, làm rõ trách nhiệm trong việc để vấn nạn ùn tắc giao thông tiếp tục nghiêm trọng của các Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Kế hoạch đầu tư, UBND các thành phố... trong việc qui hoạch kém, cấp phép cho xây dựng các nhà cao tầng tràn làn, chậm trễ trong phương án di chuyển các cơ sở, dân cư ra ngoại thành...

Khi làm rõ được điều đó, tôi dám khẳng định chắc chắn rằng, nhiều người sẽ có cái nhìn như tôi là thật sự không công bằng khi cứ phản ứng, chỉ trích Bộ trưởng Thăng trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Và theo tôi, trách nhiệm giải quyết ùn tắc giao thông là trách nhiệm chung của mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân, chứ không phải là trách nhiệm của riêng ai trong lúc này cả. Chỉ có sự đồng tâm, đồng lòng, quyết tâm cao mới hi vọng giải quyết tốt vấn nạn này.

Để bày tỏ quan điểm của mình và đóng góp ý kiến cho ngành giao thông, mời bạn đọc gửi bài viết về tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.



Độc giả Nguyễn Trường Giang (Hà Nội)